Khi "ông trùm" công nghệ Trung Quốc ở thế tựa vào sông

Thứ Bảy, 29/06/2019, 11:02
Khi một loạt các công ty công nghệ Mỹ như Google, Intel, Qualcomm đồng loạt tuyên bố ngừng cung cấp công nghệ cho Huawei (Hoa Vi) theo một sắc lệnh được đưa ra từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào ngày 20-5, một thế trận ở chân tường đã bày ra trước mắt Hoa Vi.

“Công ty của chúng tôi sẽ không sụp đổ vì thiếu hụt nguồn cung cấp. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt” – Giám đốc điều hành Hoa Vi Nhậm Chính Phi nói với các nhà báo Trung Quốc trong tuần này. “Vào đầu năm nay, tôi đã dự đoán rằng điều gì đó tương tự sẽ xảy ra… Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có hai năm để chuẩn bị. Nhưng khi (Giám đốc tài chính của Hoa Vi) Mạnh Vãn Chu bị bắt, nó đã châm ngòi mọi thứ”.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Hoa Vi đã ở trong tầm ngắm của Chính phủ Hoa Kỳ nhiều năm: bắt đầu từ 2012, Mỹ đã áp một lệnh cấm không chính thức ngăn cản các nhà mạng Mỹ làm việc với điện thoại của Hoa Vi. Và động thái mới nhất này thật sự là một đòn đánh đầy quyết tâm của Hoa Kỳ.

86% điện thoại trên toàn thế giới chạy Android, còn 14% hoạt động trên nền tảng iOS. Không có kẻ thứ ba. Windows Phone, BlackBerry OS và WebOS chỉ còn là quá khứ. 

Ngay cả gã khổng lồ Samsung, kẻ đã đổ rất nhiều tiền vào hệ điều hành mã nguồn mở Tizen của riêng mình (bạn có thể thấy nó hoạt động trên các đồng hồ thông minh của Samsung), cũng chưa thể tạo ra được khác biệt nào đáng kể. Cơ hội tạo ra một hệ điều hành thứ ba có thể cạnh tranh với Android và iOS của Hoa Vi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nội địa, nơi họ bán 50-60% tổng số điện thoại đã sản xuất.

Tuy nhiên, tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc, như châu Âu, Úc, Trung Đông và Mỹ Latinh, một hệ điều hành không được Android hỗ trợ, tức là khách hàng sẽ phải nói lời tạm biệt với các dịch vụ chính như Gmail, Google Maps và Google Assistant.

Đấy là điều sẽ gây thiệt hại trước mắt: ông Nhậm Chính Phi thừa nhận Hoa Vi có thể mất cả trăm tỷ USD trong vài năm tới, nhưng về lâu dài, họ đã có sự chuẩn bị. Điện thoại Hoa Vi ở Trung Quốc hiện tại đang vận hành mà không cần các dịch vụ từ Google thông qua nền tảng Android.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Hoa Vi tuyên bố: “Hoa Kỳ đã đánh giá thấp chúng tôi”. Ảnh: Báo Tài Kinh

Công cụ tìm kiếm Google và mạng xã hội Facebook cùng Messenger bị cấm, thay vào đó là thanh tìm kiếm Bắc Đẩu (Baidu), và phần mềm liên lạc WeChat. Các dịch vụ bảo mật như Google Play Protect và phần mềm đồng bộ hóa danh bạ cũng như các dịch vụ ngoại tuyến cũng đã được tùy biến khi sử dụng trên những điện thoại thông minh tại Trung Quốc.

Hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã triển khai và vận hành độc lập ba hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, để thoát khỏi ảnh hưởng của Google Maps. Hiện tại, họ đã có gần 40 vệ tinh trên quỹ đạo. Năm sau, hệ thống này sẽ hoàn thiện, và độ chính xác của nó là trên từng… milimet.

Vào đầu tháng này, Hoa Vi đã nhận được chứng nhận từ Cục quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc cho phần mềm Hồng Mông (Hongmeng). Ông Nhậm Chính Phi tuyên bố rằng Hoa Vi có từ 80-90 nghìn kỹ sư nghiên cứu và phát triển, và rất nhiều trong số đó đang chuẩn bị sẵn sàng “Kế hoạch B”, hoặc như ông Nhậm ví von, “lốp dự phòng”. 

