Hiến sinh người: Nhìn từ sử Việt

Thứ Sáu, 19/03/2021, 14:09
Trong nhiều nền văn hóa, hiến sinh người, đặc biệt là hiến sinh trinh nữ là một tục thường thấy, vì quan niệm về một con vật tế tinh khiết xứng đáng với quyền lực của vị thần, và được đảm bảo cho quyền lợi và quan niệm của người cầu tế.

Hiến tế là một hiện tượng phổ biến trong các nền văn hóa cổ ở khắp nơi trên thế giới. Vật hy sinh là các con vật dùng để cúng tế, thường là ba loại bò- dê- lợn, nhưng đặc biệt nhất là sử dụng người làm vật tế. Việc sử dụng mạng người để dâng tế các vị thần được coi như là một biểu tượng thiêng liêng để thể hiện sự sùng kính, nỗi sợ hãi của con người trước thần linh và các hiện tượng siêu nhiên. Trong nhiều nền văn hóa, hiến sinh người, đặc biệt là hiến sinh trinh nữ là một tục thường thấy, vì quan niệm về một con vật tế tinh khiết xứng đáng với quyền lực của vị thần, và được đảm bảo cho quyền lợi và quan niệm của người cầu tế.

Các bức bích họa trong tháp Ai Cập có thể vẽ lại khung cảnh hiến tế tù binh của các vua Pharaon. Người Maya có tục hiến tế gái đồng trinh cho thủy thần. Nền văn hóa Aztec (Mexico) có nghi lễ lột da người để hiến cúng cho thần Xipe Totec để mong mùa màng bội thu. Nạn nhân dùng để hiến tế là các tù nhân chiến tranh, nô lệ, phụ nữ, trinh nữ, trẻ em, hoặc những người bị bệnh. Các hình thức hiến tế cũng khá phong phú. Ở Aztec, vật tế bị đặt lên bàn mổ để các thầy tu moi quả tim từ lồng ngực, quả tim được đặt trên bàn tế, thủ cấp được giữ lại, còn phần thân thể vứt xuống đất cho thối rữa, lòng ruột sẽ để cho động vật ăn thịt, phần thịt được lọc ra để làm thức ăn nghi lễ cho các chiến binh. Trong huyền thoại Hy Lạp, việc hiến sinh nàng Polyxene được thực hiện dùng để thanh tẩy sau chiến thắng thành Troy. Hình vẽ trên vò quai (thế kỷ IV TCN, Naples, Bảo tàng Quốc gia Ý) cho thấy một người dũng sĩ mặc tấm choàng, một tay túm tóc  Poxyene đang quỳ dưới mặt đất, tay kia cầm thanh kiếm để hành hình. Nhưng trên một bình gốm cổ Hy Lạp có niên đại 570-550 TCN, thì ba lực sĩ đang bê Poxyene được quấn trong lớp vải, còn một dao phủ đang cầm tóc và chọc tiết cho máu chảy xuống một chảo lửa. Sự hành hình man rợ được cho là thể hiện sự sùng kính thiêng liêng. Khi vật hy sinh là một công chúa, thì người ta cho rằng càng thể hiện rõ nghi lễ càng trang trọng và có tác dụng lớn với tinh thần và quyền lực của những người chủ tế.

Có nơi người ta vứt vật tế xuống nước để cho cá sấu ăn thịt, như Ai Cập họ dùng người sống để ném cho thần cá sấu (Sobek) ăn. Vị thần Sobek được thờ phụng trong văn hóa Ai Cập từ thế kỷ 27 TCN đến thế kỷ thứ IV được biết đến với hình dáng siêu thực mình người đầu cá sấu. Những hình cá sấu trong nghi lễ cúng tế cổ xưa cũng được phát hiện ở Trung Hoa có niên đại từ thời Thương đến Chiến Quốc. Hình tượng các vu sư tế thần với rắn và cá sấu xuất hiện trên các đồ lễ khí bằng đồng cho thấy một nền vu thuật sử dụng cá sấu rắn - những loài ăn thịt như một biểu tượng thông linh.

Hiến sinh Polyxene, trên vò hai quai (thế kỷ IV Trước Công nguyên, Bảo tàng Quốc gia Ý). Nguồn: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (1997: 396).

