Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt: Một phần những bí mật tiềm ẩn

Thứ Bảy, 03/07/2010, 16:09
Tọa lạc trên quả đồi lộng gió phía Đông Bắc thành phố ngàn hoa, con đường nơi có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hôm nay mang một cái tên khá độc đáo "đường Nguyên tử lực". Cái tên ấy có từ năm 1958, khi chính quyền Sài Gòn cũ đã thành lập Cục Nguyên tử lực và đến năm 1961, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt có diện tích 21 ha, hoàn thành vào tháng 12/1962.

Ra đời sớm nhất Đông Nam Á, nhưng…

Lò Đà Lạt khi ấy là loại lò phản ứng nghiên cứu TRIGA - MARK II của hãng General Atomic (Mỹ) sản xuất, có công suất 250 KW. Lò tuy do người Mỹ thực hiện nhưng vẫn có dấu ấn "made in Việt Nam" khi phần vỏ lò do kiến trúc sư tài ba người Việt Nam nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ, ông Ngô Viết Thụ thiết kế. Ông Thụ còn là tác giả thiết kế Dinh Độc Lập... Có lẽ là một người lãng mạn, biết cả hội họa và âm nhạc, nên khi thiết kế Lò hạt nhân Đà Lạt, ông đã đặt nó trên quả đồi đẹp nhất thành phố hoa và vẽ phần trung tâm công trình mang dáng dấp của một hạt nhân nguyên tử được phóng đại.

TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai KTS Ngô Viết Thụ sau này có lần kể lại: "Trong công trình Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt, ông thay đổi thiết kế khối hình vuông thô kệch ban đầu của Mỹ bằng cơ cấu mang hình tượng "Lò Bát quái" để nhắc nhở việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình".

Cùng thời điểm này, Mỹ cũng xây dựng lò hạt nhân có công suất tương tự ở Indonesia, Malaysia nhưng lò Đà Lạt vẫn giữ một kỷ lục khác, là lò hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á đạt trạng thái "tới hạn" vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 3/3/1963.

Đầu tư thiếu đồng bộ, tình trạng mất an ninh, không ổn định chính trị, sau Tết Mậu Thân năm 1968, lò phản ứng gần như không hoạt động...

Sơ đồ quy hoạch tổng thể hình... "bát quái".

Những người tiếp quản đầu tiên

Một trong những người cộng sản đầu tiên có mặt tại Lò Đà Lạt năm 1975 giúp tôi giải mã những câu hỏi ấy là giáo sư, tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), từng giữ chức Trưởng đoàn A1, tiếp quản lò Đà Lạt lúc bấy giờ. Tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ tĩnh lặng ở phố Tô Vĩnh Diện (Hà Nội), Thiếu tướng Nguyễn Quỳ kể:

"Tôi đánh giá rất cao tầm nhìn xa của anh Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự lúc bấy giờ. Từ tháng 3/1975, Viện được trên cho phép vào tiếp quản cơ sở kỹ thuật tại các nơi mà ta vừa giải phóng. Anh Phu vào tiếp quản ở Đà Nẵng đã rất nhanh nhạy, dự báo địch sẽ thua nhanh, thành lập đoàn vào quản lý các cơ sở kỹ thuật tại Đà Lạt do anh Ngô Đình Liêu, Đại uý làm Trưởng đoàn. Kỹ thuật hạt nhân luôn luôn là top secret (bí mật tuyệt đối) giữa các siêu cường lúc đó và có lẽ anh Phu cũng như những lãnh đạo cấp cao đã nhìn nhận thấy tầm quan trọng của Lò Đà Lạt. Khi đoàn vào tới Đà Lạt, địch đã bỏ chạy, Giám đốc Lò Đà Lạt Ngô Đình Long cũng đã chạy trốn, chỉ còn một số cán bộ nghiên cứu thuộc chế độ cũ, không có chức danh lớn vẫn ở lại.

Anh Liêu đã thực hiện rất tốt vai trò tiếp quản. Thực ra trong bối cảnh hỗn loạn thời chiến bấy giờ, rất có thể lò phản ứng cũng bị mất mát vì nạn "hôi của". Nhưng ta vào sớm nên lò vẫn còn nguyên vẹn, kể cả hồ sơ, tài liệu. Chỉ có một ít máy điện tử được chuyển về Sài Gòn trước khi Đà Lạt thất thủ cũng được ta tìm lại ngay.

