Leonardo da Vinci và Michelangelo: Một cuộc đối đầu
Ở đó, bạn sẽ được ngắm một bản sao bức tượng David của Michelangelo ngay trước cổng vào, được tham quan văn phòng cũ của Machiavelli, tác giả của tập sách “Quân vương” và rất nhiều những di vật kỳ thú khác.
Nhưng có một điều mà bạn sẽ không thể nhìn ngắm mà chỉ có thể tưởng tượng, bởi tất cả những tàn tích một thời của nó đã biến mất vĩnh viễn và không thể khôi phục được nữa: cuộc cạnh tranh giữa hai thiên tài nghệ thuật Leonardo da Vinci và Michelangelo Buonarroti, hai cá nhân xuất chúng tạo nên thời đại hoàng kim không thể lặp lại trong lịch sử của cái đẹp.
Leonardo da Vinci hơn Michelangelo 23 tuổi. Họ, dù cùng là những đại danh họa, nhưng lại có lối sống quá khác nhau. Leonardo da Vinci cư xử như một quý tộc, phong cách nhàn nhã, duyên dáng, cởi mở, đa tài và có chút điệu đà. Michelangelo, ngược lại, khép kín, cô lập, thô lỗ, cá tính khác người và có phần độc hại, diện mạo thì xuề xòa, thái độ thì "lồi lõm" và gần như không cố gắng hòa nhập xã hội.
Bức tranh mà danh họa Rubens chép lại từ bức “Trận chiến Anghiari” của Leonardo da Vinci trước khi bức bích họa này biến mất mãi mãi. |
Leonardo lịch lãm ở trong ngôi nhà lịch lãm còn Michelangelo thì cư ngụ nơi một xưởng điêu khắc dơ dáy bẩn thỉu giữa khu phố lao động. Leonardo khinh thường công việc của Michelangelo và coi điêu khắc chỉ là "một bài tập rất máy móc, khiến mồ hôi đổ ra trộn với bụi biến thành bùn".
Cuộc cạnh tranh giữa hai người bảo là không có cũng được, tùy góc độ nhìn nhận. Bởi Leonardo da Vinci không hơn thua với đàn em, ông tỏ ra phớt lờ nhưng điều đó càng chọc cho Michelangelo, người luôn ngấm ngầm ganh đua với tiền bối, thêm tức tối. Vào khoảng những năm 1503, Leonardo khi đó đã vẽ “Bữa ăn tối cuối cùng” cùng nhiều bức họa tuyệt vời khác để xác lập mình như họa sĩ lớn nhất của thời đại.
Trong khi đó, Michelangelo ghi dấu ấn vàng son trong lĩnh vực điêu khắc với tượng “David” và “Đức Mẹ sầu bi”. Nhưng, một núi thì không thể có hai hổ, ít nhất là theo suy nghĩ của Michelangelo, và cơ hội so cao thấp đến khi tòa thị chính của Florence được xây cất xong xuôi và người ta muốn mời những họa sĩ giỏi nhất cùng trang hoàng cho Salone dei Cinquecento, khu đại sảnh của công trình.
Leonardo được đặt vẽ bức bích họa với đề tài “Trận chiến Anghiari” mô tả một chiến thắng của quân đội Florence trước quân đội thành Milan. Ở bức tường đối diện đó, người ta muốn một bức bích họa lấy cảm hứng từ cuộc chiến giữa Florence và Pisa, “Trận chiến Cascina”. Và họ biết nên gọi ai cho dự án này, chính là Michelangelo, dù ông không có nhiều kinh nghiệm với vẽ tranh mà chuyên về điêu khắc nhiều hơn.
