Công nghệ 4.0 và giấc mơ trường sinh: Thách thức quy luật "sinh, lão, bệnh, tử"

Thứ Năm, 27/09/2018, 15:54
Từ lâu, câu chuyện bất tử đã khiến cả thế giới quan tâm, và trở thành nỗi khao khát của nhiều thế hệ. 

Trong kỉ nguyên công nghệ 4.0 này, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực khoa học đang mở ra cơ hội giúp con người tiến gần hơn tới giấc mơ kéo dài sự sống. Theo đó, công nghệ gen có thể được dùng để tăng cường tuổi thọ của con người bằng cách giảm thiểu và đảo ngược sự lão hóa của tế bào. 

Bên cạnh đó, những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) có thể robot hóa cơ thể, giúp con người  sống tiếp sau khi xương thịt “hết hạn sử dụng”. Thậm chí, thế giới thực tế ảo có thể được tạo ra để con người lưu trữ ý thức của mình một khi cơ thể đã... đi sang thế giới bên kia.

Đảo ngược sự lão hóa tế bào

Lão hóa có thể được định nghĩa đơn giản là sự suy giảm chức năng của cơ thể theo thời gian dẫn đến cái chết. Một trong những giả thuyết lớn nhất hiện nay chỉ ra lão hóa thực chất là sự tích tụ của các tế bào già trong từng mô và cơ quan. 

Chúng không chỉ trở nên vô dụng, mà còn gây hại bằng cách làm tổn thương chức năng của các tế bào xung quanh. Trước đây, thử nghiệm trên động vật đã chứng minh loại bỏ những tế bào già khỏi cơ thể chuột có thể tạo hiệu ứng trẻ hóa. 

Các nhà khoa học cho rằng các tế bào già đi khi gen mất khả năng “bật/tắt” các chức năng đúng thời điểm mà cơ thể cần. Vì vậy, làm việc với các tế bào là một con đường để giải nhiều bài toán liên quan đến lão hóa.

Giữa tháng 8-2018, một nghiên cứu mới của Đại học Exeter (Anh) tuyên bố đã thử nghiệm đảo ngược lão hóa thành công khi xử lý các tế bào già với một hóa chất giải phóng một lượng nhỏ Hydro sulfua (H2S) - một phân tử tự nhiên trong cơ thể, đã được chứng minh giúp cải thiện một số bệnh liên quan đến lão hóa ở động vật. 

Theo giới khoa học, có thể đạt được sự bất tử nhờ đảo ngược sự lão hóa tế bào.

Họ sử dụng một mã phân tử để định hướng H2S, chỉ phân phối chúng tới ti thể - cơ quan sản sinh năng lượng trong tế bào, nơi tạo ra phản ứng trẻ hóa. Nhờ vậy, H2S được sử dụng ở liều thấp hơn và ít có khả năng gây tác dụng phụ. 

Các kết quả bước đầu cho thấy, tế bào có thể tăng được nồng độ của một số yếu tố ghép nối, và từ đó trẻ hóa và giữ được nhiều chức năng hơn. Đây là một khởi đầu thú vị cho những loại thuốc có khả năng “cải lão hoàn đồng” trong tương lai.

Trong khi đó, một số nghiên cứu khẳng định chìa khóa của việc đảo ngược lão hóa là Telomere - các đoạn ADN ngắn được tìm thấy ở các đầu của mỗi nhiễm sắc thể, giống như “đồng hồ” của sự lão hóa tự nhiên. 

Theo thời gian, số lượng các Telomere giảm đi báo hiệu cho cơ thể về giai đoạn lão hóa. Cơ thể phản ứng lại bằng cách làm cho các tế bào bị lão hóa và dần biến mất, nhiều hơn so với số lượng tế bào mới được sinh ra, khiến cơ thể già đi và dẫn đến cái chết.

Dựa trên lý thuyết này, Công ty Bioviva USA đã và đang thử nghiệm phương pháp chỉnh sửa gen nhằm “đánh lừa” cơ thể, với hi vọng có thể đảo ngược quá trình suy giảm Telomere khoảng 20 năm. Tuy nhiên để phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi còn một chặng đường rất dài phía trước.

Bất tử nhờ AI

Ông Alex Zhavoronkov, Giám đốc của Viện nghiên cứu lão hóa quốc tế (IARP) và Quỹ Nghiên cứu về sinh lão học tại Anh, nhấn mạnh rằng ông và đồng nghiệp đang theo đuổi dự án tạo ra thuật toán OncoFinder nhằm chiến đấu với tuổi tác. 

Theo đó, OncoFinder giúp phân tích các lối đi của phân tử mà liên kết với sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư và tuổi tác. Bên cạnh đó, ông muốn xây dựng một hệ thống toàn diện nhằm mô hình hóa và giám sát trạng thái sức khỏe của con người, giúp nhanh chóng chỉnh lại bất cứ lệch lạc nào đến từ trạng thái sức khỏe lý tưởng hay các liệu pháp can thiệp.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của AI trong nghiên cứu sự bất tử là ứng dụng mạng lưới thần kinh sâu (DNN) trong việc dự đoán tuổi của con người. Đây được coi là giải pháp rất mới lạ và sẽ là tiền đề cho những đột phá trong tương lai.

Zhavoronkov cũng giải thích về tầm quan trọng của AI trong việc tạo nên nhiều hướng đi khác nhau cũng như thúc đẩy quá trình phát triển thuốc chống tuổi già và bệnh lão hóa. 

