Hàn Quốc: Nghệ thuật cõng cỏ cây, muông thú vào lòng thành phố

Thứ Tư, 17/08/2016, 10:31
Dù rất yêu xứ sở kim chi nhưng có lẽ cũng cần phải nói thẳng thắn rằng, thiên nhiên không hào phóng gì lắm cho đất nước này. Nếu ai đó đã từng trải nghiệm thăm ngắm chừng hai chục quốc gia thôi, thì sẽ có một so sánh đích đáng và thấm thía hơn điều này.

Có vẻ như thiên nhiên Hàn Quốc hơi cằn cỗi. Ngoài đảo Jeju tốt tươi thì chúng tôi đi qua các thành phố ở Hàn, chỉ thấy nhà cao tầng chứ ít thấy cây cối, ít sông ngòi với cảnh vật tự nhiên. 

Vì biết rõ không được trời phú cho rừng vàng biển bạc, nên người Hàn Quốc luôn tỏ ra nâng niu các giá trị thiên nhiên do bàn tay con người chăm bẵm mà có. Và du lịch của họ đã hốt bạc nhờ sự công phu đầu tư từ ý tưởng rất nhân văn cho đến sự tử tế với môi trường một cách bài bản kia.

90 triệu đô la "chuộc lỗi" với thiên nhiên

Càng lang thang xứ Hàn, tôi càng nghiệm ra một điều rằng, các hòn đảo sặc sỡ hoa và điệp trùng cây cổ thụ ra đời từ hoang mạc cằn cỗi như Nami, còn khiến người Hàn tự hào kiêu hãnh hơn là nơi này vốn dĩ trời sinh ra như thế. Chính sự vượt lên khắc nghiệt đó còn khiến du khách xúc động và trân quý tấm lòng thơm thảo với thiên nhiên của người Hàn hơn. Vậy là họ biết biến thế yếu thành thế mạnh.

Ngay cả dòng suối tâm linh mang tên Cheongyecheon được coi như một "trục long mạch", một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời kéo dài 6km, tưới tắm dằng dặc cho thủ đô Seoul, khiến nơi này giảm được hơn 3 độ vào mùa hè... nó cũng từng thối tha, rác rưởi rồi bị lấp trong hàng thập niên để làm đường cao tốc đè lên trên. 

Một trong 360 nón phóng núi lửa tuyệt đẹp trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Nó mới chỉ được người Hàn khơi thông lại và khánh thành vào năm 2005, với số kinh phí "chuộc lỗi với thiên nhiên" khổng lồ: 90 triệu USD. Dường như sự tốt tươi, tưới tắm đáng xúc động của con suối lớn và trong veo cuộn mình giữa Seoul này, cũng như tâm trạng của người Hàn trong việc khơi thông lại bảo tàng sinh thái dài 6km kia đã cảm hóa được rất nhiều người Việt Nam, trong đó có các nhà báo.

Bằng chứng là nhiều bài báo, nhiều chương trình truyền hình của ta đã rất nặng lòng với bài học cay đắng mang tên con suối - công viên - điểm tựa tâm linh của Seoul Cheongyecheon. 

Giữa các đoạn suối đẹp, người Hàn làm đường đi xuống mặt nước, đi bộ và trưng bày nghệ thuật ba bề bốn bên, xây một vực xoáy tròn có "lỗ" ở giữa, người xứ kim chi cũng như đông đảo du khách, ai cũng tin rằng, dừng lại ném một đồng xu vào đó thì may mắn sẽ đến với mình và gia đình, bạn bè mình. Nước trong vắt, từng mệnh giá của những đồng xu dưới đó, người đứng ven bờ có thể trông tỏ.

Người Việt đi du lịch Hàn Quốc vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự gần gũi địa lý, giá tour rẻ, sự "du nhập" một cách bạo liệt về văn hóa (phim ảnh, mỹ phẩm, xe cộ, phong cách) đã đi tiên phong mở đường… Nhưng cái cần nhấn mạnh ở đây là tài làm du lịch của người Hàn. Đi chơi thì phải thoải mái, thú vị, tung hoành "tự sướng" ở mọi góc độ - lĩnh vực này thì là "tủ" của nước bạn rồi. 

Và nhiều người giật mình nghiệm ra, cái họ đem ra quyến rũ mình nhiều khi là cái... họ "tay không bắt giặc" gây dựng nên. Các con đường tuyệt diệu rợp sắc hoa anh đào, hoa liên kiều, hoa mộc lan rồi ru hồn người cả loài tử đinh hương nữa, nó là do người Hàn trồng và chăm bẵm tỉ mỉ, khác hẳn việc ta cứ "vác" Sa Pa, Hạ Long có từ thuở tạo sơn ra rồi thõng lưng mà bán. 

