Giải Nobel nhuốm máu

Thứ Tư, 18/12/2019, 11:13
Chẳng mấy khi việc tuyên bố trao một giải Nobel truyền thống nào đó gây ra những tranh cãi dữ dội. Giới nghiên cứu khoa học không thích ầm ĩ. Họ thường chú tâm vào công việc của mình hơn là để ý đến các danh hiệu.

Thế nhưng, ngay từ đầu thế kỷ XX, đã từng có một phát minh khiến chính các nhà khoa học phải "đứng bật dậy để phản đối".

Bắt đầu là lòng ái quốc

Fritz Haber, bản thân ông, cũng chẳng hề quan tâm đến giải thưởng ấy. Vào ngày 13-11-1919, khi Ủy ban Nobel công bố tên ông là chủ nhân của Nobel Hóa học năm 1918, Haber còn đang bận tâm đến những việc khác. Theo lời kể của một người bạn, ông "đã chết đến 75% cơ thể" kể từ một năm trước đó, khi nước Đức - Tổ quốc của ông - chấp nhận ký hiệp định đầu hàng tại Versaille, kết thúc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất.

Và bởi vì phải chứng kiến đất nước mình oằn lưng dưới những gánh nặng bồi thường chiến phí cùng những điều khoản nhục nhã và ngặt nghèo dành cho kẻ bại trận, Haber lao mình vào nghiên cứu một quy trình hóa học mới, nhằm tách vàng từ nước biển.

Ông thậm chí đã kịp gây quỹ để đóng một chiếc tàu nhỏ phục vụ mục đích thí nghiệm. Song, lượng vàng thu được từ nước biển cũng quá hạn chế, không đủ bù đắp chi phí. Năm 1928, Fritz Haber đành từ bỏ con đường ấy. Để rồi, vĩnh viễn, người ta chỉ nhớ đến ông như là cha đẻ của một phát minh ghê rợn, một thứ vũ khí giết người hàng loạt: Hơi độc.

Có điều, nhiều người gần gũi Haber tin rằng: Nếu được làm lại từ đầu, ông vẫn sẽ cống hiến cho quân đội Đức thứ vũ khí kinh khủng đó, phát minh tàn bạo đó. Không phải vì bản chất ông là kẻ tàn bạo, mà vì cách hiểu về nghĩa vụ đối với đất nước của ông là như thế - một thứ tư tưởng thấm đẫm tinh thần sắt máu và trung thành cổ điển của các hiệp sĩ Teuton hay quân nhân Phổ.

Một lòng trung thành mù quáng với đất nước.

Năm 1914, gần như ngay sau khi nước Đức dấn thân vào Đệ nhất Thế chiến, Haber đã tình nguyện xin phục vụ quân đội, với tư cách là một khoa học gia. Ông được đích thân Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II phong quân hàm Đại úy. Đầu tiên, ông cống hiến cho quân đội Đức một công trình nghiên cứu mà nhờ nó, họ có thể sản xuất được một trữ lượng ổn định và dồi dào những thứ thuốc súng, đạn pháo và các chất nổ cực mạnh, dựa trên nền tảng nghiên cứu sâu về khí nitơ.

Thế rồi, Đệ nhất Thế chiến tiếp diễn ở mặt trận phía Tây với sự bế tắc của loại hình "chiến tranh hào lũy". Haber, luôn ở rất gần mặt trận, cảm nhận được rằng cần phải tạo ra được một thứ vũ khí đánh thẳng vào tinh thần kẻ địch. Một thứ vũ khí gây nên những nỗi kinh hoàng ghê gớm, nhằm mở các đột phá khẩu, xua quân địch ra khỏi chiến hào, bắt họ trở nên rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho những đợt tổng công kích quan trọng. Ông khuyến cáo tướng lĩnh Đức nên dùng hơi độc.

Ban đầu, giới sĩ quan Đức khá dè dặt đối với gợi ý của Fritz Haber. Thay vì sử dụng một lượng hơi độc đủ lớn, họ chỉ cho phép tấn công một cách dò dẫm và mang tính thử nghiệm. Có lẽ, sâu thẳm bên trong, những quân nhân chuyên nghiệp đó không muốn nghe lời một "tay dân sự". Và thế là đáng lẽ có thể lập tức trở thành lợi thế, cách quân Đức sử dụng hơi độc "nhẹ nhàng" theo kiểu ấy lại chỉ khơi lên một tinh thần ganh đua từ phía quân Pháp, để rồi hơi độc tạo ra thêm cho cuộc chiến đẫm máu đó một khía cạnh tàn khốc mới (cũng là cho cả toàn bộ lịch sử chiến tranh).

Một thiên tài của địa ngục.

Cuộc đời bi kịch

Haber và các cộng sự, lúc đầu, sử dụng hơi độc có thành phần chủ đạo là Clo. Nó gây ra sự mù mắt nhất thời, sự đốt nóng trong phế quản, những cơn ho bất tận, sự ngạt thở… và dĩ nhiên, cả cái chết cho quân địch. Thế nhưng, đến năm thứ hai của cuộc chiến, Haber đã kịp tiến thêm một bước.

Sử dụng thêm một hợp chất (phot-gen), thay cho mùi vị cay nồng của Clo, hơi độc mới có mùi thơm dịu như cỏ mới cắt. Nó dễ dàng khiến các binh sĩ Pháp hít thật sâu trong nỗi nhớ nhà, và rồi cảm nhận được cơn chết lịm khi acid hydrocloric đột ngột cuộn lên trong phổi.

