Khinh khí cầu, vũ khí đặc biệt của người Pháp khi xâm lược nước ta

Thứ Năm, 01/04/2021, 20:12
Những chiếc khinh khí cầu được quân đội Pháp sử dụng lần đầu tiên ở chiến trường nước ta trong trận đánh thành Bắc Ninh do liên quân An Nam và quân Cờ Đen của người Thanh đang trấn giữ tháng 2 và 3/1884.

Khi đó, bên cạnh đoàn quân cấp sư đoàn gồm 16.300 người, 55 khẩu đại bác và 6 tàu chiến, quân viễn chinh Pháp có thêm một công cụ mới để điều tra quan sát trận địa, đó là những chiếc khí cầu.

Trong trận đánh ngày 12/3/1884, khi cánh quân Lữ đoàn I của thiếu tướng Brière de l'Isle đánh vào quân Thanh tại làng Trung Sơn, từ trên khinh khí cầu, viên sĩ quan Cuvenlie đã liên tục thông báo tình hình chiến sự cho Lữ đoàn I. Nhờ đó, tướng Brière de l'Isle đã cho nã pháo về phía núi Con Rùa, Lãm Sơn Nam và đưa toàn bộ 8.500 quân về hướng ấy. Quân Thanh kháng cự yếu ớt, tháo chạy khỏi các vị trí phòng thủ của mình trước khi quân Pháp đánh tới nơi. Tướng Mãn Thanh Hoàng Quế Lan cùng với quân đội rút bỏ phòng tuyến. Tới trưa ngày 12/3, quân Pháp chiếm được các điểm cao, tập trung pháo binh bắn vào Quả Cảm và xung quanh thành Bắc Ninh.

Sử nhà Nguyễn cũng ghi lại rằng, sau khi quân Pháp chiếm được 7 đồn quanh thành Bắc Ninh, Lưu Vĩnh Phúc từ Hưng Hóa kéo quân về, đánh nhau với quân Pháp hai ngày liền, với thế trận giằng co. Lúc này, quân Pháp thả khí cầu làm tín hiệu lui quân vào ban trưa. Đến chiều 12/3, quân Pháp lại tấn công. Vào chập tối 12/3, thì quân Thanh vỡ, rút cả lên Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa. Quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc và quân Thanh của Hoàng Quế Lan ở Bắc Ninh lần này không chi viện cho nhau, do đó, quân Pháp sấn được vào thành.

Theo mô tả của bác sĩ quân y Charles- Édouard Hocquard, người đi theo đoàn quân viễn chinh trong chiến dịch này, thì khi hành quân từ Hà Nội qua sông Đuống lên sông Cầu, nhóm quân y của ông ta, với lá cờ chữ thập đỏ dẫn đầu, đi ngay sau đại đội khinh khí cầu.

Mô tả trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, xuất bản sau khi về Pháp năm 1892 (được NXB Đà Nẵng dịch và phát hành năm 2020, bản dịch của Thanh Thư), viên bác sĩ cho biết: Hai quả khinh khí cầu lớn của đại đội trinh sát bay lơ lửng trên đầu nhóm quân y, cách chừng một trăm mét, được nối với những sợi dây dài mà pháo binh thay nhau hàng giờ kéo đi. Khi đi qua những làng mạc và đồng ruộng, người dân Việt Nam rất kinh ngạc khi nhìn những quả khinh khí cẩu lơ lửng trên bầu trời, họ chỉ trỏ cho nhau và thì thầm “Tot, tot, ke-den!” (Tốt, tốt, cái đèn!).

Việc hành quân của sư đoàn viễn chinh Pháp khá vất vả, khi họ không thể tiến theo đường cái quan thẳng từ Hà Nội lên Bắc Ninh, do con đường đang bị các toán quân Thanh chiếm giữ. Theo bản đồ của viên đại úy Carteron được bác sĩ Hocquard lưu giữ, thì cánh quân này xuôi sông Đuống xuống Chợ Chì, rồi Lữ đoàn 1 mới quặt lên hướng Bắc để đánh thành Bắc Ninh. Trong khi đó, lữ đoàn số 2 tiến quân từ Phả Lại, lên đánh Yên Định rồi ngược theo hữu ngạn sông Cầu lên đánh đồn Đáp Cầu, sau đó vòng xuống hội quân với Lữ đoàn 1 ở thành Bắc Ninh.