Hơn nghìn cây hoa anh đào cổ thụ 3-4 chục năm tuổi trên con đường huyền thoại Yunjug-ro tại Seoul cũng thế, mùa đến, nhân loại nghiêng mình ngưỡng mộ: "bái" hoa. Lý lẽ nhân văn nào để người Hàn chăm bẵm kỳ quan "đường hoa" này cho con cháu mình? Rất lãng mạn và tử tế. Họ trồng cho họ, trước khi tính đến việc hoa tỏa hương và tạo mật ngọt quyến rũ du khách đem tiền tới "tiêu" ở xứ kim chi.

Chuyện tương tự, với công viên Everland được mở cửa từ năm 1976. Nó là công viên gia đình đầu tiên của Hàn Quốc, "quê hương" của hơn 40 trò chơi mạo hiểm hội tụ từ khắp nơi trên thế giới. 

Cả bãi biển đậm sắc Ca-ri-bê châu Mỹ với những con tàu đắm huyền thoại cũng được tái hiện khổng lồ. Các trò chơi cảm giác mạnh được xây cao đến mức nhìn từ mặt đất lên, người chơi chỉ bé như ngón tay. 

Vài trăm người chơi cùng lúc, sự hân hoan và nỗi sợ hãi khiến họ gào thét đồng thanh như thế giới này sắp sập đến nơi. Nhiều người bảo, họ cảm giác như mình đang ở Mỹ, khi vào khu cảm giác mạnh của Everland. Các khu vui chơi dưới nước được xây dựng to lớn ngoài sức tưởng tượng, ấy là chưa kể khu tái hiện kỳ quan của các cường quốc năm châu. 

Như là không gian sống của thế giới này đã nghe theo một tiếng sáo Trương Chi nào đó mà cất cánh tụ hội cả về đây. Nó còn đẹp và quy mô hơn khu "Cửa sổ thế giới" ở Thâm Quyến (Trung Quốc).

Không có sẵn rừng vàng biển bạc cho du lịch, người Hàn Quốc tự tạo ra cảnh quan và muông thú sum vầy.

Vườn cổ tích bên các dãy nhà chọc trời

Và rồi, tôi ngẩn ngơ lạc vào thế giới cổ tích của hoa hồng đủ màu sắc. Những vườn hoa mênh mông sặc sỡ. Mỗi ngày họ đều tổ chức hội thi cắm hoa rồi mỗi năm đều có festival hoa hồng (Rosa Festival) tại đây. Bạn đi mỏi chân không hết thế giới muôn hồng ngàn tía của loài hoa tình yêu này. 

Có khi, đột nhiên lạc vào các con đường u tối với mái vòm cổ tích. Có khi, bỗng nhiên sương ở đâu chùng chình lan tỏa, thế giới tràn ngập triệu bông hồng đang tỏa hương khoe sắc cứ thế biến ảo. Chỉ xin nhấn mạnh: đó không phải là một rừng hoa hoang dại, mà mọi sự biến ảo đó là do bàn tay con người, họ gây dựng, chăm bón để các giá trị nhân văn tỏa hương trên cõi đời này. 

Cũng trong không gian Everland Hàn Quốc kia, người xem còn lạc vào một cõi thiên nhiên hoang dã, từng đàn lạc đà, ngựa vằn, voi, đà điểu, ngựa bạch lừng lững ra chào khách. Con nào con nấy mặt vừa hiền, vừa láu và đều rất thơ ngộ như chú Tễu trình làng dưới một thủy đình Bắc bộ. Ngựa vằn õng lưng cúi đầu, lạc đà quét cái cổ cò xuống sát mặt cỏ để các bé thơ, các cô gái, chàng trai đẹp như bước ra từ sàn diễn... thi nhau cưỡi. Rồi cười như nắc nẻ.

Chúng tôi lên những chiếc ô tô to, đẹp, xếp hàng đi êm ru qua những công trình mà ô cửa sổ của nó được cấu tạo giống cái đầu sư tử hơn cả... có con sư tử đang ngóc cổ dựng bờm chào khách. 

Xe ô tô bé thì được bọc sắt hình mắt cáo để tránh gấu lớn và sư tử đập vỡ kính. Xe nào cũng được chế tạo mang hình các loài động vật lớn. Có xe đầu gấu ngựa, có xe đầu ngựa vằn, có xe hình sư tử. Đèn xe là đôi mắt chúa tể rừng xanh, cũng râu ria bờm dựng y như thật. 

Xe to thì kính trong veo (có lẽ, sau khi đã thu tiền, họ lau rửa rất thường xuyên bằng tâm thế tôn trọng từng góc nhìn, từng tấm ảnh mà du khách sẽ chụp), thoải mái sờ vào lớp kính mà bên ngoài là gương mặt, cùng bàn tay lông lá móng vuốt của hổ trắng, hổ Bengal, sư tử, gấu đen cao lừng lững. 

