Giữa mênh mông cõi thiền
Mô hình nhân cách này thể hiện ra không chỉ bằng trước tác lý thuyết, mà còn bằng chính hành trạng cuộc đời của họ. Điều đặc biệt nữa cần phải nói ở đây là các Thiền sư Lý - Trần, không phải tất cả, nhưng một bộ phận trong số họ cũng chính là những thi sĩ và là những thi sĩ đích thực.
Như mọi thi sĩ, họ làm thơ để bộc lộ con người cảm xúc - tư tưởng. Nhưng đây là loại cảm xúc - tư tưởng vừa đời vừa đạo, vừa là những cảm xúc của con người cá nhân cá thể trước thế giới, vừa là những trải nghiệm của quá trình tu đạo và sự giác ngộ chân lý. Rất khó tách bạch hai phương diện này ở những tác phẩm thơ Thiền Lý – Trần xuất sắc nhất, và đó chính là yếu tố khiến thơ Thiền Lý - Trần nói chung trở nên một đặc phẩm của thơ Việt.
Cuốn “Thơ Thiền Lý Trần” do Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh biên soạn (NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1998) đã cung cấp tương đối đầy đủ văn bản tác phẩm thơ của các Thiền sư thời Lý – Trần. Tuy nhiên nói tất cả các tác phẩm này đều là thơ thì e rằng chưa thật chính xác. Có nhiều bài chỉ là bài kệ, bài minh, tức là những câu nói ngắn gọn, cô đúc mà tác giả dùng để trình bày hoặc chỉ dẫn về một nội dung Thiền, một quan niệm Thiền, một tư tưởng Thiền. Những bài mang phẩm chất thơ thực sự không nhiều. Không nhiều, không phải là không có.
Ngay từ thời Lý, với Thiền sư Không Lộ (? – 1119), thơ ca Việt Nam đã có một thi phẩm Thiền tuyệt hay, bài “Ngư nhàn”: “Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên/ Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên/ Ngư ông thụy trước vô nhân hoán/ Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền”. (Nam Trân dịch: Vạn dặm sông xanh, trời vạn dặm/ Từng miền dâu ruối, khói quanh miền/ Ông chài ngon giấc không ai gọi/ Tỉnh dậy sau trưa, tuyết ngậm thuyền. Bản dịch theo thể lục bát của Kiều Thu Hoạch cũng rất hay: Trời xanh nước biếc muôn trùng/ Một thôn sương khói, một vùng dâu đay/ Ông chài ngủ tít ai lay/ Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền).
Nói về cảnh, thì cảnh tuyệt đẹp. Giống như một bức tranh vậy: viễn cảnh là trời mây mênh mông, sông xanh như tiếp với trời, khói đâu đó bảng lảng tựa một nét bút vờn mơ màng; cận cảnh là con thuyền với ông chài đang say ngủ, tuyết rơi trắng xóa trên mạn thuyền. Bức tranh gần như tĩnh hoàn toàn, duy nhất có một chuyển động: hành vi “tỉnh lai” của ông chài. Nhưng hành vi này có thể chỉ là một cái mở mắt, và là cái mở mắt không kèm theo bất cứ một sự ngạc nhiên nào, cho dẫu tuyết đã rơi đầy thuyền không biết từ bao giờ? Vị thiền của bài thơ nằm ở chính sự không ngạc nhiên này, chính sự bình thản này. Giữa ông chài với bối cảnh thiên nhiên mà ông đang tồn tại, đó là một sự hòa điệu tự nhiên, trọn vẹn giữa con người và ngoại vật. Ta – Vật đều quên, tất cả chỉ là một, hồn nhiên tự tại, không giới hạn.
Nếu thời Lý là giai đoạn khởi phát của thơ Thiền Lý – Trần, thì tất nhiên, giai đoạn cực phát của nó là thời Trần. Một thời đại kỳ lạ. Thời đại in đậm bóng dáng của những con người tự tin, hào hùng, phóng khoáng. Thời đại của những vị hoàng đế tích hợp trong con người mình rất nhiều mô hình nhân cách: là hoàng đế, là anh hùng dân tộc, là triết gia, là Thiền sư, là thi sỹ.
Đạt tới độ điển hình cho kiểu con người như vậy, không ai khác, chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), người đã lãnh đạo toàn dân hai lần kháng Nguyên thắng lợi (1285 và 1288), người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lưu danh trong Phật sử Việt Nam với pháp hiệu Trúc Lâm Đại đầu đà. Trong các trước tác của Trần Nhân Tông, về thơ, hiện chỉ còn tìm thấy 31 bài, trong đó có những bài thơ Thiền vào loại xuất sắc.
