Dấu hỏi "thị lực mù"!?

Thứ Ba, 18/08/2020, 08:11
Vài năm trước, chàng trai Barry bất ngờ gặp phải hai cơn đột quỵ liên tiếp, và rơi vào trạng thái mù hoàn toàn. Cuộc đời Barry từ đây phải gắn với cây gậy để anh có thể tự tìm đường. Tuy nhiên, trường hợp Barry lại khiến giới nghiên cứu vô cùng kinh ngạc.

Trong một số thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện Barry, bằng cách nào đó chưa thể lý giải, có thể điều hướng trong không gian, vượt qua được các chướng ngại vật một cách an toàn mà không cần tới sự hỗ trợ của gậy. Sự kiện này đặt ra nghi vấn quan trọng của hành trình nghiên cứu não bộ loài người: liệu có thực sự tồn tại “thị lực mù”, và mối quan hệ của hiện tượng này với sự phát triển ý thức con người sâu rộng đến mức nào?

Không thể nhìn

Trên thế giới đã chứng kiến một vài trường hợp khiếm thị có thể “cảm” sự vật, nhưng không thông qua đôi mắt bình thường mà từ một giác quan nào đó ẩn sâu trong tiềm thức. Hiện tượng này được giới y học gọi là thị lực mù, chưa rõ nguồn gốc phát sinh nhưng hứa hẹn trở thành tiền đề mở ra cơ hội tìm hiểu nguồn gốc, sự biến đổi ý thức theo thời gian, cùng với những tranh cãi chưa có hồi kết về tâm trí con người. 

Trên thực tế, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về trạng thái ý thức mong manh này, trong khi sự hoài nghi vẫn còn đó. Hiện nay, giới khoa học buộc phải miễn cưỡng thừa nhận sự tồn tại cũng như chấp nhận kết quả của hàng tá thử nghiệm kì lạ liên quan đến thị lực mù.

Thị lực mù sẽ cung cấp manh mối cho các nghiên cứu chuyên sâu về ý thức của con người.

Trong hầu hết các nghiên cứu, tình nguyện viên hoàn toàn không thể nhìn thấy vật thể bằng mắt thường, nhưng luôn vượt qua từng thử nghiệm một cách xuất sắc. Nếu như Barry có thể đi xuống cầu thang mà vẫn bình an vô sự, thì trường hợp đoán đúng tới 90% tên vật thể trên màn hình máy tính từ nhiều sự lựa chọn cho trước, hay nói tên chính xác (chứ không phải ngẫu nhiên) những đồ vật mà người này không nhìn thấy, trong bối cảnh không thể nhận biết được chữ cái hay màu sắc trước mặt mình, càng trở nên bí ẩn. 

Điểm chung của những trường hợp này đều xuất hiện tổn thương nghiêm trọng ở vùng vỏ não thị giác sơ cấp (thuộc thuỳ chẩm) - nhận biết về độ tương phản, màu và chiều sâu, hay thứ cấp (nằm ở phía trên, trước và dưới vùng thị giác sơ cấp) - làm nhiệm vụ phân tích ý nghĩa của cảm giác thị giác.

Suy đoán được đưa ra là: tồn tại một dạng thị lực khác thường, hỗ trợ thị lực “chính” đã mất do tổn thương não, từ đó điều khiển mọi hành vi của người khiếm thị trong trạng thái hoàn toàn không ý thức được. 

Đôi mắt của những tình nguyện viên sở hữu “thị lực mù” vẫn khoẻ mạnh, cho dù không nhìn thấy được thế giới xung quanh. Đôi mắt tưởng như đã hỏng này vẫn đang thu thập thông tin hình ảnh từ bên ngoài, liên tiếp truyền tải tín hiệu thông tin một cách vô thức vào não để duy trì cơ chế “tái tạo hình ảnh” bí mật nào đó giúp người phát triển cảm giác về không gian. Vùng vỏ não thị giác không thể tiếp nhận tín hiệu do tổn thương, nên nhường lại việc này cho các khu vực lành lặn khác liên quan đến điều khiển hoạt động thị giác để xử lý thông tin, giúp người “thị lực mù” thực hiện được một số thao tác trong các thử nghiệm nêu trên, dù họ không hề biết và vẫn nghĩ mình bị mù.

Những suy nghĩ mông lung

Tranh luận chưa có hồi kết, khi giới triết gia và tâm lý học tin rằng dù hoàn toàn khiếm thị nhưng con người vẫn có thể dựa vào các giác quan còn lại để “lờ mờ” đánh giá và cảm nhận không gian xung quanh họ. Số khác phản biện gay gắt, bày tỏ nghi vấn xung quanh những cảm giác “mơ hồ, khó diễn tả” của các nhân chứng thị lực mù. 

Xuất hiện một vài lý giải về thị lực mù, dựa trên suy đoán về một dạng thị lực bất thường. Theo đó, khi lối đi “chính” của hình ảnh tới vùng vỏ não thị giác đã không còn thì não bộ sẽ ra tín hiệu mở... lối phụ, tạo nên các con đường thay thế. Luồng thông tin, vì thế, có thể được phân tích ở những vùng khác của não, từ đó vẫn giúp người mù có cảm giác về thế giới xung quanh. Tuy vậy, ngay cả giới khoa học cũng không dám chắc về những luận điểm này.

