Lãng du với chuyện “sống gửi thác nhờ” bên xứ lạ

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:24
Tôi có may mắn được đi dọc đủ cả 6 nước từ nơi con sông Mê Kông hùng vĩ và thơ mộng bậc nhất địa cầu sinh ra giữa những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu; đi mãi đến khi sông lớn vĩnh viễn hòa vào Thái Bình Dương mênh mang ở Chín cửa sông hình Rồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nước Việt Nam ta.

Tôi có diễm phúc được đi hết các vùng đất huyền thoại quây quanh nóc nhà thế giới Hymalaya: Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal. Và các cộng đồng đó đã ám ảnh tôi bởi một chủ đề tưởng như nhỏ bé nhất mà cũng quan trọng nhất, tưởng như nó là góc khuất ai cũng kiêng kị e dè chẳng nói ra nhưng ngẫm kỹ thì chúng ta đều vẫn hằng đau đáu tư duy về nó. Rằng bạn sẽ chết ra sao, táng thức nào đang chờ đợi bạn khi đã kiêu hãnh làm hết việc ở trần gian?

Còn nhớ, chỉ mới gần 10 tiếng đồng hồ lưu lại trên đất Tây Tạng, tôi đã bị rơi vào trạng thái mà chắc chắn không ai muốn nó lặp lại thêm một lần nữa trong suốt cuộc đời mình.  Hội chứng độ cao khiến tôi như cận kề cái chết. Không ăn, không uống, không nói, không đi lại, không đại tiểu tiện, chỉ chìm đắm vào các giấc ngủ mộng mị lạ kỳ, đầu đau như búa bổ, mọi chức năng trong cơ thể đảo lộn, môi khô nứt nẻ như… ruộng hạn. Đó là lúc tôi và Xia (tên tiếng Anh là Monday), gã trai Tạng vừa cổ lỗ lại vừa thức thời ấy cùng nói về cái chết.

Xia nói tiếng Anh rất giỏi, do quá trình học đại học ở Thành Đô. Xia dẫn tôi đi khắp nhiều ngọn núi, ở đó có nghi lễ băm xác người tung cho kền kền ăn, rồi chim lớn kễnh cái bụng no bay lên trời, gọi là “điểu táng” hoặc “thiên táng” (chôn lên trên… trời).

“Phải người giàu có, mới được điểu táng đấy nhé. Người nghèo hơn thì “thủy táng” dưới sông kia thôi. Băm nhỏ xác người ra, rải xuống sông này, đầu nguồn của Mê Kông chảy về Việt Nam đấy. Cho cá ăn. Rồi họ làm cờ phướn, vẽ những cái thang bằng “sơn” màu trắng theo vách đá triền sông, vẽ mãi qua quốc lộ ngược lên các đỉnh núi. Đó là những cái thang đưa linh hồn người quá cố, để “họ” nương theo đó mà trèo lên trời. Chung quy “thủy” hay “điểu” thì cũng là… “thiên táng” cả”.

Bến sông Hằng, nơi diễn ra việc hỏa táng ném tro và những phần còn lại xuống nước.

Trên con đường 300km từ thủ phủ Lhasa đi Shigate, một thành phố cổ kính đô hội thứ nhì toàn cõi Tạng, Xia cho xe dừng ở một đỉnh núi chon von. Phía sau là một quả đồi “thiên táng”.  Mỗi khi có người chết, cần điểu táng, người ta phải mời một vị pháp sư giỏi đến, cầu cho linh hồn người chết siêu thoát. Tắm rửa thi thể sạch sẽ. “Ông thầy” sẽ xả cái xác ra, như một thứ nghi lễ linh thiêng và thành kính nhất. Băm nhỏ, băm làm sao cả xương người cũng nhỏ nhuyễn để chim kền kền có thể ăn hết. Nếu chim chưa về, họ rảy nước thơm, đốt một thứ hương liệu đặc biệt lên, khói của nó bay vút lên cao, để sực nức dụ bầy kền kền hung dữ, lông cổ “gã” nào cũng trụi thùi lùi, móng vuốt sắc lẻm đến. Người Tạng trân trọng những con kền kền đưa người về Thánh mẫu vũ trụ đó, coi kền kền là “điểu thần” không ai dám bắn giết xua đuổi.