Một tuần sau khi Mỹ quyết định cấm Hoa Vi “bén mảng” đến Android, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập Cận Bình đã đến thăm một địa điểm khai thác và xử lý đất hiếm, thứ nguyên liệu có mặt trong từng chiếc iPhone, cũng như là hệ thống dẫn đường tên lửa của Mỹ. 

Trung Quốc gần như độc quyền với nguyên liệu này: Năm ngoái, họ khai thác 120 nghìn tấn, khoảng 71% tổng lượng đất hiếm trên trái đất, và sản lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu lớn nhất cũng là từ Trung Quốc.

Bức màn sắt (Iron Curtain) kỹ thuật số cũng đã được tạo ra từ rất lâu. Ngay từ những ngày đầu tiên “đối phó” với internet, Chính phủ Trung Quốc đã xóa những nội dung được cho là nhạy cảm, và nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái của riêng mình, với nền tảng và chiến lược vững chắc. 

Động thái cứng rắn mới nhất của Hoa Kỳ đã đẩy Hoa Vi nói riêng và Trung Quốc nói chung vào thế tựa lưng vào sông, giống như một chiến lược đã được đề cập trong cuốn sách binh thư kinh điển của đất nước này: Binh pháp Tôn Tử. Hoa Vi không còn cách nào khác là phải sống bằng hệ sinh thái hoàn toàn của riêng mình.

“Chúng tôi sẽ chặn đứng Apple”

Khi Vương Tinh Tinh, một trợ lý bán hàng ở Thượng Hải, đã bỏ chiếc iPhone 5 của cô vào năm ngoái để chuyển sang dùng một chiếc Hoa Vi P9 Plus: cả hai đều sử dụng WeChat, ứng dụng mà cô và hàng triệu người Trung Quốc đang sử dụng nhiều nhất. “Tôi hoàn toàn không nhớ nhung gì iPhone” – Cô Vương, 24 tuổi, kể lại.

Tình cảm đó làm suy yếu những nỗ lực của Apple tại thị trường lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ. Ứng dụng WeChat của Tencent, với gần một tỷ người dùng kích hoạt hàng tháng, đã chiếm 35% thời gian sử dụng hàng tháng của người dùng smartphone trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, theo dữ liệu từ QuestMobile.

Từng là thương hiệu điện thoại đứng thứ ba ở Trung Quốc, iPhone giờ đã tụt xuống thứ tư, xếp sau các đối thủ Oppo, Vivo và Hoa Vi. Người Trung Quốc vốn không quan tâm lắm đến nhãn hiệu điện thoại là gì, Apple hay Hoa Vi, Tiểu Mễ (Xiaomi), chỉ cần có WeChat.

Nhưng quyết định đóng cửa hoàn toàn với Hoa Vi của Hoa Kỳ đã tráng lại lớp men chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Một hashtag có nội dung “Chip của Hoa Vi không cần phải dựa vào chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ” đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội Weibo, thu hút 50 triệu lượt xem.

Trên đó, một người dùng viết: “Tôi đã quyết định mua một chiếc điện thoại Hoa Vi, và tôi sẽ thay đổi kế hoạch từ việc định mua một chiếc đồng hồ Apple sang một sản phẩm của Hoa Vi để ủng hộ Hoa Vi. Nó (Hoa Vi) đã bị bắt nạt tệ hại bởi Hoa Kỳ thời gian qua”.

Một người khác tuyên bố: “Dù tài khoản đầu tư chứng khoán của tôi liên tục thua lỗ, tôi vẫn sẽ sẵn sàng đổi điện thoại đang dùng sang Hoa Vi để thể hiện sự ủng hộ”. 

P30 và P30 Pro, hai chiếc điện thoại ở phân khúc cao của Hoa Vi. Ảnh: The Information.

Một tài khoản nữa viết rằng việc chặn đứng Hoa Vi là “ảo tưởng”, và khẳng định: “Chúng tôi sẽ chặn đứng Apple”. 

Tình cảnh của Hoa Vi và Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ này gần giống với một câu trong binh pháp Tôn Tử: “Đầu chi vong địa nhiên hậu tồn, hạm chi tử địa nhi hậu sinh”. Đại ý là: Đưa vào chỗ mất để mà còn, rơi vào chỗ chết để tìm sống.