Sau khi ổn định tổ chức lò, anh Liêu về ngay Sài Gòn, liên hệ với Cục Nguyên tử lực của chế độ cũ, tìm gặp Tiến sĩ Lê Văn Thới, Giám đốc Cục. Ông Thới là tiến sĩ hoá học tốt nghiệp ở Pháp, rất ủng hộ ta. Ông bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu, kể cả một số máy móc di dời từ Đà Lạt về. Riêng hồ sơ, tài liệu có tới hàng nghìn cuốn, bao gồm cả tài liệu về quản lý lò và tài liệu về nghiên cứu khoa học hạt nhân. Nhờ có chúng mà ta nắm bắt được ngay toàn bộ về lò, đồng thời có nguồn tài liệu quý giá cho nghiên cứu khoa học sau này".

Lúc này, một câu hỏi lớn đặt ra là những thanh nhiên liệu của Mỹ hiện đang ở đâu? Nhiên liệu hạt nhân luôn là của hiếm, là "máu" của lò hạt nhân, rất ít quốc gia có được. Qua tài liệu và phản ánh của những người ở lại, ta đã biết thông tin người Mỹ đưa các thanh nhiên liệu về nước. Song, chúng ta vẫn hi vọng… Ngay sau khi tiếp quản Sài Gòn, đã có một cuộc "sục sạo" khắp nơi, từ sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà đến khu Long Bình... để tìm dấu vết các thanh nhiêu liệu. Nhưng ta không tìm được gì vì quân đội Mỹ đã kịp dùng máy bay C-130 mang tất cả các thanh nhiên liệu về Mỹ…

Tất cả những công việc trên mới là giai đoạn tiếp quản "bước một". Viện trưởng Hoàng Đình Phu quả là một nhà tổ chức giỏi. Ông sớm nhìn ra sự cần thiết phải khôi phục hoạt động của lò, phải có một đội ngũ chuyên gia hùng hậu hơn vào tiếp quản. Tháng 7/1975, ông đề xuất thành lập Đoàn công tác A1 của Bộ Quốc phòng vào tiếp quản lò hạt nhân, giao cho ông Nguyễn Quỳ, lúc đó mới mang quân hàm Trung tá, làm Trưởng đoàn và lần lượt hàng chục cán bộ khác, hình thành một bộ máy quản lý, làm hồi sinh lò Đà Lạt.

Ông Quỳ trước đó đã tốt nghiệp tiến sĩ hoá học tại Đức, có thâm niên 2 năm, mỗi tuần 2 lần vào nghiên cứu tại một lò hạt nhân lớn 2 MW tại Đức. Ông cũng là người có nhiều mối quan hệ quen biết với giới khoa học ngoài dân sự, được ông Phu hi vọng có thể "kết nối", khôi phục hiệu quả hoạt động của lò Đà Lạt. Sau này, chính ông Quỳ là người đã gắn bó nhiều năm với sự khôi phục, phát triển lò, được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt.--PageBreak--

Những người "ở lại"

Nói đến lò hạt nhân Đà Lạt, không thể không nhắc đến những người từng làm việc tại lò trong chế độ Sài Gòn cũ vẫn ở lại làm việc sau ngày giải phóng.

Đầu tiên phải kể đến ông Tôn Thất Côn, người gốc Huế, nổi tiếng học giỏi toán và từng tốt nghiệp kỹ sư nguyên tử ở Canada, về làm việc tại lò từ những ngày đầu. Trong ký ức của GS Nguyễn Quỳ, ông Côn là người hiền lành, sâu sắc và rất trách nhiệm. Đời sống vật chất ngày ấy rất khó khăn nhưng cả hai vợ chồng ông vẫn "chịu đựng được", có nhiều đóng góp thiết thực. Ông làm việc cho tới khi nghỉ hưu mới chuyển sang Mỹ sinh sống. Tiếp đó phải kể đến ông Võ Đắc Bành, từng tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp cũng tự nguyện ở lại làm việc nhiều năm. Rồi ông Trần Đình Thám, một chuyên viên về lò và hai tiến sĩ về máy tính từng tốt nghiệp ở Mỹ cũng cộng tác rất tốt với những đồng nghiệp mới…

