Hành trình tìm kiếm bí ẩn trường sinh: Dấu vết của sự sống bất tử
Vùng đất trường sinh
Ngôi làng yên tĩnh và xinh đẹp Vilcabamba ẩn mình trong sườn núi Andes, Ecuador được coi là “Thung lũng của sự trường sinh”. Người dân nơi đây có tuổi thọ rất cao, nhiều người trong số họ sống trăm tuổi và dường như một số người sống tới 140 năm. Khu vực này may mắn có nguồn nước hoang sơ, không khí trong lành, đất phong phú, và một khí hậu mùa xuân vĩnh viễn; nơi trái cây, rau quả, và cây dược liệu phát triển quanh năm. Nên thật dễ hiểu khi những thành viên trong Hoàng gia Inca tìm đến nơi này để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe.
Chính vì vậy Vilcabamba còn được gọi là “Sân chơi của người Inca”. Người dân nơi đây tin rằng, thần núi bảo vệ vùng đất của họ khỏi động đất, núi lửa, thiên tai và tặng họ cây colubrine anadenanthera (còn được gọi là Willka) vốn được coi là kho báu của Ecuador. Lá của nó được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp và hen suyễn, mang lại oxy trong lành và ngăn các chất ô nhiễm trong không khí, đây có thể là một yếu tố góp phần tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.
Năm 1973, Tiến sĩ Alexander Leaf từ Đại học Y Havard đã thu hút sự chú ý của dư luận khi đăng một bài viết trên tạp chí National Geographic về tuổi thọ của những người dân Vilcabamba. Nhưng chỉ sau khi nhà lão khoa người Anh, Tiến sĩ David Davies công bố nghiên cứu của mình thì các nhà khoa học và phóng viên bắt đầu đổ xô đến ngôi làng nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều bí ẩn này.
Một cuộc điều tra cho biết, trong tổng số 819 người, có 9 người đã sống 100 năm; ông Miguel Carpio 123 tuổi và ông Jose David nói tuổi mình là 142. Điều này có nghĩa rằng Vilcabamba có tỷ lệ 1.100/100.000 người sống trăm tuổi; so với tỷ lệ chỉ 3/100.000 tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Leaf thấy các cư dân ở Vilcambamba có lượng cholesterol rất thấp; họ hầu như không bị mắc bệnh tim và bệnh mãn tính. Những vị thuốc có liên quan đến đặc tính chống oxy hóa cũng có thể được tìm thấy từ cây trồng trong thung lũng.
Dù cho đã có kết quả nghiên cứu khả quan nói trên, những người hoài nghi vẫn tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính chính xác của những tuyên bố nói trên. Mâu thuẫn xuất hiện trong các báo cáo của Tiến sĩ Leaf. Năm 1971, Leaf gặp một người đàn ông; ông này nói đã 122 tuổi. Tuy nhiên, khi Tiến sĩ Leaf trở lại vào năm 1974, người đàn ông này lại tuyên bố mình 134 tuổi.
Ngôi làng Vilcabamba và cây Willka. |
Xu hướng này có thể liên quan đến văn hóa người cao tuổi nơi đây: Càng lớn tuổi thì càng được tôn trọng. Tiến sĩ Leaf cũng đưa ra giả thuyết về mục đích phát triển du lịch có thể khuyến khích sự phóng đại của dân làng. Tuy nhiên, điều chắc chắn là những cư dân nơi đây có điều kiện sống tốt: Công việc nặng nhọc ở độ cao, chế độ ăn tuyệt vời, nguồn nước tốt, nhiều ánh nắng mặt trời và ít ảnh hưởng từ bên ngoài đã giữ cho những thế hệ Vilcabamba hạnh phúc và khỏe mạnh. Vilcabamba ngày nay trở thành một điểm đến cho du khách tìm kiếm sự thư giãn tránh khỏi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày, như những người Inca đã có hàng thế kỷ trước.
Thức ăn của những vị thần và niềm tin của con người
Tìm trong các truyền thuyết, chúng ta luôn thấy sự hiện diện của các vị thần bất tử với cuộc sống nhiều ngàn năm. Và luôn đi kèm là những thực phẩm chỉ có những vị thần được phép ăn để duy trì sự bất tử, quyền lực và sức mạnh. Được miêu tả với hương mật ong và chuyển tới đỉnh Olympus bằng chim bồ câu, Ambrosia là thức uống giúp các vị thần Hy Lạp trở nên bất tử. Khác với thần thoại Hy Lạp, trong thần thoại Bắc Âu, táo vàng là một linh dược vô cùng quan trọng giúp các vị thần duy trì sự bất tử và trẻ mãi không già của họ.
Trong các văn bản Sumer, có nói đến sữa của Ninhursag, một trong bảy vị thần vĩ đại của Sumer, nữ thần của khả năng sinh sản được hình tượng như một con bò. Các vị thần và các vị vua của Sumer cổ đại sẽ uống thứ sữa này để trở nên mạnh mẽ và bất tử. Dấu vết của những thức ăn mang lại sự bất tử luôn được đề cập đến trong những truyện thần thoại của mọi chủng tộc, mọi tôn giáo.