Nó được minh họa bằng một câu chuyện cũng đã đi vào lịch sử kinh điển Trung hoa: Hàn Tín dùng 3 vạn quân đánh bại 20 vạn quân Triệu trong trận Bối Thủy. Với số quân ít gấp bảy lần đối thủ, Hàn Tín đưa quân tựa lưng vào bờ sông, coi như là đường cùng. Quân Hàn Tín rơi vào thế một sống một chết, đã chống trả mãnh liệt, đẩy lùi quân Triệu.

Hoa Vi và chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc

Tất nhiên, Hoa Kỳ không phải “tay mơ” như quân Triệu, nhưng sức mạnh của Hoa Vi cũng là một ẩn số đáng xem xét. Trong ba thập niên tồn tại của mình, đây được coi là chiếc “cột thu lôi” đối với các nhà quan sát Trung Quốc lẫn nước ngoài. 

Hoa Vi không chỉ là một công ty viễn thông, mà còn được xem như một tổ chức mà qua đó, Trung Quốc, các công ty và người dân của họ tham gia vào phần còn lại của Thế giới. Thị trường 1,5 tỷ dân của Trung Quốc đã sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng, khi Hoa Vi ở vào thế “tựa sông”.

Hãy thử so sánh Hoa Vi với một công ty Trung Quốc hùng mạnh khác: Lenovo. Đây được xem như một thương hiệu toàn cầu, nổi tiếng với việc phát triển thông qua mua lại các thương hiệu của Hoa Kỳ (bộ phận máy tính giá rẻ của IBM và điện thoại thông minh của Motorola).

Lenovo được niêm yết công khai, có nhiều quốc tịch khác nhau trong hai bộ phận tối quan trọng là Ban điều hành và Ban giám đốc. Lenovo tự định vị mình không chỉ đơn thuần là một công ty Trung Quốc, mà là một doanh nghiệp toàn cầu có nguồn gốc Trung Quốc. 

The Lenovo Way (Con đường Lenovo), cuốn sách nổi tiếng có tác giả là hai trong số các giám đốc điều hành cấp cao của công ty này (một người Mỹ và một người Trung Quốc), viết về cách thức quản lý và bản sắc của một nơi làm việc đa văn hóa, nhấn mạnh vào kỹ năng mềm và xây dựng lòng tin.

Hoa Vi, ngược lại, nổi tiếng với văn hóa giàu kỷ luật như trong quân đội, đề cao lòng trung thành tuyệt đối, gan lì, và cạnh tranh nội bộ khốc liệt. Nhân vật quan trọng nhất của Hoa Vi là nhà sáng lập Nhậm Chính Phi (1944), người sinh ra tại Quý Châu, một trong những nơi nghèo nhất đất nước, trước khi Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc bắt đầu. Ông Nhậm đã từng ở trong quân đội 10 năm, trước khi thành lập Hoa Vi.

Slogan nổi tiếng của công ty là “Hoa Vi không phải một doanh nghiệp toàn cầu. Đây là một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trên toàn cầu”. Các tinh hoa của công ty, tập trung hầu hết tại trụ sở ở Thâm Quyến, được cho là những người Trung Quốc đặc biệt xuất sắc được gửi ra nước ngoài học tập. 

Ngay cả khi đã có mặt tại 170 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, thì quyền lực của Hoa Vi không bị phân tán ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc: 17 người sáng lập công ty đều là người Trung Quốc, tất cả đã lăn lộn cùng Hoa Vi trong 20 năm. 10 trong số này nằm trong Ban kiểm soát của Hoa Vi.

Đây cũng là công ty đang nắm ưu thế tuyệt đối về công nghệ 5G (nhanh gấp 20 lần 4G): Hoa Vi đứng đầu thế giới về số bằng sáng chế về 5G nhất, và đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng các tiêu chuẩn 5G. 

Trong năm 2018 vừa qua, Hoa Vi đã chi tổng cộng 15 tỷ USD cho nghiên cứu, và đạt được những bước tiến đáng sợ, trước khi Tổng thống Mỹ đặt trước mặt họ một biển báo “stop” (dừng lại) khổng lồ.

Ông Nhậm Chính Phi đã nhiều lần nhắc lại từ “sẵn sàng” sau động thái mới nhất của Mỹ, tuyên bố: “Hoa Kỳ đã đánh giá thấp chúng tôi”. Và cuộc chiến đã bắt đầu, ở thế tựa vào sông.

Ban Cầm (tổng hợp)
.
.