Chuyến tàu Shinkansen và hành trình thay đổi thế giới

Chủ Nhật, 12/01/2020, 08:55
Những con tàu Shinkansen cứ mạnh mẽ tiến về phía trước, hối hả đến mức không đủ sức chứa cho bất cứ sự chậm chạp bải hoải nào. Những con tàu ngược chiều hun hút ấy, trong nhiều thập niên qua, đã âm thầm nhưng ngạo nghễ thay đổi cái nhìn của lịch sử về tốc độ, buộc thế giới phải vận hành những nhịp nhanh hơn.


Bình minh của kỷ nguyên cao tốc

Một sớm đầu đông năm 1964, chính xác là ngày 1-10-1964, người dân trên khắp các khu đô thị của thủ đô Tokyo, Nhật Bản bỗng bị đánh thức bởi sự xuất hiện của một đoàn tàu màu xanh trắng chạy vun vút trong gió tựa như vệt khói mờ lướt nhẹ giữa không trung. Con tàu bóng nhoáng vụt qua những con phố từ một đường ray trên cao rồi thẳng về phía Nam, tới thành phố Osaka, kết thúc hành trình lịch sử.

Sáng hôm ấy chính là buổi bình minh của kỷ nguyên tàu cao tốc Nhật Bản, hơn cả, theo CNN, là biểu tượng chứng minh cho sự phục hồi đáng kinh ngạc của xứ sở mặt trời mọc, sau những tổn thương tưởng như không thể vực dậy từ Thế chiến thứ 2. Người ta gọi con tàu ấy là Shinkansen. Shinkansen, trong tiếng Nhật Bản, có nghĩa là "con đường tàu huyết mạch mới", ám chỉ sự khác biệt giữa những chiếc tàu cao tốc so với tàu hỏa thông thường.

Con tàu Shinkansen đầu tiên được giới thiệu vào đúng thời điểm Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Olympics 1964. Ảnh: Getty.

Hình ảnh chiếc tàu dài chạy dưới chân núi Phú Sĩ, kể từ thời điểm ấy, bỗng trở thành biểu tượng của xã hội công nghiệp hiện đại. Cùng với sức lan tỏa của Thế vận hội Olympic Tokyo 1964, đoàn tàu Shinkansen đầu tiên màu xanh trắng đã mở đầu kỷ nguyên đường sắt cao tốc toàn cầu, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ tàu cao tốc.

Theo CNN, nhu cầu về một "mạng lưới đường sắt tiêu chuẩn" đã được nhen nhóm từ thế kỷ 20, nhưng mãi đến những năm 1940, nhu cầu ấy mới được hiện thực hóa một cách nghiêm túc như một phần của dự án đầy tham vọng mang tên "đường vòng" Châu Á (Asian loop line) nhằm kết nối Nhật Bản với Hàn Quốc và Nga thông qua các đường hầm dưới biển Thái Bình Dương.

Song, hệ quả của Thế chiến thứ 2 khiến các kế hoạch của Nhật Bản cho tuyến đường sắt mới đã bị hoãn lại cho đến giữa những năm 1950, khi nền kinh tế Nhật Bản đang đà phục hồi mạnh mẽ  và việc kết nối giao thông giữa thành phố chính trở nên thiết yếu.

Bloomberg trong một phóng sự mô tả, người dân đổ về Tokyo để làm việc ngày một nhiều hơn, nhưng đường sắt kết nối giữa các thành phố, nhất là giữa Tokyo và Osaka, ngày một quá tải. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu phải làm sao để việc di chuyển đi được xa hơn, trong thời gian nhanh hơn, bởi giao thông thuận lợi sẽ giúp Nhật Bản chuyển mình từ phục hồi sau chiến tranh sang phát triển kinh tế thần tốc.

Năm 1958, một ủy ban chính phủ được thành lập để hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó có việc xây dựng đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới. Thế nhưng địa hình đầy thách thức của Nhật Bản với 4 hòn đảo chính kéo dài tới  khoảng 2.900 km cũng như khí hậu thay đổi rất khác giữa các khu vực đã đặt ra bài toán khó đối với các kỹ sư xây dựng lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Nhật Bản là một trong những nơi không ổn định về mặt địa chất nhất trên trái đất, với nguy cơ động đất, sóng thần cao, và số lượng núi lửa chiếm khoảng 10% trên thế giới. Chưa nói đến việc vận hành an toàn, việc xây dựng được đường ray tàu cao tốc Shinkansen qua nhiều dạng địa hình đã là một nhiệm vụ dường như bất khả.