Bản thân Michelangelo cũng tự nhận không phải một họa sĩ. Nhưng nguyên do người ta mời Michelangelo chỉ đơn thuần là, chính quyền cho rằng nếu có cạnh tranh thì cả hai sẽ dốc sức nhiều hơn cho tác phẩm, và cuối cùng chính dân cư Florence sẽ được hưởng lợi từ tài năng của các vị họa sư. Nghe hợp lý nhưng Michelangelo không nghĩ thế. Ông hoang tưởng đến nỗi cho rằng người ta cố tình hãm hại ông, cho ông thi đấu với Leonardo ở lĩnh vực sở trường của bậc tiền bối để làm ông bẽ bàng xấu mặt. Nhưng ông sẽ không để họ đắc ý, ông nhận lời "thách đấu" ấy.
Trước đó, Michelangelo đã không ít lần tấn công Leonardo trên nhiều phương diện . Có giai thoại kể là một lần, Leonardo đang đi dạo thì bắt gặp một nhóm quý ông đang thảo luận về thơ của Dante. Những người này mong Leonardo cùng gia nhập với họ. Đúng lúc ấy, Michelangelo cũng đi qua và được gọi tới. Leonardo liền nói: "Michelangelo sẽ giải thích nó [đoạn thơ] cho các vị".
Nghĩ Leonardo giễu cợt minh, Michelangelo như tổ kiến lửa bị chọc ngoáy liền đáp trả: "Ông tự đi mà giải thích, ông, kẻ đã tạo ra thiết kế một con ngựa để đúc bằng đồng nhưng đã không đúc nổi nó và từ bỏ dự án trong nhục nhã".
Bản phác họa chì cho bức “Trận chiến Cascina” của Michelangelo. |
Lời sỉ vả của Michelangelo hướng đến một dự án đúc tượng đồng mà Leonardo da Vinci từng được thuê thực hiện, với kế hoạch ban đầu là tạo ra bức tượng ngựa lớn nhất thế giới, nhưng sau rốt ông chỉ làm một mô hình bằng tượng sáp với kích cỡ thực, còn bức tượng thật thì không bao giờ hoàn thiện. Câu nói của nghệ sĩ trẻ khiến danh họa ngượng ngùng bối rối.
Đó là trên phương diện lời nói, còn ngay trong khía cạnh chuyên môn, Michelangelo cũng từng vẽ bức tranh “Doni Tondo” đi ngược lại với những nguyên tắc thẩm mỹ của Leonardo da Vinci. Nhân vật trong tranh của Leonardo có nội tâm bí ẩn và e dè chứ gì? Được, đã vậy nhân vật của Michelangelo sẽ hướng ngoại và có những cử động đầy mạnh mẽ.
Leonardo da Vinci yêu thích vận dụng kỹ thuật sfumato tạo nên lớp màn sương phủ lên tranh chứ gì? Đã thế Michelangelo sẽ tạo nên những đường viền sắc nét như thể các nhân vật hiện lên trong ánh nắng chói chang. Nhiều người cho rằng, cách vẽ của Michelangelo là muốn gây gổ với Leonardo. Nhưng cám cảnh thay, người đặt tranh ban đầu lại không ưng tranh lắm và ban đầu còn chẳng chịu trả tiền đủ tiền khiến Michelangelo nổi trận lôi đình.
Nhưng lần đua tài này thì khác. Đó là một cuộc đối đầu trực diện. Họ sẽ có hai bức bích họa ngay sát gần nhau. Và khi đặt chúng song song, công chúng sẽ nhận ra ngay ai hơn ai. Động lực ấy đã giúp cả hai trong thời kỳ đầu lao vào dự án. Từ những bản phác thảo nháp vẫn còn lưu trữ được tới ngày nay cùng lời thuật lại của một vài người đương thời, bức tranh của Leonardo gợi ra "vẻ điên cuồng kinh hoàng của chiến tranh" và "sự cuồng nộ, dữ dội, hận thù có thể nhận thấy cả ở người và ngựa", còn bích họa của Michelangelo lại tập trung vào cảnh một nhóm lính Florence bị bắt khi đang đi tắm dưới sông, tận dụng tài năng đã được kiểm chứng của ông trong việc mô tả cơ thể trần truồng của nam giới.