Do các cánh quân này đi cùng đại bác, nên họ rất khó khăn khi di chuyển những khẩu pháo trên mặt đê đầy đất sét. Đây cũng là khó khăn của những binh lính có nhiệm vụ níu giữ các quả khinh khí cầu đang bay lơ lửng phía trên đầu đoàn quân.

Trải nghiệm bất ngờ của các sứ thần

Trước khi đánh thành Bắc Ninh, quân Pháp đã có một cuộc giao thương đầu tiên với sứ đoàn của triều đình Huế cử ra, do sứ thần Đoàn Văn Bình (còn có tên là Đoàn Văn Hội) làm trưởng đoàn, ở Hà Nội. Theo mô tả của bác sĩ Hocquard: “Vị sứ thần đầu tiên là một ông già rất gầy, làn da nhợt nhạt và gần như trắng bệch, trông thực sự có khí khái. Nét mặt ông thanh tú, con mắt sáng quắc quét từ phải qua trái không bỏ sót một thứ gì xung quanh”.

Cuộc đón tiếp diễn ra sáng ngày 5/3/1884, tại khu nhượng địa của Pháp phía Đông thành Hà Nội, giáp sông Hồng (khu vực Bệnh viện Quân đội 108 hiện nay). Trong cuộc viếng thăm đầu tiên này, sau khi được tướng Millot đón tiếp, uống nước giải khát, các sứ thần đã được chiêu đãi một màn tiêu khiển bất ngờ. Họ đã được phía Pháp cho tham quan loại “chim khổng lồ” có thể chở người, đang gây nỗi kinh hoàng đối với quân An Nam và quân Thanh.

Lúc này, ở Hà Nội, đội quân viễn chinh có một đại đội phi công khinh khí cầu đến từ Pháp với hai khinh khí cầu khổng lồ. Trong một vùng đất bằng phẳng như đồng bằng Bắc bộ, những khinh khí cầu này là một sự hỗ trợ đắc lực đối với các cuộc hành quân của quân đội viễn chinh nhằm quan sát và khai phá các vùng đất lân cận trong bán kính nhiều cây số.

Thống tướng Millot rất hy vọng vào đại đội này; trước khi lên đường đến Bắc Ninh, ông ta muốn chắc chắn rằng các khí cầu không bị quá hư hại trong quá trình vượt biển. Đúng ngày sứ thần An Nam tới thì trong một góc khu nhượng địa người ta đang thử bơm các khí cầu.

Để mở mang cho sứ thần của vua An Nam về kỹ thuật đỉnh cao của châu Âu, tướng Millot muốn cho họ thấy các khí cầu này. Một sĩ quan tham mưu dẫn các quan viên tới chỗ người ta bơm khí cầu. Các sứ thần nước Nam tỏ ra lúng túng, sợ rằng viên tướng Pháp đưa họ ra chỗ hoang vắng để chặt đầu.

Bác sĩ Hocquard mô tả: Sự sợ hãi càng lộ rõ hơn nữa khi họ trông thấy những cỗ máy khổng lồ đã được bơm lên một nửa và lơ lửng trên trời với những sợi dây níu lại. Viên thông ngôn đã giải thích với họ cỗ máy là gì, nhờ đó họ đã không tỏ ra khiếp sợ nữa.