Con gấu đứng giơ hai tay lên nô đùa, vồ vập cái xe 7 chỗ cứ ngon ơ, chắc nó phải cao gần 2m. Có con vật lai giữa hổ và sư tử có tên tai-lai hoặc liger hoặc tigon (bằng cách ghép chữ và âm giữa hai cái tên tiếng Anh của hổ và sư tử - tiger và lion), mà nghe nói cả thế giới chỉ có rất ít cá thể được sinh ra. 

Người Hàn nhanh tay rước nó về đây để tạo điểm nhấn "nam châm" hút khách. Đứa trẻ thơ ngây chun miệng hôn vào lớp kính trước mặt, con sư tử khổng lồ áp má cách đó vài milimét kính trong vắt. 

Hai con gấu khổng lồ xông tới chào khách.

Trong bức ảnh, dường như không có khoảng cách giữa đàn thú ăn thịt hung dữ với đoàn du khách bên trong. Quả thật là, so với những con vật thoắt ẩn thoắt hiện và hung dữ ở châu Phi hoang dã, thì việc chụp ảnh, thăm ngắm, thư dãn cùng đàn thú ăn thịt khổng lồ ở Hàn Quốc này cũng có những hương vị và ấn tượng không kém phần ám ảnh.

Với nhiều người ưa du lịch không quá vất vả và mạo hiểm, thì việc giao lưu với ác thú, cưỡi hươu cao cổ, hôn gấu lớn và sư tử bờm dựng kiêu hãnh ở Everland còn sung sướng hơn nhiều. 

Điều này cho thấy, vì không có rừng rậm, đồng cỏ xavan, vì không có hàng triệu héc-ta thiên nhiên và muông thú sum vầy độc nhất vô nhị như châu Phi, thì cái cách mà người Hàn làm safari vườn thú cho mình cũng quá tuyệt. Ngoài giá trị du lịch, ở đây còn có giá trị nhân văn đáng cảm kích. 

Sự chuyên nghiệp của người xứ kim chi còn thể hiện ở chi tiết: trong các khu du lịch ở đây, tôi thường gặp và ngẩn tò te với những cô gái xinh như mộng trượt pa-tanh với tốc độ của gió và cung cách của mỹ nhân "bay" trên băng nghệ thuật, lưng cô ấy giắt một cái túi đựng rác gọn ghẽ. Miệng cô gắn mic nhỏ, lưng đeo bộ đàm, cô quản lý nhiều thứ ở đây, kiêm luôn việc "trực nhật". 

Như chim bói cá, như đại bàng săn mồi trên lãnh nguyên nghìn dặm, hễ một cọng rác, hay mảnh vỏ kẹo vô ý bị vứt lại là cô ấy bay đến, roẹt một cái, cây gậy gắp rác lướt qua. Rác được thu gom rồi mà mùi nước hoa cũng như những đường cong mỹ miều của cô vẫn lởn vởn trong mắt du khách hiếu kỳ.

Vẫn là nhân tạo và làm cảnh thôi, nhưng hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng bên các tòa nhà chọc trời của họ sao mà nao lòng người thế. Chúng tôi vào những vườn chim, con gì đỏ rực và sù sụ những mào là mào, ngúc ngoắc chào khách. Đàn vẹt đỏ rực, xanh biếc thì âu yếm nhau, con to như gà, con lại bé như chim sẻ. 

Khách giơ tay trắng nõn ra, thì chục con vẹt đậu vào mỗi ngón tay rồi cả "cổ tay em vừa trắng vừa tròn" nữa. Các chú vẹt xanh, đỏ, vàng, trắng muốt bé bằng chú chào mào cứ líu ríu bay, ăn và hồn nhiên rỉa cả chiếc nhẫn cưới của cô nàng. Ừ thì hoa chăm cỏ xén để làm du lịch, nhưng ai có mặt ở đó cũng xôn xao, chợt nghĩ đến sự sum vầy như tiên cảnh, khi vạn vật còn hiểu tiếng nói của nhau và chung sống trong một khu vườn tinh khiết thuở hồng hoang.

Xin nhắc lại, các điểm đến đắt khách kể trên của nước bạn đều do con người tạo dựng nên, chứ không phải là các kho báu thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng sẵn cho người Hàn.

Kính mời độc giả đón đọc kỳ sau: Những tuyệt chiêu nuôi "gà đẻ trứng vàng" ở xứ sở kim chi trên Chuyên đề ANTG Cuối tháng 8 (Số 180) ra ngày 25-8-2016.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.