Kế đó, Haber nghiên cứu thành công thêm hợp chất clopicrin, nhằm tấn công dữ dội và vô hiệu hóa các mặt nạ phòng độc đã lỗi thời của quân Pháp. Nó tạo nên cảm giác buồn nôn, khiến đối thủ phải nhanh chóng tháo mặt nạ, và hứng trọn những làn khí độc.

Cuối năm 1916, khoa học quân sự Pháp cải tiến được mặt nạ phòng độc để chống chọi với clopicrin, thì Haber lại xuất xưởng diclorodietyl sunfit - thường được gọi là "khí mù-tạc". Ở nồng độ cao, nó gây bỏng cấp hai trên bất cứ bộ phận cơ thể nào tiếp xúc. Các binh sĩ hít phải hơi độc này sẽ chết đau đớn, trong mùi tử đinh hương dịu dàng và sự phân hủy các mô tế bào. Thậm chí, sau nhiều ngày sử dụng, các bãi chiến trường vẫn còn dính dấp thứ chất lỏng được phun ra như khí này.

Ở nhiều khía cạnh, Fritz Haber có thể xem là cha đẻ của vũ khí hóa học hiện đại.

Đến thời điểm đó, Haber đã bắt đầu tự sợ hãi những phát minh của mình. Ông khuyên giới tướng lĩnh Đức nên sử dụng nó hạn chế, bởi rất có thể các khoa học gia của phe Đồng minh sẽ đáp trả bằng những phát kiến khủng khiếp mới. Một lần nữa, ông không được lắng nghe. Một lần nữa, chiến tranh lại kéo dài thêm, và quả thật, quân địch lại đáp trả, với khả năng vượt trội.

Haber không thể dừng cuộc chạy đua kinh hoàng mà chính ông bắt đầu. Ông luôn phải ở gần mặt trận, quan sát hiệu quả các phát minh của mình để làm nó trở nên hiệu quả hơn nữa (trong việc giết người). Vợ ông, nhà nữ hóa học gia xinh đẹp Clara Immerwahr, từng khuyên ông dừng lại. Nhưng, Haber đáp rằng ông không thể làm thế, vì ông là một người Đức trung thành với đất nước. Và ngày 2-5-1915, Clara tự sát. Bằng khẩu súng của chính chồng mình, trong vườn nhà.

Chính vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi bốn năm sau, cả giới khoa học gay gắt phản đối việc trao Nobel Hóa học cho công trình nghiên cứu khí Nitơ của Fritz Haber. Thậm chí, có không ít khoa học gia tuyên bố họ sẵn sàng từ bỏ giải thưởng của chính mình, bởi không muốn danh tiếng bị hoen ố khi đứng nhận giải chung với một công trình giết người.

Haber, như đã nói, không quan tâm. Ông bận đi đến Argentina, Mỹ hay Nhật Bản, tự cho phép mình nói thay nước Đức trong vai trò một đại sứ hòa bình tự phong, rằng: "Chúng tôi tin, về lâu về dài, mỗi quốc gia đều có thể giúp đỡ các quốc gia khác cũng như chính mình, qua việc học cách hiểu rõ về suy nghĩ và cảm giác của nhau".

Có điều, thứ tư tưởng ấy đối nghịch với thứ tư tưởng đã dẫn lối cho Haber đến với thành tựu hóa học của cả sự nghiệp, và cũng đối nghịch với cả tâm trạng chung của gần như toàn xã hội Đức - xã hội nung nấu chí phục thù dưới sự khắc nghiệt của các điều khoản dành cho một thất bại (thất bại ấy, rất nhiều tầng lớp trong xã hội Đức đổ tại giới chính khách ở Berlin "đâm sau lưng chiến sĩ", khi quân đội Đức vẫn còn tiềm lực khá hùng hậu).

Và rồi Adolf Hitler lên nắm quyền. Là một người gốc Do Thái, Fritz Haber bị chế độ mới tước đoạt mọi vinh quang, kể cả khi đã chấp nhận từ bỏ Do Thái giáo. Haber từ chức Viện trưởng Viện Kaiser Wilhelm - cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu nước Đức, chuyển đến Luân Đôn. Ông mất ở đó, ngày 29-1-1934, sau một cơn đau tim, tránh được việc chứng kiến Đệ nhị Thế chiến bắt đầu - cuộc chiến tàn khốc gấp bội so với Đệ nhất Thế chiến.

Ông gần như bị lãng quên trong dòng lịch sử nhân loại. Nhưng, bất cứ ai biết đến thân thế của Fritz Haber hẳn cũng đều tự vấn: Chúng ta cần phải yêu nước như thế nào?

* Phát minh của Fritz Haber, thuần túy về mặt khoa học, thực sự là một cột mốc đánh dấu phương pháp sản xuất vô số sản phẩm hóa học từ việc chiết xuất khí nitơ trong không khí, từ đó đóng vai trò nền tảng cho các ngành chế biến thuốc nổ, phân bón, nguyên liệu công nghiệp… mà không phải dùng đến quặng mỏ tự nhiên. Đơn cử, trước Haber, các nhà sản xuất phân bón phải nhập khẩu chất natri nitrat từ Chile, với chi phí khá lớn. Nhưng nhờ Haber, nhân loại có được phân bón giá rẻ. Vào thời điểm đầu thế kỷ XX, đó là một thành tựu to lớn đối với nhân loại.

* Thực tế, không phải Đức, quân đội Pháp mới là phía sử dụng hơi độc đầu tiên trong Đệ nhất Thế chiến. Ngay tháng 8-1914, họ đã phóng về phía nước Đức những quả lựu đạn nạp hơi cay. Nhưng, Haber thực sự là người đầu tiên nhận thức được giá trị chiến lược của thứ vũ khí giết người kinh khủng ấy, khi sử dụng với khối lượng lớn.

Phi Hồ
.
.