Nhưng khi người Pháp đưa họ lên giỏ hành khách và ra lệnh cho họ “thả lỏng”, thì tình hình tệ hơn nữa. Khí cầu chỉ được níu giữ bằng một sợi dây do một đội phi công kéo rất nhẹ, đã từ từ bay lên, mang theo các sứ thần hoàn toàn ngơ ngác. Những viên quan tội nghiệp đó tưởng như sắp chết vì một khổ hình lạ lùng và khủng khiếp; và khi trải nghiệm kết thúc, chiếc giỏ hành khách đáp xuống đất, tất cả đều vội vã nhảy xuống với một dáng điệu hấp tấp rất buồn cười, khiến cho tất cả những ai đứng xem, kể cả người Nam, cũng phá lên cười dù biết như vậy có nguy cơ bị ăn đòn roi.

Đất Bắc Ninh nhìn từ trên cao

Trong chuyến hành quân lên Bắc Ninh mà ông ghi chép lại chi tiết ở sách của mình, trong một lần dừng chân, bác sĩ Hocquard được phép leo lên khinh khí cầu lơ lửng trên trời. Ở độ cao một trăm mét so với mặt đất, viên bác sĩ chứng kiến một cảnh tượng tuyệt diệu của quang cảnh miền Kinh Bắc nước ta 137 năm trước. Ông viết: “Dưới chân tôi, binh lính nối nhau trên đường đê quanh co một quãng dài đến bốn, năm cây số. Bên phải và bên trái, những đồng lúa trải dài vô tận, nhấp nhô dưới làn gió nhẹ. Những mảnh ruộng viền bờ đê nhỏ trông như một bức tranh ghép khổng lồ từ những mảng màu xanh lục được gắn kết với nhau bằng một thứ xi-măng màu nhạt. Trên nền xanh lục bảo đó, xuất hiện đó đây những bụi cây lớn màu sẫm, là những khóm chuối, khóm tre hoặc gốc đa”.

Ở giữa những bụi cây đó là những khóm cau mảnh khảnh nổi lên những chùm lông vũ, thấp thoáng giữa những cành lá là những mái nhà tranh của một làng quê An Nam hoặc những mái nóc điêu khắc của một ngôi chùa đẹp. Phía xa xa, con sông Đuống hiện lên như một dải ruy băng màu bạc khổng lồ. Xa hơn nữa, ở tận chân trời, những dãy núi lớn xanh nhạt bao quanh Bắc Ninh (dãy Trung Sơn và Bát Vân Sơn) ẩn hiện dưới làn sương mù.

Trong bộ ảnh của Hocquard chụp trong chuyến hành trình tại Việt Nam, đã từng triển lãm ở Paris và được in kèm trong sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ”, có một số bức ảnh chụp từ góc máy trên cao. Không rõ Hocquard có đem máy ảnh lên khinh khí cầu để chụp không, điều này viên bác sĩ này không viết trong hồi ký của mình.

Bộ ảnh của Hocquard lưu trữ rất nhiều hình ảnh về cuộc chiến ở Bắc kỳ năm đó, như hình ảnh về quân đội Pháp và quân Thanh, quân Cờ Đen. Một bức ảnh ấn tượng chụp cổng thành Bắc Ninh với cổng chính được xây bịt lại bằng cả một núi gạch để phòng thủ. Trên cột cờ hình lục giác, đã cắm lá cờ tam tài của Pháp sau khi họ chiếm được thành. Bộ ảnh cũng lưu lại hình ảnh khu phố chính của thành phố Bắc Ninh, với một dãy phố chỉ dài khoảng 1,5km, đường lát gạch, hai bên phố là những dãy nhà mái ngói hoặc mái rạ một tầng san sát.

Ông cũng chụp ảnh nhiều đồn lũy của quân Thanh sau khi quân Pháp chiếm được, với tường lũy đất dày cả mét và những lỗ châu mai đặt san sát nhau. Một bức ảnh khác ghi lại cảnh đơn vị công binh Pháp đang ghép thuyền để đoàn quân qua sông Đuống. Chỉ tiếc rằng, bộ ảnh của ông không ghi lại hình ảnh nào về những chiếc khinh khí cầu, vũ khí bí mật của quân Pháp.
Lê Tiên Long
.
.