Đường trên cao: Cái gạch nối của không gian đô thị
1. Hà Nội hôm nay không như Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước. Thời ấy, người không đông, đường phố thoáng đãng hơn bởi giao thông chủ yếu là xe đạp, xe bus và tàu điện cổ lỗ có từ thời Pháp thuộc, với mấy tuyến ngắn như Bờ Hồ - Hà Đông, hay từ chợ Mơ lên Bờ Hồ rồi tiếp chợ Đồng Xuân qua Thụy Khuê đến Bưởi… Xe máy còn ít lắm, ô tô cá nhân thì tuyệt không có.
Khi ấy, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu người, với diện tích 2.136 km2, nhưng gần 50% dân số tập trung ở 4 quận nội thành. Hà Nội chỉ thực sự chuyển mình và thay da đổi thịt khi bước vào những năm 90 với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Hệ thống giao thông đô thị được cải thiện và xây dựng mới. Sự xuất hiện tuyến đường vành đai 1, vành đai 2 kéo theo đó là những dự án khu đô thị mới, đường phố mới với nhiều công trình cao tầng kiến trúc hiện đại được xây dựng.
Công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế đem đến cho đời sống Hà Nội một cuộc biến đổi thần kỳ. Những chiếc xe đạp cũ kỹ đủ loại của thời bao cấp lặng lẽ biến mất tự lúc nào, thay vào đó là vô vàn mô tô, xe máy và ô tô. Giao thông nội đô bắt đầu quá tải bởi diện tích đường tỷ lệ nghịch với sự phát triển ngày càng tăng của các phương tiện giao thông.
Tắc đường, kẹt xe, giao thông hỗn loạn và tai nạn đã trở thành nỗi lo thường nhật của cư dân Hà Nội. Đã hình thành cái gọi là “văn minh nhà ống và xe gắn máy” Hà Nội?!. Cuộc đại sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008 đã đưa Hà Nội trở thành một trong số 14 đô thị lớn nhất thế giới, với diện tích 3.344 km2, dân số ngót nghét 6,5 triệu người, nhưng cũng đặt ra cho các nhà kiến trúc quy hoạch và quản lý thành phố những thách thức to lớn về giao thông đô thị.
Và bây giờ người ta mới nhận ra rằng, Hà Nội thiếu quá nhiều thứ để trở thành một đô thị hiện đại, mà trong đó có hệ thống giao thông đa tầng như tàu điện ngầm MRT, đường sắt trên cao BST và đường bộ trên cao. Bước vào đầu thế kỷ XXI, sự phát triển rất nhanh của quá trình đô thị hóa và của đời sống xã hội đã bắt buộc các nhà quản lý Hà Nội phải đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống giao thông đô thị hiện đại bằng các nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách nhà nước và vay nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2011, Hà Nội đã có hơn 7.365 km đường giao thông, trong đó 20% là các tuyến đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến đường vành đai. Nhưng phương tiện giao thông cũng đã phát triển lên tới 4, 3 triệu các loại, mà trong đó xe máy chiếm gần 4 triệu.
Tuy nhiên, các tuyến đường trên cao, dưới lòng đất hình như vẫn có sự do dự, thiếu quyết đoán khi lựa chọn. Không biết đã có bao cuộc tranh luận giữa các nhà kiến trúc đô thị với quy hoạch giao thông về việc xây dựng hệ thống đường trên cao. Rất nhiều người lo sợ đường trên cao sẽ trở thành những con quái vật bằng bê tông phá hỏng cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường đô thị?!.
2.Trong khi đó, nhìn ra thế giới, các thành phố hiện đại ở Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… hệ thống đường trên cao nhiều tầng, đa chiều và đường sắt trên cao (BTS), tàu điện ngầm (MRT) đã được xây dựng từ vài chục năm nay. Ngay tại Thái Lan, một nước láng giềng với chúng ta, thủ đô Bangkok có diện tích 1.570 km2 (chỉ bằng nửa Hà Nội), dân số 6,5 triệu người, 6 triệu phương tiện giao thông (trong đó gần 60% là ô tô cá nhân), trước năm 1990 cũng nổi tiếng với nạn kẹt xe kinh hoàng.
Nhưng với quyết tâm của Chính phủ và tài năng quản trị của chính quyền thành phố, đến năm 2000, Bangkok đã xây dựng được một hệ thống đường bộ trên cao và 2 tuyến BTS nối trung tâm với ngoại vi thành phố, tạo thành các đường vành đai chung quanh Bangkok. Các tuyến đường trên cao này cùng với tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2004, đã tạo thành một hệ thống giao thông đa tầng tới các trung tâm hành chính và dịch vụ lớn nổi tiếng của Bangkok, như trung tâm thương mại Central MBK, Siam Paragon, Central Wold…
Và một điều đặc biệt là ở Bangkok, diện tích đất dành cho giao thông tuy chỉ bằng 5% đất đô thị, nhưng đường phố ở đây hoàn toàn dành cho hoạt động của các phương tiện giao thông, chứ không phải cho đậu xe và các hoạt động lấn chiếm khác như ở Hà Nội và các đô thị của Việt Nam.
