Friedrich II – Hoàng thượng "vô ưu"

Thứ Bảy, 12/12/2020, 12:00
"Sanssouci" là tên một cung điện mùa hè, nằm tại Postdam, gần Berlin. Trong tiếng Pháp, "sanssouci" có nghĩa là "thoát khỏi sự phiền muộn" (mà các học giả tiền bối dịch thoát sang Hán - Việt là "Vô Ưu").

Một cái tên "thoát tục", nhưng điều đáng chú ý ở đây là: Công trình này được xây dựng vào thế kỷ XVIII, bởi một đấng minh quân lẫy lừng, với những chiến công hiển hách đưa nước Phổ nhỏ bé trở thành một quyền lực thực thụ trên bản đồ cựu lục địa, và xác lập những đặc trưng truyền thống quân sự đầy tự hào kéo dài cho đến tận nước Đức hiện đại: Vua Friedrich II - Đại đế (1712-1786).

Kẻ kế vị phù phiếm

Friedrich sinh ra là để làm vua, đó là định mệnh của cậu bé. Ông nội cậu, vua Friedrich I, lấy chính tên mình đặt cho cậu, như gửi gắm những kỳ vọng lớn lao vào người sẽ kế vị ngôi vua nước Phổ (Prussia - Brandenburg). Trước đó, Friedrich I đã phải chứng kiến hai đứa cháu khác - hai người anh của Friedrich II - chết yểu, và ông có đầy đủ lý do để lo lắng cũng như hy vọng.

Con trai ông, tức là vua cha của Friedrich II - Friedrich Wilhem I - rất hiểu những kỳ vọng ấy. Chính Friedrich Wilhem I cũng mong muốn đứa con sẽ thừa kế ngai vàng của mình phải trở thành một bậc quân vương uy nghi đúng nghĩa. Và bởi vậy, ngay từ nhỏ, Friedrich II đã bị ép buộc phải đi ngược lại thiên hướng của mình, dưới sự áp đặt hà khắc của cha.

Với Friedrich Wilhem I, Thái tử của ông nhất thiết phải được giáo dục theo một chương trình thực dụng, gần gũi với dân chúng, và chương trình ấy cũng nhất thiết phải mang màu sắc tôn giáo (đạo Tin lành do Martin Luther và Jean Calvin khởi xướng, chứ không phải Thiên Chúa giáo La Mã của các Giáo hoàng Vatican).

Tuy vậy, vương tử Friedrich trẻ tuổi lại sớm thể hiện một khả năng xuất sắc về ngôn ngữ và văn chương. Sử dụng thành thạo cả tiếng Đức lẫn tiếng Pháp, cậu vùi đầu vào một thư viện riêng khoảng ba nghìn cuốn sách, bao gồm cả thơ phú, triết học Pháp, văn chương cổ điển Hy Lạp - La Mã. Chúng cuốn hút cậu hơn hẳn những môn học "chính khóa". Chúng đi ngược lại chỉ dụ của vua cha.

Cung điện "Vô ưu" - một nỗi niềm u uẩn.

Friedrich Wilhem I rất ghét con mình chú tâm vào văn chương. Ông e sợ một viễn cảnh mơ hồ, rằng cậu bé sẽ trở nên ủy mị và nhu nhược, và hời hợt trong việc trị quốc. Dĩ nhiên là ông có lý, khuynh hướng đắm đuối vào văn học nghệ thuật, đối với ngai vàng, có hại nhiều hơn có lợi. Những lĩnh vực ấy, đối với giới công hầu, chỉ nên xem là những món đồ trang sức. Quyền lực đích thực không thể đến từ điều gì khác, ngoài khả năng lãnh đạo và tài thao lược.

Chính vì thế, việc Friedrich II lén mua nhiều sách đến độ "mang công mắc nợ" làm vua cha vô cùng giận dữ. Thầy dạy tiếng Latin của cậu bé từng bị phạt đòn, và chính cậu bé cũng từng bị cấm túc, bởi "dám dạy nhau học tiếng của loài chim".

Sự xung khắc của người cha và đứa con trai đến tuổi trưởng thành luôn là điều quen thuộc ở bất cứ gia đình nào. Song, trong một hoàng gia, điều đó càng trở nên gay gắt, nhất là với những cá tính đối nghịch như cha con Friedrich.

Từ vị vương tử đam mê văn chương và nghệ thuật...

Lãng tử hồi đầu

Sau vài dự định hôn nhân chính trị bất thành, Friedrich Wilhem I muốn cầu hôn quận chúa Elisabeth Christien xứ Brunswick-Bevern (cháu gái của Nữ hoàng Áo Marie Theresia) cho con mình. Tuy vậy, Friedrich II nhất quyết phản đối. Có một câu nói từng được ghi lại: "Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận cưới con ngỗng cái ngu ngốc đó" - điều biểu thị ý thức cá nhân mạnh mẽ đến đâu, như một nghệ sĩ chân chính hay một lãng tử, và hoàn toàn thiếu sự tinh tế ngoại giao của một Thái tử kế vị.

18 tuổi, Friedrich II lập một kế hoạch bỏ trốn sang Vương quốc Anh, trong một khoảnh khắc chán ngấy những khuôn mẫu mà vua cha liên tục áp đặt lên mình, cùng sự căm ghét việc bị ép buộc từ bỏ thiên hướng của mình. Cùng một người bạn là trung úy Hans Hermann von Katte và một số sĩ quan trẻ khác, Friedrich II âm thầm dự định sẽ tẩu thoát khỏi cái lồng vương giả mang tên Hoàng gia Phổ, vào thời điểm tháng 8-1730.

