Có một ông vua rời ngai vàng làm cướp biển

Thứ Sáu, 25/09/2020, 15:36
Ngày bị gian thần phế truất khỏi ngai vàng, Quốc vương Erik VII của Đan Mạch đã bước theo con đường của những người Viking cổ đại.

Ông tham gia vào hàng ngũ hải tặc, rồi cuối cùng trở lại tấn công những kẻ phản trắc năm xưa. Hành trình độc nhất vô nhị của Erik VII khiến ông trở thành người hiếm hoi trong lịch sử trải qua một vòng tròn trọn vẹn những vinh quang và tủi nhục.

Những ngày bão giông

Một chiếc tàu chiến lướt nhẹ nhàng trên mặt nước, hướng thẳng đến pháo đài nhô ra biển. Đứng trên boong tàu, Quốc vương Erik VII chậm rãi lướt nhìn những khẩu đại bác đã lên nòng rồi ra hiệu cho binh sĩ chuẩn bị vũ trang, sẵn sàng chiến đấu. Không khí yên lặng đến lạ thường. Chỉ có tiếng chim hải âu và sóng vỗ rì rào là thanh âm hiếm hoi vang lên giữa khung cảnh ấy.

Khẽ mỉm cười chua chát, Erik cúi xuống mở chiếc rương gỗ ông luôn coi như báu vật. Bên trong là Dannebrog, quốc kỳ Đan Mạch. Đây cũng là lá cờ có lịch sử tồn tại lâu đời nhất thế giới. Sau nhiều năm bôn ba giữa biển khơi, chiến đấu với những kẻ gian ác, Erik VII chẳng thể trở lại nơi ông vốn thuộc về. Nhưng điều đó không khiến ông quên đi quá khứ, mà chỉ làm Erik VII càng đau đáu hơn về vị thế ông từng có rồi để đánh mất vào tay gian thần.

Erik VII từng là bá chủ tại pháo đài Krogen, công trình phòng thủ vĩ đại nhất từng được ông đích thân tạo dựng. Nhiều năm sau đó, đây chính là nơi được Shakespeare viếng thăm và trở thành nguồn cảm hứng để ông tạo nên kiệt tác “Hamlet”. Vài thế kỷ sau, nó được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Nhưng dĩ nhiên Erik VII chẳng thể nghĩ đến những điều xa xôi đó khi ra lệnh xây Krogen vào năm 1438, ngoài việc bảo vệ bản thân tránh khỏi mưa bom bão đạn.

Pháo đài Krogen của Erik VII vẫn tồn tại đến ngày nay.

Nằm sừng sững giữa một vùng duyên hải rộng lớn, Krogen là pháo đài bảo vệ toàn bộ các thuyền bè của Đan Mạch giao thương khắp mọi nơi thông qua Biển Baltic. Không chỉ có Đan Mạch, ngay cả nước láng giềng Thụy Điển cũng phụ thuộc vào nó để hoạt động kinh tế được diễn ra liên tục và hiệu quả. Có thêm thuyền buôn là có thuế, và Krogen trở thành công cụ hiệu quả giúp Erik VII biến Đan Mạch thành cường quốc ở thời Trung cổ.

Con đường vươn lên ngai vàng của Erik VII là một câu chuyện dập dềnh như những con sóng trên biển. Vốn không sinh ra trong gia đình hoàng tộc, chàng trai Bugislav xứ Pomerania là con của vị công tước cai quản lãnh thổ là một phần thuộc Ba Lan ngày nay. Ông chỉ được đón vào Hoàng gia Đan Mạch khi biết mẹ mình là hậu duệ của một công chúa. Đó là xuất phát điểm đưa ông bước vào vòng xoáy quyền lực và những ngày lênh đênh làm cướp biển cho đến lúc qua đời.

Vươn lên đỉnh cao

Vị thế của Bugislav ngày một tăng lên giữa bối cảnh hoàng gia ba nước Na Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển khủng hoảng người thừa kế. Quốc vương Oluf lên ngôi, cai quản cả Na Uy và Đan Mạch không lâu thì băng hà. Mẫu thân của ông, Thái hậu Margaret phải tìm người chia sẻ quyền lực nếu không muốn quyền nhiếp chính của bà bị lung lay trong bối cảnh hỗn mang đó. Bà quyết định nhận Bugislav làm con nuôi, đổi tên làm Erik và chọn ông làm người nối ngôi.

Năm 1389, Erik VII chính thức đăng quang khi mới 7 tuổi, Thái hậu Margaret tiếp tục nắm quyền nhiếp chính. Quyết định chọn một người không thuộc nhánh dòng tộc chính để kế vị của bà chịu sự phản đối ác liệt từ các gian thần. Quốc vương Albrecht vùng Mecklenburg vốn tưởng như được lên ngôi, nay bất ngờ bị cho ra rìa nên đích thân dấy binh tiếm quyền. Quân đội của ông thua to ở Asle, bản thân ông thì bị bắt làm tù binh.

Từ một bậc quân vương, Erik VII bị truất ngôi và làm cướp biển.

Trong nhà lao, Albrecht càng giận dữ hơn khi biết Thái hậu Margaret muốn trao quyền lực tối cao cho Erik thông qua một liên minh ba nước có tên Kalmar. Một văn bản ký vào ngày 17/6/1397 bởi 67 thành viên hoàng tộc chính thức công nhận Erik VII là vị vua duy nhất của Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Được trao quyền hành quá lớn ở tuổi 15 dường như là thách thức khó khăn với Erik VII.