Người ta xây dựng nhiều bãi đỗ xe trên và dưới lòng đất ở nơi gần lối lên xuống ga đầu tiên của tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, hay dưới tầng hầm các cao ốc hoặc các garage nổi nhiều tầng.
Một số tuyến đường trên cao ở Bangkok còn chạy nối các tòa nhà cao tầng, trở thành nơi đi bộ, mua sắm, không gian công cộng, nghỉ ngơi với các cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, làm đẹp, Café, quán ăn… hấp dẫn và thú vị.
Phối cảnh trên cao Vĩnh Tuy- Ngã Tư Sở. |
3. Với Hà Nội, việc xây dựng hệ thống đường tàu điện ngầm và các công trình dưới lòng đất còn nhiều hạn chế bởi cấu trúc địa tầng và xử lý tiêu thoát nước phức tạp. Vì thế, để giải quyết bài toán về giao thông đô thị bền vững, thì phát triển đường trên cao, đường sắt trên cao là rất cần thiết.
Chúng ta đã quá chậm khi mà đến hôm nay, mới chỉ có một tuyến đường trên cao ở vành đai 3, dài 9 km, từ Mai Dịch qua khu đô thị Bắc Linh Đàm được đưa vào sử dụng, giải quyết xung đột giao thông tại các nút Nguyễn Trãi - Thanh Xuân và Trung Hòa - Trần Duy Hưng, cũng như làm giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường Nguyễn Trãi, Quốc lộ 70, đường Nguyễn Chí Thanh… còn các dự án đường sắt đô thị cũng chỉ mới nằm trong kế hoạch sẽ thực hiện của đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như tuyến Nhổn - đến ga Hà Nội; tuyến Cát Linh - Hà Đông; tuyến Nam Thăng Long - Tây Hà Nội; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được triển khai xây dựng với những hàng cột bê tông đầu tiên và theo tiến độ thì đến giữa năm 2015 sẽ hoàn thành.
Vừa mới đây, ngày 27/8, UBND TP Hà Nội đã quyết định xây dựng tuyến đường trên cao dọc theo dải phân cách đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT, mà Tập đoàn Vingroup là đối tác thực hiện. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc Hà Nội thực hiện dự án nói trên. Tuyến đường trên cao này dài hơn 5 km, với số vốn dự kiến đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng (trong đó 3.300 tỷ là chi phí thực hiện dự án, 1.400 tỷ là dự phòng phí) được huy động từ nhà đầu tư.
Đổi lại, Hà Nội cho phép Vingroup được khai thác 96 ha đất tại khu vực Sài Đồng A, quận Long Biên để nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị mới cùng một số lô đất khác có quy mô 130 ha để thực hiện dự án nhằm thu hồi vốn. Theo kế hoạch của thành phố, thời gian thực hiện dự án là 48 tháng, kể từ khi bàn giao mặt bằng sạch dự kiến vào năm 2014.
Việc xây dựng tuyến đường này là rất cần thiết và lẽ ra phải được thực hiện từ cách đây 3 năm, khi cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, bằng quyết định của mình, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quyết tâm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên tuyến vành đai 2, nhằm nâng cao năng lực giao thông của tuyến đường này, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong khu vực và giải quyết nạn ách tắc giao thông đang diễn ra ngày càng phức tạp tại đây.
Triển khai dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao khi mà các dự án khu đô thị trên tuyến vành đai 2 đưa vào sử dụng như Times City và Royal City với quần thể trung tâm thương mại và vui chơi giải trí dưới lòng đất lớn nhất châu Á, mà còn là cú hích cho sự hình thành các dự án kiến trúc lớn ven đường vành đai 2.
Vingroup là Tập đoàn kinh tế có tiềm năng, nổi tiếng qua việc thực hiện nhiều dự án bất động sản, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí lớn có đẳng cấp khu vực và trên thế giới… với chất lượng cao và thời gian thi công ngắn nhất. Lựa chọn Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, Hà Nội đã tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” trong tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay.
Dự án đường trên cao Nam cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở mở ra một hướng xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện các công trình giao thông, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Dự án hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường vành đai 2 tại ba vị trí là đầu cầu Vĩnh Tuy với các điểm tách nhập dòng xe; nút giao Ngã Tư Vọng kết nối với đường bên dưới bằng 4 nhánh cầu dẫn hai bên cầu chính vượt qua cầu Vọng hiện tại và tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi; nút giao Ngã Tư Sở kết nối với tuyến đường phía dưới bằng hai nhánh cầu lên xuống hai bên cầu chính, vượt qua nút Ngã Tư Sở chuẩn bị kết nối với tuyến đường trên cao chạy tiếp đến Cầu Giấy sẽ xây dựng trong tương lai.
Hà Nội đã và đang đổi thay! Và những dự án giao thông đa chiều, như tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… sẽ góp phần làm nên sự đổi thay đó