Không may, kế hoạch bị tiết lộ và cáo giác bởi một kẻ đầu thú. Friedrich và Hans Hermann cùng lập tức bị tống giam, rồi đều bị Friedrich Wilhem I kết tội phản quốc. Vua cha giận dữ đến độ dọa sẽ tử hình cả Friedrich, nhưng sau đó thay đổi ý định, và chỉ tuyên bố truất quyền kế vị, buộc vương tử trẻ tuổi phải nhường vị trí cho em trai.

Tất cả đều hiểu rằng Friedrich Wilhem I đều chỉ "ra uy", chứ không nỡ bỏ con mình. Có điều, cũng chính bởi biết tâm lý ấy, vua cha càng thêm quyết liệt. Ông đi đến một quyết định, có lẽ chính là quyết định sẽ thay đổi định mệnh của con trai mình: Friedrich II phải tận mắt chứng kiến người bạn thân Hans Hermann bị xử trảm, và bị tống giam.

...đến một Friedrich Đại đế lẫy lừng.

Trong vài tháng đó, Friedrich Wilhem I gửi đến phòng giam con trai mình một sứ giả: một học giả có kiến thức uyên thâm về thuật trị quốc đến mỗi ngày, nói chuyện và khơi gợi những hoài bão của Friedrich trẻ tuổi. Chàng vương tử, dù cực kỳ đau đớn bởi cái chết bi thảm của người bạn, cũng dần dần hiểu được những vấn đề cốt lõi: Cuối cùng, dù thế nào, anh cũng không muốn để tuột ngôi Thái tử vào tay người khác; và để giữ được ngôi vị ấy cũng như để tránh được những viễn cảnh không có gì tốt đẹp, anh sẽ buộc phải thay đổi. Anh phải trở thành một bậc quân vương đúng nghĩa, với tất cả những năng lực cần thiết.

Cuối cùng, Friedrich II chấp nhận "xuống nước", viết một lá thư xin lỗi cha. Friedrich Wilhem I cũng không mong gì hơn. Ông đến ngục thăm con, và vương tử được đưa khỏi đó, ngày 18-11-1730. Tuy vậy, chàng không được phép về hoàng cung ở Berlin ngay. Chàng phải đi học các khóa "tu nghiệp để làm vua", ở Bộ Chiến tranh hay Bộ Quản lý đất đai… Đến tận năm 1732, Friedrich mới chính thức được phép trở về nơi chàng thuộc về. Và vị thái tử cũng… chấp nhận cưới Elisabeth Christine, dù không một chút tình yêu.

Nhờ sự khắc nghiệt của Friedrich Wilhem I, con trai ông cuối cùng cũng đã bằng lòng xếp lại những thiên hướng văn chương và nghệ thuật của mình, để từ đó, nước Phổ vươn dậy mạnh mẽ, tranh hùng ngang ngửa cùng các đại cường châu Âu, mở đường cho việc tái thống nhất nước Đức sau này. Cũng từ đó, những tính cách đặc trưng của người quân nhân nước Phổ: kỷ luật, khắc kỷ, trung thành, tận tụy… được khắc họa, khuếch trương và trở thành niềm tự hào truyền thống cho đến tận những trang chiến sử cận đại.

Friedrich II không còn thể hiện đam mê văn chương, cũng không còn muốn trở thành một quân vương - hiền triết. Ông chú tâm vào thanh gươm chinh phạt, nhằm thâu tóm hàng loạt lãnh thổ xung quanh, qua những chiến công vang dội suốt thời gian tại vị.

Nhưng đó là những câu chuyện sẽ được kể vào lần khác. Ở đây, cuối cùng, âm hưởng của cái tên "Sanssouci" vẫn vang lên như một câu hỏi miên man. Bậc minh quân phá lũy công thành, trị quốc bình thiên hạ ấy, trong sâu thẳm, phải chăng vẫn luôn giữ cho mình một góc riêng không ai xâm phạm được - cái góc thấm đẫm hương thơm của văn chương và tinh thần triết học cổ điển, thể hiện qua âm thanh du dương của tiếng Pháp, gợi nhớ lại thuở thiếu thời đầy lãng mạn và thanh thản vô tư?

* Friedrich Wilhem I đã từng chính tay phạt đòn Friedrich II, khi cậu vương tử trẻ tuổi không kìm được chính mình, đi xuống đường phố Postdam để thổi sáo hòa tấu với một cô bé chơi đàn dương cầm.

* Năm 1739, vẫn còn là Thái tử, Friedrich II hoàn tất tiểu luận "Antimachiavellismus" - "Chống chủ nghĩa Machiavelli". Trong đó, ông phản đối dữ dội nhà triết học người Ý Machiavelli - tác giả cuốn "Quân vương" nổi tiếng được xem là kinh điển của đạo trị quốc châu Âu thời điểm đó, với quan điểm "khi cần thiết, một nhà vua cần phải biết xảo trá và tàn bạo". Với Friedrich, điều đó chỉ làm suy giảm sự tôn nghiêm của quân vương. Ông chủ trương "cai trị quốc gia với sự công bằng, nhân từ, bác ái", và "nhà vua không phải là một đấng cầm quyền chuyên chế, mà là công bộc đầu tiên của Quốc gia". Tiểu luận này được chính triết gia Pháp Voltaire - người có quan hệ thân cận với Friedrich - đánh giá cao và quảng bá.  

Đông Quân
.
.