Đáng tiếc thay, nếu có điều gì đó giống nhau ở hai nhân vật lẫy lừng khác nhau như trăng với sao này thì đó chính là tính khí thất thường và cả thèm chóng chán của họ. Leonardo da Vinci nhanh chóng rời bỏ dự án bích họa với lý do… "thời tiết xấu đi và trời đổ mưa cho đến tối, và trời tối như đêm". Sau khi ông rời đi, tác phẩm của ông, tận dụng một kỹ thuật thể nghiệm mang tên encausto, cũng nhanh chóng bị hư màu và sau này được một người khác vẽ đè lên.
Bên kia chiến tuyến, Michelangelo còn bỏ của chạy lấy người nhanh hơn, bởi một lời mời của Giáo hoàng Julius II tới Rome để làm huyệt mộ cho ngài, một cái cớ tuyệt hảo để ông đường đường chính chính tạm biệt dự án này. Và như thế, hậu thế chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng màn tranh tài kịch tính, long tranh hổ đấu giữa họ, dẫu cho bức bích họa của Leonardo vẫn kịp để được các học trò tinh thần sao chép lại trước khi biến mất, còn bức tranh mẫu dở dang của Michelangelo được xiển dương như "ánh sáng cho tất cả những hậu bối cầm bút chì trên tay".
Tuy nhiên, Michelangelo, theo cách nào đó, có lẽ đã đạt được mục đích của mình: chiến thắng Leonardo da Vinci, dù là gián tiếp. Bởi vài năm sau, Giáo hoàng mời Michelangelo tham gia một dự án đặc biệt, một dự án với tầm quan trọng tột đỉnh ra đời để trở thành kiệt tác trường tồn và đương nhiên, là dự án chỉ dành cho vị nghệ sĩ tối cao thực hiện. Đó là trang trí trần nhà nguyện Sistine tại Vatican, bất chấp việc Michelangelo vẫn không coi mình là một họa sĩ và đầu tiên, hết sức miễn cưỡng khi phải nhận lời. Trong khi Michelangelo thăng hoa, Leonardo da Vinci trong giai đoạn ấy không còn được đức Giáo hoàng trọng dụng. Giáo hoàng định giao cho Leonardo một bức tranh nhưng rồi lại hủy bỏ. Ông tiếp tục mổ xẻ tử thi để làm các nghiên cứu về cơ thể người những mong các tài liệu thú vị này sẽ giúp ông được Giáo hoàng sủng ái trở lại, song bất thành.
Vậy là đến năm 1517, nhận được lời mời từ Hoàng đế Pháp Francis I làm một số tác phẩm, chẳng còn gì níu kéo lại, Leonardo da Vinci qua đó, trở thành bạn thân thiết của nhà vua, và sống quãng đời còn lại ở nơi đất khách. Khi lên đường, ông đã mang theo bức tranh mà ông yêu thích nhất, bức tranh mà ông sẽ còn liên tục chỉnh sửa đến khi trút hơi thở cuối cùng, bức tranh mà ông đã khởi thảo vào năm 1503, năm ông nhận được lời mời thực hiện bức bích họa tại Palazzo Vecchio và đáng ra đã có một "cuộc đấu" để đời với Michelangelo, nhưng cuối cùng thì "siêu phẩm" đã không bao giờ thành hiện thực. Bức tranh ấy, vốn dĩ là của nước Ý, nhưng lại thành tài sản vô giá của nước Pháp, bức tranh có biết bao kẻ đã từng đánh cắp, và trong số những nghi phạm, thậm chí có cả Pablo Picasso.
Giờ đây, bức tranh lại yên vị trên đất Pháp, mỗi năm đều đón hàng triệu lượt người tới chỉ để được chen nhau chiêm ngưỡng thấy nó một lần trong đời, bất kể họ có hiểu gì về nghệ thuật hay không. Bản thân bức tranh ấy đã có nghĩa là "nghệ thuật". Bức tranh mà Leonardo đã mang theo với niềm kiêu hãnh của "kẻ chiến bại" vĩ đại ấy là nàng Mona Lisa.