Cười như nghê, sức sống như nghê

Thứ Ba, 06/11/2018, 10:18
Tại đền thờ vua Đinh, vị vua khởi phát nền quân chủ Việt Nam, đồ án mỹ thuật tứ quý: Long – Lân – Quy – Phượng đã được thay bằng Long – Nghê – Quy – Phượng. 

Tại sao "Lân" lại được thay bằng "Nghê"? Và có phải từ xa xưa người Việt đã gửi gắm vào hình tượng Nghê tinh thần tự chủ, sáng tạo văn hóa trong sự đối sánh với những nền văn hóa vĩ đại trong khu vực? 

Vài chục năm trở lại đây, sư tử - kỳ lân – tỳ hưu...  cùng nhiều sinh vật có nguồn gốc nước ngoài khác đã đẩy lùi Nghê và nhiều linh vật Việt vào hậu trường văn hóa. Nhưng đã đến lúc phải lật giở và truy nguyên những khuất lấp hậu trường này.

Náo nức các mảng chạm khắc

Văn hóa phương Đông có vô vàn linh vật. Mỗi linh vật đại diện cho một mơ ước, một khát vọng, một biểu hiện văn hóa. Trong đó có một linh vật dường như được lớp lớp các thế hệ người Việt gửi gắm linh hồn, tâm tình, ẩn ức, khát vọng của mình. Đó là con Nghê. Nhiều người nhận xét, cứ nhìn vào con Nghê là thấy hình ảnh người dân Việt. 

Có thể tìm thấy Nghê ở những nơi cao sang quyền quý nhất như hoàng cung, những nơi linh thiêng nhất như đền miếu, những nơi dân dã nhất như cổng nhà. Đồ án Nghê thể hiện sự sáng tạo cao nhất với sự đa dạng về hình dáng, thần thái, chất liệu, kích thước, thủ pháp.

Vậy Nghê có chức năng gì trong văn hóa Việt? Nhiều lắm. Nghê đứng chầu thể hiện sư uy nghiêm, phân minh phán xét; Nghê hóa rồng biểu tượng cho quyền lực chính trực; Nghê làm cột đèn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ; Nghê ngậm ngọc biểu hiện sự khôn ngoan; Nghê mình chó tượng trưng lòng trung thành; ... Nghê là linh vật được người Việt nhân cách hóa mạnh mẽ nhất. 

Bởi vậy, nhìn thấy Nghê lúc thì nghiêm nghị - trang nghiêm; khi lại tinh nghịch, mắt nheo nheo như đang gửi gắm điều gì bông đùa lắm. 

Không có một linh vật nào có được đủ cảm xúc hỷ nộ ái ố sinh động như Nghê, đến mức mà nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã phải thốt lên: Cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên có vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm đền miếu.

Vậy tại sao người Việt lại yêu quý Nghê đến vậy? Người Việt ngưỡng vọng rồng, một linh vật vừa tượng trưng cho mưa thuận gió hòa – khát vọng của một quốc gia nông nghiệp; vừa tượng trưng cho vương quyền – hình ảnh của triều đình phong kiến. 

Nhưng rồng xa vời khó với. Rùa trường thọ nhưng buồn bã cam chịu. Phượng đẹp đấy nhưng mềm yếu phụ nữ. Lân thì xa lạ, đậm đặc yếu tố Trung Hoa. 

Chỉ còn Nghê là sự pha trộn của những linh thú mà người Việt yêu mến. Quyền lực của sư tử. Sức mạnh của chim ưng, linh thiêng của rồng, trung thành của chó, mềm dẻo của rắn, ý chí vượt vũ môn của cá chép, dẻo dai của dê,... Nghê nhỏ bé khiêm nhường, thường chọn nằm lẩn khuất đâu đó trong những bức chạm. 

Tượng Nghê cũng thường bé nhỏ, không phô trương, hoan hỉ chào đón chứ không dữ tợn hăm dọa như tượng sư tử đá. Có lẽ bởi vậy mà Nghê hòa hợp với tâm thức của người Việt, để rồi trở thành nơi gửi gắm tâm hồn và khát vọng cho nhiều thế hệ người dân Việt.

Những bảo vật quốc gia

Một nghiên cứu mới nhất của học giả Kiều Quang Chẩn trong ấn phẩm Vang vọng từ trống Đông Sơn đã giới thiệu hình Nghê chân đèn. 

Như vậy, lịch sử Nghê trong nền điêu khắc Việt Nam lên đến vài nghìn năm. Tuy nhiên, phải cho đến khi đất nước giành được quyền độc lập tự chủ, nền quân chủ phong kiến đầu tiên được thành lập dưới thời Đinh Tiên Hoàng Đế thì những dấu ấn của Nghê mới bắt đầu rõ nét trong đồ án trang trí. Nhiều tác phẩm đã đạt đến trình độ mẫu mực về thẩm mỹ, đặc biệt vào thời Hậu Lê.