Một câu chuyện xúc động đến bây giờ vẫn đọng trong ký ức họ là việc năm 1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm và động viên họ giữa những ngày đầy khốn khó ấy. Ông không vào hội trường, không nghe báo cáo mà đi thẳng vào lò, leo lên kiểm tra sau đó đi ra ngoài sân, kêu anh em lại gần, đứng xung quanh mình, chuyện trò rất thân mật. Ông rất quan tâm tới anh em từng làm việc trong chế độ cũ. Ông dành nhiều thời gian chuyện trò, giải đáp những thắc mắc của họ. Chuyến thăm chỉ diễn ra chóng vánh trong vòng một giờ đồng hồ nhưng quả thực đã để lại dấu ấn sâu đậm trong những "người cũ". Sau này anh em đều nói với tôi rằng, không ngờ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lại dân chủ, gần gũi và tin tưởng chúng tôi như vậy. Nhiều người đã trút được "mối tơ lòng" còn vương vấn bấy lâu và hăm hở tiếp tục làm nhiệm vụ…" - Giáo sư Nguyễn Quỳ kể lại.

Ngày ấy, mọi cán bộ, nhân viên ở đây đều phải ăn độn bo bo nhiều hơn gạo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tự tay viết thư cho lãnh đạo tỉnh Thuận Hải, đề nghị cứ mỗi tháng một lần giúp Viện Hạt nhân mua một xe cá biển chở từ Phan Rang lên. Nhờ vậy, hàng tháng mỗi người có được 2 - 3 kg cá để ăn. Còn chế độ bồi dưỡng độc hại phóng xạ mà đến nay họ vẫn nhận hàng tháng, cũng nhờ sự chỉ đạo cương quyết của Phó Thủ tướng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Thủ tướng Tố Hữu…

500 hay…1.000?

Mười năm trời từ năm 1968 ngừng vận hành, đến năm 1978, với sự giúp đỡ của Liên Xô, chúng ta đã tiến hành khôi phục lò phản ứng, chính thức hoạt động từ đầu năm 1984. Lò mới khôi phục công suất 500 KW, gấp đôi lò cũ. Đến nay, vẫn từng có dư luận thắc mắc về sự nâng cấp này là quá… nhỏ, không ngang tầm. Có cả những người đã đổ lỗi cho lãnh đạo lò hạt nhân ngày ấy!

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Quỳ đã bật mí cho chúng tôi hay, sự thật thì khi đó, các ông Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân và Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quỳ - Viện phó đều đã bàn bạc rất kỹ việc này. Họ đã xin ý kiến Bộ Chính trị về việc chọn công suất nâng cấp (việc này lúc đó không công khai).

Bộ Chính trị trả lời: "Cho phép nâng công suất lên mức tối đa có thể nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn". Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đã rõ "định tính", nhưng công suất tối đa là bao nhiêu lại thuộc phần việc "định lượng" của các nhà khoa học. Cuối cùng, cả 3 ông nhất trí đề nghị mức 1.000 KW trên cơ sở Indonesia là nước cũng nâng cấp từ lò Triga của Mỹ lên 1.000 KW và đã hoạt động an toàn nhiều năm.

Lựa chọn thế, nhưng khi phía Liên Xô sang làm việc, công suất được "kết luận" chỉ còn 500 KW. Điều này không thoả mãn tâm tư của giáo sư Nguyễn Quỳ. Với góc độ một nhà khoa học, một người nằm trong cấp uỷ, ông đã mạnh dạn gặp trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô để hỏi cặn kẽ việc này. Câu hỏi ông đưa ra rất thẳng thắn: "Tại sao Indonesia làm được 1.000 mà Liên Xô lại chỉ dám làm…500?". Ông ta cười lý giải: "1.000 hay 2.000 thì Liên Xô đều làm được thưa tiến sĩ. Liên Xô thì… không gì là không làm được. Nhưng Chính phủ Liên Xô giao cho chúng tôi giúp Việt Nam sao cho thật tốt, thật an toàn. Mà Việt Nam khí hậu, thời tiết, nhiều cái khác thế giới lắm. Việt Nam mà xảy ra mất an toàn thì Liên Xô còn mất uy tín với thế giới. Đây không chỉ là vấn đề  kỹ thuật mà còn là vấn đề chính trị. Ta chọn 500, để làm cho thật tốt là cũng… tốt lắm rồi!".

Thực tế, mấy chục năm qua, Lò Đà Lạt đã hoạt động liên tục, trung bình 1.300 giờ/năm, được Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá là "lò phản ứng được khai thác có hiệu quả nhất trong các nước đang phát triển"

Nguyễn Văn Minh
.
.