“Mật vụ” mặt trăng
Trong những năm tiếp theo đã có 5 đoàn du hành từ trái đất bay lên tới mặt trăng. Đã có rất nhiều bài báo và sách viết về các chuyến đi tìm "chị Hằng" đó nhưng hóa ra, theo báo Nga Komsomolskaya Pravda, cho tới hôm nay, vẫn còn khá nhiều bí mật chưa được hoặc ít được công bố.
Trước hết phải giữ sạch trong tàu
Bức ảnh đầu tiên chụp trên mặt trăng gần như là chưa từng được in ra ở đâu. Việc làm đầu tiên của các nhà du hành vũ trụ Mỹ, khi mở cửa con tàu Apollo, là vứt ra khỏi tàu tất cả số rác tích tụ trong đó sau những ngày bay lên từ trái đất tới mặt trăng. Và chính số rác này đã hiện lên ở phần trước bức ảnh đó.
Tất nhiên, không đẹp mấy sự bắt đầu chinh phục một thế giới mới bằng việc làm bẩn nó bởi những rác thải của con người trái đất. Nhưng nói cho cùng, cũng nên lượng thứ cho các nhà du hành vũ trụ: trên mặt trăng hiển nhiên là không có thùng rác, còn rác của tàu vũ trụ thì cũng đã được bó gọn thành bịch rồi.
Armstrong ở đâu?
Trong những bức ảnh mà các nhà du hành vũ trụ trên con tàu Apollo 11 chụp trên mặt trăng chỉ có hình ảnh của một mình Aldrin: Aldrin đi từ tàu theo cầu thang xuống mặt trăng, Aldrin đứng trên bề mặt trăng, chào cờ, mang và đặt các công cụ khoa học, thu thập đất mặt trăng... Thế còn Armstrong lúc đó ở đâu?
Nguyên do là ở chỗ, lãnh đạo Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Mỹ (NASA) lúc đó cho rằng, trong chuyến công tác lên mặt trăng, chỉ cần một máy ảnh cho hai nhà du hành vũ trụ. Và phần lớn các bức ảnh chụp trên đó là do Armstrong thực hiện. Đôi khi ông cũng trao máy ảnh cho Aldrin nhưng nhà du hành vũ trụ này đã không chụp cho chỉ huy của mình được một bức chân dung nào cho ra hồn. Armstrong chỉ lọt được vào ống kính có một lần và dường như là tình cờ: ông được chụp ở khoảng cách xa và từ phía sau lưng.
Từ sau chuyến công du đó, lãnh đạo NASA đã không tiết kiệm nữa và phát cho các nhà du hành vũ trụ đi công tác mỗi người riêng một máy ảnh.
Không có cờ Mỹ ấy trên mặt trăng!
Bức ảnh chụp nhà du hành vũ trụ Aldrin đang đứng chào cờ Mỹ đã được in rất nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng kèm theo đó không có thông tin về việc lá cờ đó từ lâu đã không còn đứng ở trên mặt trăng nữa. Nó được cắm xuống đất ở quá gần nơi Apollo hạ cánh và chỉ được cắm rất nông nên khi con tàu cất cánh trở về trái đất, nó đã bị thổi ngã. Armstrong và Aldrin nhìn thấy cảnh lá cờ Mỹ bị thổi bạt đi nhưng đã im lặng không kể gì về chuyện này sau chuyến đi. Chỉ gần đây, họ mới tiết lộ tình tiết đó.
Sau 40 năm có lẽ chẳng có thứ gì còn lại từ vuông cờ nilon nằm trên bề mặt trăng ngày ngày bị thiêu tới cả trăm độ C.
Trong các chuyến công du sau, các lá cờ đã được cắm xuống mặt trăng cẩn thận hơn: ở cách xa nơi tàu hạ cánh và dùng búa để đóng cán cờ vào sâu trong bề mặt trăng. Vì thế, những lá cờ đó đã đứng được sau khi các con tàu vũ trụ cất cánh rời khỏi mặt trăng về trái đất (có thể nhìn thấy rõ điều này qua các thước phim quay qua cửa sổ tàu vũ trụ khi cất cánh). Tuy nhiên, không loại trừ là từ đó tới nay những lá cờ này đã bị ánh nắng mặt trời chói chang chiếu xuống mặt trăng thiêu đốt tơi tả.
Công cụ có ích nhất
Nhà du hành vũ trụ Alan Bean, thành viên đoàn bay trên tàu Apollo 12, người thứ tư đặt chân lên mặt trăng ở tuổi 37, đã phát hiện ra rằng, công cụ có ích nhất trên đó là cái búa. Ông đã sử dụng búa trên mặt trăng không chỉ để làm việc chính là đóng cán cờ vào sâu bề mặt trăng và đẽo đá mang về, mà còn dùng nó để cứu toàn bộ chương trình khoa học của chuyến bay lên đó.
Để công cụ khoa học mà các nhà du hành vũ trụ đã mang lên mặt trăng có thể hoạt động được, đã cần phải lắp vào máy phát điện một cái lõi làm từ chất phóng xạ plutonium. Thế nhưng, cái lõi này mãi vẫn không chịu rời khỏi container mà nó đã được xếp vào đó trong chuyến bay lên mặt trăng. Phải chờ đến khi Bean mang búa ra dùng thì cái lõi đó mới thôi không cứng đầu cứng cổ nữa. Bean cũng đã dùng búa để sửa cái camera truyền hình bị cháy nhưng không thành công cho lắm.