Trong tác phẩm “Thiên táng” nổi tiếng của nữ nhà văn Trung Quốc- nư (sống tại Anh) viết về Tây Tạng có trường đoạn anh lính trẻ người Trung Quốc bắn nhầm con chim ăn xác người khiến bà con bản xứ nổi giận, để rồi anh ta phải tình nguyện trở thành một thi thể được “điểu táng” nhằm chuộc lỗi lầm.

Một vị đạo sỹ bên sông Hằng.

Đàn chim dữ khổng lồ cứ nhầy nhụa, lúc nhúc, dữ dằn tranh nhau mang tất cả đi. Sạch bách. Một con người đã sinh ra, ở lại trần gian, sống gửi thác nhờ. Họ trở về với chư vị thần linh ở “chốn cao xa”. Trời đất đã sinh ra họ, giờ bầu trời lại mang họ ra đi vĩnh viễn. Cát bụi trở về với cát bụi, nhưng linh hồn người thì luôn bất tử.

“Chỉ khi nào không gọi được kền kền đến thì thân xác của người quá cố mới được thủy táng” - anh Cường - người bạn tôi sống ở TP Hồ Chí Minh, đã 15 lần hành hương về Tây Tạng - kể. “Người nghèo hơn thì thường thủy táng”, Xia chỉ vào các hẻm sông xanh biếc in bóng mây trời, bổ sung.

Sa mạc mênh mông, con sông như giọt nước lẻ loi trong biển cát xám, thảng hoặc những cơn bão cát lại cuộn lên đen kịt chân trời. Nơi ấy, xác người được chặt rồi bón cho cá tự nhiên ăn. Nơi mạch nước rỉ luồn trong cát vụn, trong khe tuyết phủ lan man mỏng dính kia, nơi ấy cũng là khởi nguồn của dòng sông vào loại hùng vĩ nhất quả đất: Mê Kông. Sông này rồi chảy về tới Việt Nam, biến thành sông Tiền, sông Hậu ngọt đậm phù sa.

Không biết linh hồn của những người thủy táng giữa chót vót đỉnh trời dưới chân tuyết sơn vĩnh cửu Hymalaya kia rồi có “bay” theo dòng nước về với cả 6 quốc gia lưu vực Mê Kông không? Xia bảo, không đâu anh ơi. Mỗi vở nước có hàng nghìn cái cờ phướn, có những viên đá nhỏ, to được xếp chồng lên nhau, có các bộ lông thú, đầu thú, sừng thú được “trưng bày” bí ẩn - đó là những cách để người Tạng cưu mang, thành kính với các linh hồn ngoài sông, ngoài núi.

Những bộ đầu và xương thú vật được dựng bên bờ hồ, như một nghi thức tử tế với những người đã khuất ở Tây Tạng.

Số phận lại ban cho tôi một ngày giá rét căm căm, dừng chân ở thành phố cổ Varanasi (miền Bắc Ấn Độ) tôi ngược sông Hằng linh thiêng, dòng sông đã khai sinh ra nền văn minh thứ thiệt cổ xưa bậc nhất của loài người. Sông Hằng là kỳ quan của quả đất, nó được đặt theo tên của nữ thần đạo Hindu là Ganga (tiếng Phạn). Nó dài tới 2.500km, bắt nguồn từ nóc nhà thế giới Hymalaya, phần lớn chảy ở lục địa Ấn Độ, trước khi đổ ra vịnh biển Bengan với cửa sông rộng tới 30km.