Ví dụ, bài tuyệt thi có tựa “Xuân cảnh”: “Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì/ Họa đường thềm ảnh mộ vân phi/ Khách lai bất vấn nhân gian sự/ Cộng ỷ lan can khán thúy vi” (Huệ Chi dịch: Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày/ Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay/ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế/ Cùng tựa lan can ngắm núi mây). Hai câu đầu của bài thơ trình ra kết quả tri giác cụ thể của con người trước thế giới: cái nghe (điểu ngữ trì - chim hót chậm rãi), và cái nhìn (mộ vân phi – mây chiều lướt bay). Con người ở đây có thể là chính tác giả, song do sự tỉnh lược chủ ngữ trong câu, đó cũng có thể là “không ai cả”: thiên nhiên tự phô diễn vẻ đẹp của chính mình theo trục thời gian, một cách tự nhiên nhi nhiên.
Trên dòng trôi chảy ấy, “khách” xuất hiện, một sự xuất hiện trong im lặng (bất vấn – không hỏi) và hòa đồng (cộng ỷ – cùng dựa vào) tuyệt đối vào cảnh vật. Cuối bài thơ, màu xanh biếc (thuý vi) của thiên nhiên mùa xuân bao trùm lên tất cả, cũng giống như cái Tâm Thiền an lạc đang tràn ngập hồn người. Chỉ miêu tả chứ không diễn giảng, bài thơ đã chừa chỗ cho người đọc cộng hưởng với khoảnh khắc “vong ngã” của tác giả trước vẻ đẹp mê hồn của thế giới. Có thể nói, “Xuân cảnh” là bài khá tiêu biểu cho phong cách thơ Thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nó không trực tiếp hoặc gián tiếp thuyết giảng về yếu chỉ Thiền, mà nó thiên về bày tỏ cảm xúc Thiền của con người đạt đạo trước cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống.
Cùng một phong cách như bài “Xuân cảnh”, là một bài thơ khác, có tựa “Nguyệt”: “Bán song đăng ảnh mãn sàng thư/ Lộ trích thu đình dạ khí hư/ Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ” (Đào Phương Bình dịch: Đèn song chếch bóng, sách đầy giường/ Đêm vắng sân thu lác đác sương/ Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết/ Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương). Không gian được phác lên trong bài thơ là một không gian bao la khoáng đạt, trong trẻo và lặng lẽ, đặc trưng cho cái “không” của Thiền. Thời gian ở đây là thời gian ban đêm, mùa thu – thời điểm thuận lợi cho sự bừng ngộ, khi cái tâm con người được lắng đọng và gạt bỏ đi lớp màn bụi bặm vô minh che phủ thường ngày.
Trong tọa độ không – thời gian ấy, con người tỉnh giấc (thụy khởi) với dư vang của tiếng chày nện vải (châm thanh). Tiếng chày không phải là thực tại – nói đúng hơn thì nó đã từng là thực tại – nó đã bị không gian “nuốt chửng”, và vì thế mà không gian trống rỗng lại càng trở nên vô tận. Từ cái tĩnh mà cái động sinh ra: hình ảnh ánh trăng ghé đến bên bông hoa hé nở giữa đêm khuya vừa là hình ảnh thực, vừa như một ẩn dụ về sự bừng sáng của trí tuệ giữa khoảng không bao la của vũ trụ – tâm hồn.
Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334), vị tổ thứ ba của phái Thiền Trúc Lâm (tổ thứ hai là Thiền sư Pháp Loa) cũng là một thi sỹ nổi tiếng ở thời Trần. Xuất thân là một nhà Nho, thậm chí là một danh Nho, song ông đã sớm bén mùi Thiền để rồi từ bỏ tất cả áo mũ triều quan mà đi tu. Nói về thơ của Huyền Quang (đáng tiếc là hiện nay chỉ còn lại 24 bài) các nhà bình thơ thời trước như Lê Quý Đôn hay Phan Huy Chú vẫn khen rằng: “ý tinh tế cao siêu”, “lời bay bướm phóng khoáng”.