Khi tàu Apollo 12 cất cánh rời khỏi mặt trăng, Bean đã không vứt cái búa ấy đi theo đúng quy tắc đã định mà mang nó theo mình về trái đất. Cái búa đó hiện nay vẫn còn có tác dụng đối với Bean: sau khi trở về từ mặt trăng, Bean đã theo nghề hội họa và ông dùng cái búa đó tạo nên những dấu hiệu đặc biệt mang dáng vẻ riêng trên những bức tranh của mình.
Ý đồ nhiếp ảnh không thành công
Charles Conrad và Alan Bean, những nhà du hành vũ trụ trên con tàu Apollo 12, quyết định chụp một bức ảnh chân dung chung trên mặt trăng. Trước chuyến bay lên đó không lâu, họ vào một cửa hàng dụng cụ nhiếp ảnh mua bộ phận bấm máy ảnh tự động và tìm được cách mang nó lên tàu. Thế nhưng, kế hoạch tinh vi đã không mang lại hiệu quả mong đợi.
Trước khi bước xuống bề mặt mặt trăng, các nhà du hành vũ trụ đã đặt bộ phận bấm máy ảnh tự động vào container chứa các mẫu vật và các dụng cụ làm việc nhưng khi cần thiết, đã không thể tìm thấy nó trong đó: trong container dưới ánh sáng mặt trăng mờ mịt là cả một khoảng tối mênh mông và qua găng tay của bộ y phục đặc biệt không thể nào sờ ra được cái bộ phận bấm máy ảnh tự động bé xíu.
Mà đổ mọi thứ trong container đó ra bề mặt mặt trăng thì các nhà du hành vũ trụ lại không dám vì sợ đánh mất những thứ đã thu thập được hay những dụng cụ đã được ghi vào danh mục. Chỉ lúc vào lại trong tàu vũ trụ, Conrad và Bean mới tìm thấy được bộ phận bấm máy ảnh tự động sau khi đổ mọi thứ từ container ra một cái thùng đặc biệt.
Câu chuyện này về sau đã được Bean đưa vào một bức tranh của ông "Bức ảnh đáng kinh ngạc mà chúng tôi đã không thể thực hiện được". Trong bức tranh này vẽ hai nhà du hành vũ trụ đang giang tay ra trước ống kính máy ảnh đặt trên container.
500 USD cho một câu nói
Trước khởi hành của con tàu vũ trụ Apollo 12, chỉ huy đoàn bay Charles Conrad đã trò chuyện với nữ ký giả người Italia, Oriana Falacci. Mỹ nhân làm báo này khẳng định rằng, những câu nói văn hoa về "bước chân nhỏ và bước tiến lớn" như con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng Neil Armstrong đã nói, là do các chuyên gia quảng cáo nghĩ ra và buộc các nhà du hành vũ trụ nói ra với công chúng.
Conrad đã cực lực phản đối ý kiến đó và bảo, chúng tôi muốn nói cái gì thì nói thứ đó. Cuối cùng, hai người đã đánh cược với nhau 500 USD về việc, một khi ông đặt chân lên mặt trăng rồi, có thể sẽ nói một câu gì đó mà rõ ràng là không phải câu mà thượng cấp đã buộc ông phải nói cho đúng ngữ cảnh. Và nhà du hành vũ trụ Conrad, vốn vóc dáng thấp bé, khi bước ra khỏi cửa con tàu Apollo 12 đã thốt lên: "Xong rồi! Đối với Neil Arrmstrong, đây có thể là một bước nhỏ nhưng đối với tôi, đó là một bước dài!".
Của đáng tội, Conrad về sau vẫn không nhận được 500 USD đã thắng cược. Ông đã chết ngày 8/7/1999 vì một tai nạn xe máy ở vùng núi
Ở đâu cũng cần nghĩ tới phụ nữ
Theo một nghiên cứu khoa học, những người đàn ông mê phái đẹp cứ năm phút lại nghĩ tới tình yêu một lần. Các nhà du hành vũ trụ Mỹ không đến nỗi như thế nhưng khi bay lên mặt trăng cũng không hẳn là không nghĩ tới phái đẹp. Chính vì thế nên đồng nghiệp của họ, khi chuẩn bị cho họ bay lên mặt trăng, đã đính vào tập sách gắn ở tay áo bộ y phục bay của họ, ngoài danh mục những nhiệm vụ cần phải thực hiện trong chuyến công tác, còn có hình ảnh gợi cảm của những mỹ nhân nổi tiếng.
Không ai thay tàu giữa chuyến bay
Trong chuyến bay của tàu vũ trụ Apollo 13 đã xảy ra một thảm họa: trên đường lên mặt trăng, trong module service đã bị nổ bình chứa oxy nên con tàu đã bị mất toàn bộ nguồn khí oxy. May thay, lunar module, gắn với con tàu chính vẫn hoạt động tốt nên với sự giúp đỡ của động cơ của nó, các nhà du hành vũ trụ đã điều chỉnh được đường đi và trở về trái đất. Khí oxy, nước và năng lượng của lunar module đã được tiêu thụ trong cơ chế tiết kiệm tối đa và nguồn dự trữ của nó đã đủ cho đoạn đường trở về.
Trước khi hạ cánh xuống mặt đất, các nhà du hành vũ trụ đã dùng vụ nổ để vứt bỏ service module. Chỉ huy đội bay James Lovell kinh ngạc trước cảnh tượng đang phải chứng kiến, đã thông báo với mặt đất: "Con tàu đã bị mất cả một bên sườn!". Và từ mặt đất, ông nhận được câu trả lời: "James, nếu cậu không lo lắng tốt hơn cho con tàu của mình chứ không phải cho module, chúng tôi sẽ không thể cung cấp cho cậu con tàu khác nữa đâu!"