Bình minh còn chưa ló, rét căm căm. Chim hải âu sà vào tay người, mặt trời đỏ ối bên kia sông, bầu trời lúc đen kịt, lúc trắng lốp hàng vạn dáng chim thiêng. Người Ấn theo đạo, không sát sinh, xác súc vật chết cứ ném ra đường khắc có hàng đàn quạ sà đến, chúng bay đen nhánh bầu trời, đậu kín mặt đất và các tán cây. Quạ đến để ăn xác chết,… thu dọn chiến trường. Người ta xếp hàng hàng vạn người, không hổ danh là lưu vực sông có mật độ dân cư cao nhất thế giới! Họ cạo tóc, cạo râu, tắm rửa bì bõm, váy áo xênh xang gợi cảm nhất. Có người vô tư kỳ cọ với trạng thái nude hoặc quần nhỏ che chỗ kín. Có nhiều vị sư mặc áo cà sa, cầm gậy tích trượng đi quẩn quanh, từ trang phục đến sắc diện đều hết sức kỳ bí.

Và. Giữa đông đúc ấy, cũng là lúc các lò thiêu xác người nghi ngút bốc khói. Những ngôi nhà cổ, sừng sững như lâu đài. Ở đó, họ thiết kế khu xếp củi chất ngất, khu ống khói đen kịt và ngọn lửa hồng phần phật. Vài thi thể người được cuốn trong chăn đệm màu đỏ, buộc vào các cáng khiêng bằng tre, hai người cầm hai đầu cáng khênh ra bến sông chờ… đến lượt.

Có cậu bé bần thần để thi thể người thân nằm dọc các bậc thang xuống sông, xung quanh là cả bãi chiến trường nhếch nhác toàn hoa, rác, củi đốt dở, than tro ướt nhách. “Nhà hóa thân” xây gạch với vài cấu kiện bê tông, tất cả lấm lem tro bụi. Họ xây “giàn hỏa thiêu” hình ống, chổng thẳng lên giời như một tàu vũ trụ Con thoi. Xung quanh các biệt thự vẫn vàng óng, đỏ ối trong bình minh. Các tòa nhà sang trọng, lắp điều hòa, sơn bóng bẩy vẫn kế bên, dường như họ vẫn kinh doanh khách sạn ở đó. Có những phần thi thể chưa cháy hết…

Jamjee Sigh, anh bạn người Ấn Độ của tôi giải thích: ví dụ như người bị chết khi mang thai, người chết vì ngộ độc thực phẩm hay rắn cắn, những cái chết oan khuất, nhiều uẩn khúc hoặc từng qua giám định pháp y... thì bà con sẽ không đem đốt. Họ thả thẳng xuống sông. Nhiều du khách, nhiều trang mạng lan truyền những bức ảnh rùng rợn bậc nhất về chuyện này. Đó là sự thật.

Hướng dẫn viên đi dọc sông Hằng của tôi cũng dùng tiếng Anh bồi chỉ cho du khách những “dead body” (thi thể người chết, hoặc từng phần) trên sông. Có con chó kéo lê một phần thịt lớn gần khu đốt xác khét lẹt…

Như đã nói, có người coi đó là cái gì hãi hùng quá thể. Nhưng nhiều người lại thấy bình thường, đó là một táng thức cổ xưa, người ta thấy an lạc với sự về với Sông Thiêng đó, người chết chắc là đã ngậm cười, còn “người ở lại sau” thì thanh thản làm tròn trách nhiệm cả đời đối với “người… đi trước”.

Có lần tôi cũng tranh luận với bạn phương xa về cái tục người Việt ta chôn người thân, sau vài năm bốc lên, mở nắp quan tài, rửa xương, táng lại vào một cái tiểu sành. Điều đó, trong con mắt người nước ngoài, sẽ hiện lên với xúc cảm có giống như tôi đã “ám ảnh” với đồng loại của mình ở Tây Tạng và Ấn Độ không? Có lẽ, câu trả lời: Âu đó cũng là phong tục truyền thống cả, mà các giá trị cổ truyền của mỗi cộng đồng thì đều cần được thượng tôn. Miễn dùng tâm thế của người đứng bên ngoài để “phán xử”.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.