Từ đây có thể tạm suy luận: trong thơ Huyền Quang, con người thi sỹ và con người Thiền sư đều đã được thể hiện tới mức cao nhất. Hãy đọc thử một tác phẩm của ông, bài “Địa lô tức sự” (Trước bếp lò tức cảnh): “Oa dư cốt đốt tuyệt phần hương/ Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương/ Thủ bả xuy thương hòa thái thác/ Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang” (Huệ Chi dịch: Củi tàn, thôi chẳng thắp thêm hương/ Miệng đáp gia đồng hỏi mấy chương/ Bận bịu cho ai cười chế lão/ Liền tay ống thổi với mo nang). Bài thơ không tả, mà chỉ kể, và cái được kể là một câu chuyện xét ra cũng... chẳng có gì: ông sư già và chú nhỏ ngồi với nhau trước cái bếp lò, ông trả lời chú về mấy chương sách; củi trong bếp đã tàn, hương cũng đã dứt; một tay ông cầm ống thổi lửa, tay kia nhặt mảnh cây...
Không có sự kiện quan trọng nào diễn ra, không một bài học nào được đúc rút. Chẳng có gì hết, may chăng, người ta chỉ có thể nói được về một không khí điền viên giản dị ấm cúng nào đó của người tu hành mà bài thơ đã phác ra mà thôi. Nhưng, hãy đọc thêm lần nữa, lần nữa, đọc và gạt ra khỏi đầu nỗi ám ảnh về cái “ý nghĩa” mà ta cần phải chắt ra cho được từ một văn bản ngôn từ, ta sẽ thấy: mọi hành động, trạng thái của con người và đồ vật trong bài thơ này đều diễn ra cùng một lúc, đều được tri giác và cảm nhận cùng một lúc.
Thời gian dường như bị ngưng lại, bị chặn đứng. Và đây chính là cái mà ta có thể nói về vị Thiền của bài thơ: con người trong đó sống và hòa mình trọn vẹn với “giây phút này”, hồn nhiên, không vướng bận. Cuộc sống như vậy, nhìn từ quan điểm Thiền, là cuộc sống có ý nghĩa nhất.
Một tác giả khá đặc biệt cần phải nhắc tới ở đây, là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (1286 – 1325). Ông từng cầm quân đánh giặc, làm nên những võ công hiển hách, sau đó cáo quan về ở ẩn, lập ra thi xã Bích Động. Không đi tu, nhưng là một quý tộc sống trong thời đại mà tư tưởng Thiền được sùng thượng khắp trong triều ngoài nội, ông không thể không chịu ảnh hưởng. Thiền ngấm trong thơ ông cũng là vì thế. Sách “Thơ Thiền Lý Trần” có tuyển một bài của ông, bài “Đề Gia Lâm tự”: “Tâm khôi ra giác mộng/ Bộ lý đáo thiền đường/ Xuân vãn hoa dung bạc/ Lâm u thiền vận trường/ Vũ thu thiên nhất bích/ Trì tĩnh nguyệt phân lương/ Khách khứ tăng vô ngữ/ Tùng hoa mãn địa hương” (Huệ Chi và Hoàng Lê dịch: Nguội ngắt lòng danh lợi/ Am thiền rảo gót qua/ Xuân chày hoa mỏng mảnh/ Rừng thẳm ve ngân nga/ Mưa tạnh da trời biếc/ Ao trong ánh trăng ngà/ Khách về sư biếng nói/ Thông rụng nức mùi hoa”. Với bài thơ này, phần lược bình trong sách “Thơ Thiền Lý Trần” đã nói khá đầy đủ về cái hay của nó, xin được dẫn nguyên văn: “Thiên nhiên phản ánh tâm trạng, là hình chiếu của tâm trạng thanh đạm, bình lặng, trong trẻo. Người không nói, vì vạn vật bằng thứ siêu ngôn ngữ của mình đã nói rất nhiều. Con người lặng yên để nghe một sự hòa điệu sâu xa giữa ta và vật và mùi hương hoa thông thoang thoảng khắp mặt đất là một bản hợp xướng không lời”.
Trong khuôn khổ một bài báo, người viết không thể nói nhiều - chứ chưa nói là nói hết, mà nói làm sao cho hết đây? – về thơ Thiền Lý – Trần. Miễn cưỡng, thì có thể vu khoát mà tiểu kết rằng đây là một trong những đỉnh cao của thơ ca Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Nó mở đường cho sự ra đời của những bài thơ hay, mang đậm ý vị Thiền trong thơ ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du sau này.
Với người đọc hiện nay, thơ Thiền Lý Trần có thể nói là một thách thức. Vấn đề không chỉ là chuyện văn tự Hán xa lạ, khó hiểu, mà còn ở tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại, và sự vượt thoát ra khỏi biên giới của suy luận và nhận thức lý trí thông thường của nó. Nhưng chấp nhận đối mặt với thách thức, chiếm lĩnh thách thức và rồi thủ đắc được một cái gì đó có ích cho mình, há chẳng phải là một hạnh phúc, một khoái lạc của việc đọc hay sao?