Thế kỷ 19 – Đình Cung Chúc – Hải Phòng.

Nghê tượng trưng cho ánh sáng và trí tuệ. Bởi vậy, hình tượng Nghê cõng chân đèn được tìm thấy rất nhiều. Cây đèn gốm thế kỷ 17 thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nam Định đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Chiếc đèn có tạo hình một con Nghê đang nằm chầu phục. Đám nghê con vui đùa leo trèo khắp nơi gợi cảm giác đầm ấm của một gia đình.

Long Đình, một hiện vật của Bảo tàng Hà Nội, được làm bằng gốm từ thế kỷ 17 cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Trên chiếc long đình có thể tìm thấy rất nhiều tạo hình nghê chầu.

Đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư có đôi nghê chầu bằng đá mà các nhà nghiên cứu xem như mẫu mực của tượng nghê ở Việt Nam. Đôi nghê một đực một cái, vừa nghiêm trang vừa hiền từ, được tổng hợp từ rất nhiều hình tượng thiêng như rồng, mây, chim ưng, cá chép, chó. Đặc biệt cách tạo tác ngũ quan và thần thái rất giống con người.

Có một không gian văn hóa mà nếu không có Nghê có lẽ không gian đó sẽ thiếu đầy đủ - đó là đình làng. Không ở đâu mà hình tượng Nghê đa dạng, phong phú, náo nức, hóm hỉnh, đầy sức sống như trên những mảng chạm khắc đình làng, từ vì kèo mái đình vào đến tận chốn hậu cung. Đó chính là những bảo vật vô giá kể lại cho hậu thế những suy tư của cha ông. 

Cuộc sống Nghê trên những mảng chạm khắc vừa chính là cuộc sống người dân, vừa là những mơ ước và khát vọng đẹp. Nào là người xích nghê, người cưỡi nghê, điều voi đấu nghê, nghê “khoe hàng”, tiên cưỡi Nghê. 

Ở đình Phù Lão có hình tượng thiếu nữ ngủ trên râu rồng, một gã trai đang ngắm nhìn trộm và con Nghê toét miệng cười. Gã trai thì như đang ra dấu cho Nghê im lặng. Đời đến thế là cùng! Hóm hỉnh đến thế những người nghệ nhân Việt!

Bảo vật quốc gia Nghê cõng chân đèn. Gốm thế kỷ 17.

Có xứng đáng trở thành linh vật tiêu biểu của quốc gia?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ có đặt một vấn đề rất thú vị: Tại sao chỉ nói cười như Nghê mà không nói cười như rồng hay như phượng? Có lẽ bởi chỉ có Nghê mới được nhân cách hóa gần với con người nhất.

Nghê cười đủ kiểu, mỉm cười khúc khích có, toe toét có, hô hố có, ngặt ngẽo hả hê có, sằng sặc cũng có. Cha ông chúng ta đó. Những điệu cười như vậy là cách bao thế hệ đối diện với cuộc đời khi vui lúc buồn.

Việt Nam là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn, đó là cơ may để Nghê trở thành một lựa chọn sáng tạo văn hóa rất thành công trong nền nghệ thuật cổ truyền.

Vô tình hay hữu ý, Nghê được trao sứ mệnh không phải là sư tử, cũng chẳng phải kỳ lân, mà trở thành một biểu tượng linh vật thuần Việt trong sức ép đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Nhỏ bé nhưng lại có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống văn hóa biểu tượng. 

Thậm chí ngay tại đền vua Đinh, Nghê đã thay thế Lân để đứng vào hàng tứ linh. Nghê đã trở thành biểu tượng cho tư duy độc lập, tự chủ của văn hóa Việt.

“Nghê khoe hàng” – Chạm khắc đình làng.

Thời gian vài chục năm trở lại đây, sư tử - kỳ lân – tỳ hưu... nhiều sinh vật có nguồn gốc nước ngoài đã đẩy lùi Nghê và nhiều linh vật Việt vào hậu trường văn hóa. Vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa mới bắt đầu quan tâm lại đến Nghê và linh vật Việt. 

Càng hòa nhập, thế giới càng phẳng thì mới càng thấy bản sắc văn hóa dân tộc thực sự là một tấm hộ chiếu, càng dày dặn, riêng biệt thì càng giá trị. Nghê đang dần trở lại những vị trí vốn có, bởi không có linh vật Việt nào mang đủ chiều kích văn hóa hòa hợp với tinh thần người Việt như Nghê; không có linh vật Việt nào có trong mình một lịch sử sáng tạo nghệ thuật tạo hình đa dạng, đặc sắc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật như Nghê.

Chúng ta đã từng chọn Trâu Vàng là linh vật của SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Và không có lý do gì mà không cân nhắc Nghê trở thành một trong những ứng cử viên nặng ký làm linh vật tiêu biểu cho người Việt. Bởi Nghê chính là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của người Việt suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Trương Nghê
.
.