Không như những điều chỉ có trong thần thoại, người cổ đại từ xa xưa đã biết quan sát và ghi lại những thực phẩm giúp họ cải thiện sức khỏe. Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra tắm trong sữa lừa mỗi ngày để gìn giữ vẻ trẻ trung và nhan sắc. Được ca ngợi như một vị thuốc trường thọ, một cứu cánh cho nhiều loại bệnh, người ta tin rằng sữa lừa giúp làn da mỏng manh hơn, duy trì độ trắng và xóa nếp nhăn trên khuôn mặt.
Chính vị bác sĩ Hy Lạp Hippocrates đã viết về đặc tính chữa bệnh tuyệt vời của sữa lừa. Những năm 1800, lừa đã được nuôi tại một bệnh viện trẻ em như một phương pháp điều trị hỗ trợ cho các em bé bị bệnh bẩm sinh, bệnh truyền nhiễm… Các ghi chép còn lại cho thấy những tác dụng tích cực của sữa lừa đối với trẻ mới sinh sau khi được cho bú trực tiếp.
Theo Telegraph, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc thừa nhận sữa lừa có lợi ích dinh dưỡng, đặc biệt với những người bị dị ứng với sữa bò; nó giàu vitamin, có chứa các tác nhân chống vi khuẩn, chống dị ứng và giảm triệu chứng các bệnh về da, hen suyễn và viêm phế quản. Dù là trái táo vàng bất tử, rượu mật ong Ambrosia, hay sữa lừa… dù chỉ là trí tưởng tượng hay sự chiêm nghiệm từ thực tế… cũng đã phản ánh ước muốn của con người về sự sống trường sinh. Một ngày nào đó, con người sẽ có thể tìm thấy sự thật từ những câu chuyện cổ.
Những tiến bộ trong việc tìm kiếm
Các nhà khoa học đã giải mã DNA của một loại vi khuẩn cổ đại Bacillus F với mục đích tìm hiểu các gen nào đã mang lại tuổi thọ phi thường cho chúng. Những thí nghiệm này cũng nghiên cứu các tác động tích cực với các sinh vật sống, đặc biệt là các tế bào máu của con người, chuột, ruồi đục quả, và các loại cây trồng. Những vi khuẩn cổ đại này được Tiến sĩ Anatoli Brouchkov tìm thấy tại Mammoth Mountain, Cộng hòa Sakha Siberia vào năm 2009.
Vi khuẩn tương tự cũng được phát hiện bởi nhà khoa học Siberia, Vladimir Repin trong não của một loài voi ma mút lông mịn đã tuyệt chủng được bảo quản dưới lớp băng vĩnh cửu. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều thí nghiệm trên chuột và ruồi giấm, và đã thấy những tác động bền vững của vi khuẩn đối với tuổi thọ và khả năng sinh sản. Nhưng vẫn chưa biết được chính xác cơ chế hoạt động” - Giáo sư Sergey Petrov, trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học Tyumen cho biết.
Tiến sĩ Anatoli Brouchkov tại Mammoth Mountain. |
Vi khuẩn Bacillus F đã sống sót ở sâu trong lớp băng giá hàng triệu năm ở Siberia. Câu hỏi được đặt ra cho các nhà khoa học là những gì cung cấp sức sống cho vi khuẩn này, và cơ chế bảo vệ của bộ gen, chức năng của nó… Điều này thực sự khó khăn và phức tạp như việc nghiên cứu căn bệnh ung thư và làm thế nào để chữa trị nó. Đã có những vi khuẩn cổ đại được tìm thấy trong các môi trường khác nhau như hổ phách, muối mỏ,… thậm chí có niên đại tới 500 triệu năm.
Vùng đất phía đông Siberia luôn lạnh lẽo từ hàng triệu năm trước đã trở thành một môi trường lý tưởng để bảo vệ các vi khuẩn khỏi ảnh hưởng bởi thời gian. Những tế bào vi khuẩn đã sinh ra cơ chế để tự bảo vệ mình, và thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể hiểu rõ được điều này, nó sẽ là phương thuốc tuyệt vời để chống lại quá trình lão hóa.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Bacillus F kích thích sự tăng trưởng và tăng cường hệ thống miễn dịch; các thí nghiệm trên hồng cầu và bạch cầu của máu người cũng cho kết quả rất khả quan. Đối với cây trồng được thí nghiệm, vi khuẩn kích thích sự tăng trưởng của cây và tăng năng suất, quá trình quang hợp được thúc đẩy. Các nhà nghiên cứu đã ngâm các hạt giống được thí nghiệm vào một dung dịch có điều kiện môi trường nuôi dưỡng vi khuẩn trước khi đem gieo hạt. Những hạt giống này đã mọc ở nhiệt độ 5ºC, điều này thực sự quan trọng trong điều kiện khắc nghiệt ở Siberia.
Giáo sư Petrov cũng thừa nhận đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này, và cả những nghi ngờ về niên đại của vi khuẩn được tìm thấy. Tại thời điểm này chưa thể nói chắc chắn điều gì, nhưng việc sử dụng tăng trưởng thực vật được thúc đẩy bằng vi khuẩn là một hướng đi đầy hứa hẹn. Hy vọng trong tương lai, cuộc sống bất tử sẽ được khám phá bởi cơ chế sinh học từ gen của vi khuẩn cổ đại.