Trong văn hóa Đông Sơn, các nghi thức hiến sinh cũng đã được mô phỏng lại qua các hình trang trí trên trống đồng hay thạp đồng. Các hình vẽ này cho thấy người Đông Sơn dùng chính vật tổ cá sấu để hiến sinh. Thạp đồng Đào Thịnh vẽ cảnh hai con thuyền đang hành lễ, phía trước đầu thuyền treo xác hai con cá sấu. Sang đến thời Trần, sử còn chép việc Hàn Thuyên làm bài văn tế để đuổi một đàn cá sấu lớn khỏi bến sông Hồng ngay ở kinh đô Thăng Long. Bài văn này mô phỏng bài văn tế cá sấu đời Đường. Lời văn thay mặt hoàng đế - người cai trị thần dân - người quản giám bách thần, để thực hiện nghi lễ tế thần bằng cách giết chính vị thần đó. Sau khi đọc văn xong, binh lính và các thợ săn sẽ thực hiện cuộc tàn sát đàn cá sấu. Tại những nơi mà cá sấu hại người, và nơi cá sấu bị người bắt giết, người ta sẽ lập các đền thờ cúng tế theo điển lệ triều đình, các đền ấy mang tên đền Hà Bá, miếu Long Vương.

Huyền thoại ghi Cao Biền nhà Đường ở An Nam muốn yểm những nơi linh tích bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu. (“Lĩnh Nam chích quái”). Thời Lý Nhân Tông, có người họ Nguyễn tên Phục, cùng vợ xả thân tự nhảy xuống chỗ hợp lưu giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù để cứu nạn nước sông Nhị đe dọa La Thành. Nhân đó mà lập đền thờ phụng ngài (đền Chiêu Ứng ở phường Yên Thái). (“Châu Phong tạp thảo”, Phạm Đình Hổ) Đây có thể là ánh xạ của tục dùng người để trấn yểm. Tục truyền thần đền Bà Đế (Hải Phòng) là một trinh nữ bị ném xuống biển để hiến sinh, sau này vật hy sinh được thay bằng một con trâu, rồi thần được mĩ hóa là được hiến xuống nước để làm vợ Long vương.

Trong lịch sử Việt Nam, việc hiến sinh phụ nữ, dù đã qua những tẩy xóa hoặc mĩ hóa trong các trang sử bút, cũng còn lưu dấu đôi chút, nhưng đã nhuốm màu huyền thoại. Bài thơ “Hà Hoa hải môn lữ thứ” của vua Lê Thánh Tông ghi việc Trần Duệ Tông sử dụng cung nữ Chế Thắng để tế sống thần biển trong cuộc Nam chinh Chiêm Thành năm 1377. Lời tựa bài thơ mô tả, quân thuyền gặp gió to không tiến lên được, nên bí mật đặt lễ cầu đảo, đặt người cung nữ lên mâm vàng thả trôi trên mặt nước để dâng cho thủy thần ở cửa biển Hà Hoa (nay là Cửa Khẩu, thôn Hải Khẩu, Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hiện còn đền). Ta không biết tên thật của cung nữ này, nhưng tên thụy là Chế Thắng phu nhân - được đặt ngay khi hiến sinh. Lê Thánh Tông cho biết năm 1471, thần đền Chế Thắng đã thuộc hàng Thượng đẳng thần. Có nghĩa là, đền thờ này có khả năng lập vào sau năm 1377 - sau khi Trần Duệ Tông chết trận ở thành Đồ Bàn. “Toàn thư” không có một dòng nào ghi chép về sự kiện này. Trong một trận đại bại thảm hại của nhà Trần (vua tử trận, quân binh tan nát, Lê Quý Ly bỏ chạy), các sử thần cũng đã bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt. Phải đến chiến thắng của Lê Thánh Tông gần 100 năm sau, thì sự kiện hiến tế phụ nữ mới có tài liệu ghi chép. Trước nay, việc hiến tế cung nữ thời Trần Duệ Tông, hoặc như ghi chép của “Bích Châu du tiên mạn ký” là thời Trần Anh Tông (1312), là một câu chuyện văn học. Với những cứ liệu hiện còn, kể cả như bài thơ của Lê Thánh Tông thì cũng chưa thể xác quyết về một tập tục hiến sinh phụ nữ trong các nghi lễ thời xưa. Nhưng ta còn bắt gặp ánh xạ của tục này ở một nguồn sử liệu khác.