Các trường hợp trải nghiệm thị lực mù đều có những tổn thương nghiêm trọng ở vùng vỏ não thị giác.

Quả thực, rất khó để xác định chính xác liệu một cá nhân có thực sự nhận thức được về sự vật xung quanh hay không, chưa tính đến chuyện thị lực của họ còn vẹn nguyên hay bị thương tổn. Trên thực tế, không tồn tại bất cứ bài kiểm tra nào về hình dạng của ý thức. Chuyện đặt một siêu máy tính bên cạnh đầu của một cá nhân với tham vọng phân tích sóng não để xác nhận hình dạng của ý thức nghe thật hoang đường. Một số quan điểm gợi ý hỏi những tình nguyện viên sở hữu thị lực mù, nhưng không tính đến sự phức tạp cũng như yếu tố chủ quan trong từng câu chuyện của họ. 

Ngay cả những bằng chứng về khả năng “cảm” vật của người khiếm thị phơi bày những yếu tố dị thường như cảm giác châm chích ở mắt, khoảng không tăm tối xuất hiện đột ngột, hay tiếng nói từ... tiềm thức.

Rõ ràng, trải nghiệm thị lực mù cho thấy tầm hiểu biết còn hạn chế của con người đối với bộ não. Nhiều chuyên gia miêu tả hiện tượng này giống như nghệ sĩ ẩn mình, dẫn dắt người khiếm thị trong không gian, từ đó dần dần hé lộ thêm các bằng chứng khác về năng lực của tâm trí vô thức. 

Đối với ngay cả người bình thường, với đôi mắt lành lặn và một vùng vỏ não thị giác khoẻ mạnh, thị lực mù cũng có thể diễn ra, hoàn toàn ngẫu hứng nhưng lại rất chuẩn xác. Đó là khi bất chợt bị thu hút bởi những bức họa sặc sỡ, hiện lên trong đầu chân dung những nhan sắc không thể không ngắm nhìn, hay tự nhiên đưa ra vài lời bình luận về màu sắc của một đồ vật. Thật thú vị, bởi lẽ tâm trí con người hoàn toàn không hề nhận biết trước tất cả những phán đoán kiểu này, mà chỉ hành động hoàn toàn vô ý thức, có lẽ dựa theo... cảm tính.

Hiện tượng thị lực mù đã cho thấy ranh giới mơ hồ giữa “nhìn” (bằng mắt thường) và “hiểu” (thông qua ý thức). Các khái niệm xưa nay về ý thức hay tri giác giờ đây liệu có còn đúng, khi bản chất của chúng là phải được nhìn nhận với đôi mắt lành lặn, phân tích trên não bộ còn nguyên vẹn và rồi phát triển thành nhận thức theo ý hiểu của từng cá nhân, trong khi thị lực mù đã triệt tiêu sự nhìn, mà dựa trên một cơ chế bí ẩn nào đó để sinh ra nhận thức. Bởi vậy, thị lực mù liệu có phản ánh một dạng ý thức hoàn toàn mới mà con người chưa thể giải mã? Nhiều chuyên gia tin rằng, việc hiểu cơ chế của thị lực mù phụ thuộc rất nhiều vào phân tích cấu tạo và hoạt động các vùng khác nhau trên não bộ.

Nếu khoa học tìm thấy những bằng chứng thuyết phục nhất và giải thích rõ ràng cơ chế của thị lực mù, thừa nhận đây là khả năng vốn có của con người, thì phải chăng đã đến thời điểm xác nhận sự tồn tại của... siêu nhân? 

Nhiều yếu tố dị thường xuất hiện như khoảng không tăm tối xuất hiện đột ngột, hay tiếng nói từ... tiềm thức.

Giả thuyết thú vị xuất hiện, khi những người khiếm thị có khả năng nhận ra sự tồn tại của vật chất, và biết cách điều hướng trong không gian sẽ sở hữu một dạng nhận thức đặc biệt, được phát triển theo cơ chế khác lạ ở não bộ. Các nghiên cứu khi ấy sẽ đi sâu vào nguồn gốc khởi phát, cũng như thời điểm triệt tiêu của nhận thức dạng “thị lực mù”, đồng thời hé lộ vai trò thực sự của vùng vỏ não thị giác bị tổn thương trong hành trình xử lý thông tin để tạo ra nhận thức.

Đối với sinh lý thần kinh, nghiên cứu thị lực mù nhiều khả năng đưa ra ánh sáng “góc khuất” chưa từng thấy của não bộ, đi sâu kiếm tìm cái nhìn bao quát hơn cho những chức năng khác vốn dĩ luôn im lặng và khó quan sát của não. Bên cạnh đó, thị lực mù là hiện tượng thú vị, cho phép nghiên cứu mở rộng về mối liên hệ tinh vi giữa các giác quan con người, bên cạnh những khoảng tối mơ hồ về khả năng đặc biệt xuất hiện trong hoạt động thần kinh ở một số bệnh nhân gặp tổn thương não. 

Quan trọng hơn, thị lực mù sẽ cung cấp manh mối cho hoạt động tìm hiểu ý thức, trong bối cảnh xuất hiện sự tồn tại song song của nhận thức thị giác có ý thức và vô thức, từ đó giúp tìm thấy hướng đi mới trong hành trình giải mã bí ẩn phức tạp của tâm trí loài người...

Lê Nam
.
.