Điểm yếu của Liên minh Kalmar là nó quá rộng lớn, với quá nhiều quý tộc bất mãn trước việc Erik VII nghiễm nhiên được trao quyền tối cao trong tay. Theo nhà sử học Pernille Hede Moody Jensen, lãnh thổ ba nước thuộc Liên minh Kalmar ngày đó trải rộng từ Bắc Cực, vươn ra Iceland, đến tận Phần Lan và phủ tầm ảnh hưởng khắp vùng Bắc Âu. Châu Mỹ vẫn chưa được tìm ra ở thời điểm đó, và điều đó có nghĩa Erik VII là quân vương của một trong những đế chế rộng lớn nhất thế giới.

Một trong những lực lượng chủ chốt trong quân đội Liên minh Kalmar là tập hợp thuỷ quân có tên Anh em Victual. Họ tung hoành giữa biển khơi, tiến hành cướp bóc cả những thuyền thương mại đi qua Đan Mạch, nhưng mọi hành động đều được Liên minh cho qua. Ngay cả Thái hậu Margaret cũng kiêng nể nhóm cướp biển này bởi sức mạnh của họ, thế nên mọi báo cáo về Anh em Victual đều bị ỉm đi. Bù lại, lực lượng này luôn thề trung thành với Margaret trong mọi cuộc binh biến.

Tuy nhiên những hành động chướng tai gai mắt của Anh em Victual không thể duy trì mãi. Chỉ một năm kể từ ngày Liên minh Kalmar được thành lập, Quân đoàn Teutonic huy động 4.000 tàu chiến cùng 200 kỵ binh đến quét sạch nhóm hải tặc mượn danh quân đội kia. Ba pháo đài bị đốt cháy, nhóm Anh em Victual phải đầu hàng. Không còn lực lượng quân đội chủ chốt trong tay, cộng thêm việc Thái hậu Margaret qua đời vào năm 1412, Erik VII lâm vào cơn khủng hoảng quyền lực.

Sống phận cướp biển

Vài năm trước khi qua đời, Erik VII và Thái hậu Margaret quyết định mở rộng lãnh thổ bằng các cuộc chiến hướng xuống phía Nam. Tuy nhiên lãnh chúa những vùng đất thuộc nước Đức ngày nay quá bản lĩnh, khiến cho chiến tranh kéo dài nhiều năm trời mà bất phân thắng bại. Lâm vào khổ chiến, cộng thêm sưu cao thuế nặng khiến xứ Thuỵ Điển và Na Uy quyết định nổi dậy chống lại Đan Mạch. Hùa theo chúng, một nhóm gian thần lộng quyền ép buộc Erik VII rời khỏi ngai vàng.

Ngày bị phế truất khỏi vị thế của một bậc quân vương, đáng ngạc nhiên là Erik VII không dằn vặt bản thân quá lâu. Ông không chạy trốn mà tìm đường trở lại theo cách riêng của mình. Đó là lý do ông gia nhập một nhóm cướp biển có tên Liên minh Hanseatic, hoành hành khắp các vùng nước từ Thuỵ Điển, Đan Mạch, và còn vươn tầm ảnh hưởng đến Đức. Không ít người trong số họ là hậu duệ của Anh em Victual, lại có chung mối thù với đám quân phản loạn truất ngôi Erik VII nên họ nhanh chóng kết thân.

Erik VII làm cướp biển nhiều năm cho đến khi qua đời.

Lẽ đời thắng làm vua, thua làm giặc, và Erik VII đã đi theo đúng con đường đó. Vị vua ngày nào giờ làm tiên phong của một toán cướp biển chuyên tấn công mọi thuyền buôn họ gặp được. Danh tiếng của toán cướp biển dưới trướng Erik VII ngày càng được biết đến rộng rãi ở mọi vùng nước nhóm này từng cướp bóc, tới mức nhiều thương nhân sợ hãi không dám chở hàng trên biển nữa. Tiền và hàng thu được từ những chuyến cướp thuyền được Erik VII tái sử dụng để nâng cấp quân đội.

Đáng chú ý là về bản chất, Erik VII là cướp biển, nhưng ông không bao giờ nghĩ như thế. Trong thâm tâm, ông tự cho mình là hải quân, bởi lính dưới trướng ông không có ai tự nguyện đi ăn cướp. Họ đều là những nông dân bị quý tốc cướp đất, lâm vào cảnh đường cùng nên mới quyết định đi theo ông dấy binh. Hoàng gia Đan Mạch dĩ nhiên không để yên trước chuyện đó. Họ hành hình công khai một nhóm cướp biển dưới trướng Erik VII để cảnh báo dân chúng đừng đi theo ông.

Cách đàn áp quyết liệt đó bước đầu tỏ ra rất hiệu quả trong việc trấn áp toán cướp biển của Erik VII. Vị vua mất ngai mất thêm vài thập niên lênh đênh giữa biển khơi mà không tìm thêm được nhiều bạn đồng hành như trước. Ở Hoàng gia Đan Mạch, những người từng có thiên hướng ủng hộ ông cũng dần qua đời, làm viễn cảnh trở lại ngai vàng của ông ngày một mịt mờ hơn. Ông trở về quê nhà những năm cuối đời và qua đời năm 77 tuổi.

Vươn đến đỉnh cao khi tuổi đời còn rất trẻ, để rồi quãng thời gian còn lại sống trong đắng cay và tủi nhục, nhưng những đóng góp của Erik VII vẫn có một vị trí trang trọng trong lịch sử. Hệ thống thuế từng khiến ông mất ngai vàng vẫn được duy trì suốt nhiều năm sau đó, và là một phần tạo nên đất nước Đan Mạch với nền tài chính vững vàng như ngày nay. Đáng tiếc là cha đẻ của công trình đó lại không thể hưởng thụ thành quả, mà phải lênh đênh làm cướp biển cho đến những ngày tháng cuối đời.

Đào Hoàng
.
.