Đó là trường hợp hiến sinh bà Ngọc Trần - vợ lẽ của Lê Lợi. Năm 1425, khi quân Lam Sơn đánh vào Nghệ An, qua đền Triều Khẩu (Thần Quả, Hưng Nguyên). Nguyên ủy, Lê Lợi nằm mơ thấy thần báo mộng xin một người thiếp để thần âm phù giúp vua việc đánh giặc. Hôm sau, Lê Lợi gọi các thiếp có nói rằng: “Ai chịu làm vợ thần, khi ta được thiên hạ, sẽ truyền ngôi cho con người ấy làm vua”. Lúc ấy bà Ngọc Trần tự nguyện. Ngày 24 tháng 3, khi hiến sinh “cho thần Phổ Hộ bắt lấy, nàng chết ngay trước mắt vua”. (“Lam Sơn thực lục”) Sự việc này chỉ được “Toàn thư” chép lại nhẹ nhàng là “quốc mẫu cũng là vợ lẽ của Tiên đế, đã mất ngay từ buổi đầu gian lao dựng nước”. Nếu không cho đây là một huyền thoại, thì có khả năng rằng thế kỷ XV vẫn còn tồn tại nghi lễ hiến tế người sống? Người xưa có thể có những quan niệm về thần linh, và các thực hành nghi lễ khác với hình dung của đời nay. Thêm nữa, việc sử dụng thê thiếp cho các nghi lễ, ngoài việc củng cố niềm tin vào các thế lực siêu nhiên, còn là sự thể hiện sự quyết tâm hy sinh của người chủ tướng nhằm khuyến khích tinh thần của tướng sĩ trước một trận quyết chiến. Giống với bà Chế Thắng thời Trần, bà Ngọc Trần có thể đã được đặt trên một bè nổi để làm đàn tế, nhưng bị thần vồ ngay trước mắt người chủ tế. Khả năng “vị thần” ấy là một loại cá sấu vốn sống nhiều ở các vùng sông nước ngày xưa.

Thạp đồng Đào Thịnh.

Những ghi chép trên dù có thể chỉ là huyền thoại trong các tác phẩm văn học, nhưng có cái lõi lịch sử “dùng người” hiến tế, cho nên nó có tính xác thực hay không thì còn cần tìm hiểu thêm. Hiện biết, chỉ có trường hợp duy nhất hiến tế người là nghi lễ hiến phu (tiến dâng tù binh). Sử liệu sớm nhất ghi chép việc năm 605, Lưu Phương đi đánh Lâm Ấp cắt được hàng vạn tai giặc (“Toàn thư”). Cắt tai giặc là một kiểu thực hành chiến tranh dùng để thống kê số địch bị tiêu diệt trong mỗi trận chiến. Trong giáp cốt văn thời Thương Chu, quắc là một cái đầu treo trên ngọn giáo, về sau mới dùng tai để thay thế, nên chữ này mới có hai dạng viết. Còn chữ “phu” thì ban đầu cũng vẽ một tay người cầm đầu tóc lôi đi. Năm 1044, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm, chém được 3 vạn đầu, đem 5 nghìn tù binh về nước, làm lễ hiến phu ở Thái Miếu (“Toàn thư”). Năm 1471, Lê Thánh Tông bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, đem về Nghệ An thì Toàn chết, bèn chặt lấy đầu bêu trên mũi thuyền để thiên hạ đều biết, còn xác thì hỏa táng rồi rải xuống sông. Đến khi về Thanh Hóa, cử hành lễ hiến phu ở Thái Miếu, đem số lượng tù binh và số tai cắt được, cùng thủ cấp của Trà Toàn để tế cáo với tổ tiên ở Lam Kinh (“Toàn thư”). Năm 1582, Trịnh Tùng đánh bại quân nhà Mạc, đến hành dinh dâng tù hơn vài trăm tên vừa tướng vừa quân. Năm 1592, bắt được Mạc Mậu Hợp cùng hai kỹ nữ, cho giải về kinh sư, dâng tù, bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hóa đóng đinh vào hai mắt bỏ ở chợ. (“Toàn thư”)

Như vậy, hiến phu là nghi lễ duy nhất hiện biết ở Việt Nam thời Trung đại có sử dụng người (tù binh) dùng để hiến tế. Nghi lễ này sử dụng người sống, hoặc đầu tướng/ vua đã chết, cùng số lượng tai cắt được, để làm lễ cáo trước anh linh của tổ tiên ở Thái Miếu. Trong trường hợp cuối cùng, Mạc Mậu Hợp đã được đem dùng để tế, sau đó mới treo bêu, rồi chặt đầu. Như vậy nghi lễ hiến phu không nhất thiết là sử dụng hình thức giết vật tế ngay trong buổi lễ, mà sau đó người ta hành hình bằng nhiều cách khác nhau ở không gian công cộng để thể hiện quyền lực của người chiến thắng, răn đe những kẻ chống đối mình.

Trần Trọng Dương
.
.