Kể từ khi phân loại việc lão hóa như là một chứng bệnh, rất nhiều các thuật toán đã được sử dụng để phát triển các dấu ấn sinh học và thuốc nhằm ngăn ngừa và thậm chí còn phục hồi hoàn toàn các tổn thương do lão hóa gây ra.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học Thụy Điển cũng tin rằng trong thời gian tới con người có thể tạo nên cuộc sống bất tử bằng AI. Họ đang thử nghiệm tạo ra các bản sao chép số các tập tin trí nhớ của những người chết, cho phép giao tiếp giữa người chết và người sống bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo của robot. 

Theo đó, có thể tạo ra một robot bản sao chính xác của một người đã chết nếu tính cách của họ đã được tải về máy tính như một hình đại diện (avatar). Các avatar này sẽ chứa đựng các ký ức và tính cách, sở thích, tư duy ngôn ngữ giúp giao tiếp với những người thân như thể họ còn sống trước đây một cách khá chân thực.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của AI trong nghiên cứu sự bất tử là ứng dụng mạng lưới thần kinh sâu (DNN) trong việc dự đoán tuổi của con người.

Sống trong thế giới ảo

Ý tưởng được đưa ra là con người có thể kết nối trí óc và lưu trữ tâm trí trên máy móc. Điều này có nghĩa kể cả khi cơ thể ban đầu chết đi, con người vẫn có thể sử dụng tâm trí được lưu trữ trên máy tính và tiếp tục sống bằng cách sử dụng các cơ thể robot có tính thực tế cao. Khi ấy, con người có thể dành phần lớn thời gian của mình trong thế giới ảo, ở bất cứ đâu và trên bất kỳ máy tính nào. 

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân có thể liên kết tâm trí của mình với hàng triệu tâm trí khác và có trí thông minh không giới hạn. Dựa trên ý tưởng này, dự án Nectome (Mỹ) đang có ý tưởng lưu trữ não bộ người lên máy tính, hay “ướp” não con người rồi chuyển các kết nối thần kinh thành mã code.

Kỹ thuật bảo quản của Nectome được gọi là “ướp và thủy tinh hóa” giúp khắc phục tình trạng tế bào thần kinh não bị chết dần sau khi một người chết được 5 phút. Theo đánh giá, kỹ thuật của Nectome giúp bộ não tồn tại nguyên vẹn được sau hàng trăm năm. 

Để làm được điều này, Nectome có một công thức đặc biệt và khi đã có mã code, não bộ của người sẽ được chuyển lên một hệ thống máy tính riêng sau khi qua đời. Tuy nhiên, kỹ thuật “ướp” não của Nectome mới chỉ thực hiện được trên người sống, những bệnh nhân mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối đời. 

Sau khi một người chết, Nectome chỉ có 5 phút để đóng băng não của họ. Đó là thời gian quá ngắn để kịp “thủy tinh hóa” não bộ. Câu hỏi đặt ra là, liệu bộ não được đóng băng này có thể hoạt động lại và có ý thức không?

Ẩn chứa rủi ro

Không thể phủ nhận rằng, các nhà khoa học vẫn miệt mài nghiên cứu về phương pháp giúp con người trẻ mãi không già. Năm 2017, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học New South Wales (Astralia) đã phát triển một loại thuốc đặc biệt có thể sửa chữa ADN bị hư hại và đảo ngược quá trình lão hóa. 

Trong các thử nghiệm trên chuột, loại thuốc này đã có thể trực tiếp sửa lại các đoạn ADN bị tổn thương, kể cả do phóng xạ hay từ quá trình lão hóa. Cho dù đây là những bước tiến quan trọng về mặt công nghệ, nhưng nó vẫn gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức, tâm lý hay xã hội. 

Đó có thể là sự phân rã toàn cầu khi cái chết - một thành tố thiết yếu của mọi hệ sinh thái lành mạnh - không còn nữa. Lúc đó, trái đất không còn đủ chỗ “che chở” cũng như đủ sức để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của con người, tạo thêm gánh nặng cho thế hệ sau. 

Tiếp đó, nếu chuyện bất tử khả thi, chuỗi ký ức bị biến thành một mớ hỗn độn phức tạp, và con người sẽ không thể phân biệt những ký ức không đáng chú ý được tạo ra cách đây 10.000 năm so với những kỷ niệm từ 9.000 năm trước.

Chưa hết, dù có được cuộc sống vĩnh cửu, con người cũng không thể tránh khỏi tình trạng sa sút trí tuệ, bởi một cơ quan phức tạp như não bộ vốn không được thiết kế để tồn tại vĩnh cửu. Khi đó cảm xúc, trí nhớ và sự kiểm soát bản thân dần xói mòn theo thời gian và con người có thể trở thành tù nhân trong tâm trí của chính mình. 

Cho dù có thể lưu trữ tâm trí trên máy tính, thế nhưng câu hỏi hóc búa là làm sao có thể giải quyết tranh chấp về bản quyền trên suy nghĩ và ký ức của một người đã chết? 

Trên thực tế, ý niệm về cái chết vốn kích thích con người sớm hiện thực hóa ước mơ của riêng mình vì chỉ sống có một lần trên đời. Nếu tất cả đều bất tử thì có lẽ những trải nghiệm trong cuộc sống sẽ mất đi giá trị và con người sẽ chẳng còn thiết tha với điều gì nữa...

Lê Nam
.
.