Song, tinh thần của người Nhật đã biến điều không thể thành có thể. Ông Shinji Sogo, khi đó là Giám đốc Công ty Đường sắt Nhật Bản, cùng với cộng sự của mình là kỹ sư Hideo Shima đã vượt qua những hoài nghi của thời đại, cùng những rào cản hành chính và sự phản đối quyết liệt của người dân, để lên một kế hoạch "phi thường".

Năm 1959, đường tàu Tokaido Shinkansen chính thức được xây dựng dưới sự chỉ đạo của ông Sogo, do ông Shima làm kỹ sư trưởng, với sự xuất hiện của những chiếc tàu có phần mũi tàu trơn bóng đầy khác lạ, kéo dài như những chú thú mỏ vịt. Đây là một thiết kế được Bloomberg nhận định là mang tính cách mạng, nhằm giảm thiểu sức cản của gió và tăng tốc độ, đồng thời mở rộng tầm nhìn bao quát cho lái tàu.

Ông Sogo cũng thay thế việc kéo bằng đầu máy ở phía trước sang bố trí motor điện riêng biệt ở từng khoang tàu, giúp đoàn tàu di chuyển nhanh hơn và an toàn hơn. Bên cạnh đó, đường ray của tàu cao đốc Shinkansen cũng rộng hơn, đảm bảo độ ổn định và duy trì được tốc độ cao.

Kết quả, vào năm 1889, thời gian cho chuyến hành trình từ Tokyo đến Osaka mất 16 giờ rưỡi đi tàu; nhưng đến năm 1965, với Shinkansen, thời gian đi tàu từ Tokyo đến Osaka chỉ còn 3 giờ 10 phút, CNN cho biết.

Mạng lưới tàu Shinkansen đã mở rộng đều đặn kể từ sau khi tuyến Tokaido dài 515km nối Tokyo và Shin - Osaka được hoàn thành vào năm 1964. Tàu chạy với tốc độ 322km/giờ trên các tuyến đường từ thủ đô tỏa ra hướng Bắc, Nam và phía Tây đến các thành phố như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagano.

Kể từ sau khi ra đời, Shinkansen trở thành phương tiện giao thông duy nhất của loài người di chuyển mà chưa từng xảy ra bất kỳ tai nạn nào gây thương tích. Mô tả trong bài nghiên cứu "Biting the Bullet", nhà nghiên cứu Christpher P.Hood nhận định, Shinkansen là biểu tượng của giao thông an toàn và sự chính xác tuyệt đối, khi chưa có một hành khách nào tử vong, và số chuyến tàu đến muộn, thậm chí chỉ vài giây, là cực kỳ hi hữu.

Một thế giới vận hành nhanh hơn?

Những bước phát triển kỳ diệu của tàu cao tốc Shinkansen khiến cả thế giới phải ngả mũ nể phục. Các tập đoàn hùng mạnh như Hitachi và Toshiba xuất khẩu tàu hỏa và thiết bị trị giá hàng tỉ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Có thể nói, chính Shinkansen đã "chào sân" cho những thương hiệu công nghệ "Made in Japan", những phát minh đột phá của Nhật Bản trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu.

Hình ảnh những con tàu Shinkansen lao vun vút dưới chân núi Phú Sĩ đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Kể từ sau sự ra đời của đoàn tàu Shinkansen, nhiều quốc gia khác đã theo gương của Nhật Bản xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc mới, mà trong đó nổi tiếng nhất có lẽ chính là Pháp.

Từ những năm 1981, chính phủ Pháp đã đưa vào hoạt động tàu cao tốc Train à Grand Vitesse (TGV) giữa Paris và Lyon, mở đường cho việc xuất khẩu thành công công nghệ này sang các nước khác, bao gồm cả mạng lưới tàu cao tốc dài nhất Châu Âu ở Tây Ban Nha, cũng như Bỉ, Hàn Quốc, Anh và gần đây nhất là đường sắt cao tốc đầu tiên của Châu Phi ở Morocco. Tại Anh, các chuyến tàu Eurostar tốc độ cao chạy từ London đến Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Amsterdam (Hà Lan) thậm chí còn thu hút khách du lịch hơn là những hãng hàng không giá rẻ.

Hiện tại, tàu cao tốc mới nhất dành cho hành khách người Anh di chuyển liên tỉnh, được gọi là "Intercity Express Trains", do Hitachi chế tạo, đã đi vào hoạt động và chạy với tốc độ tối đa 201km/giờ. Hai quốc gia Ấn Độ và Thái Lan cũng đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc vào những năm 2020.

Ngay cả tại Mỹ, xứ sở vốn bấy lâu nay ưa chuộng đường bộ và đường hàng không cho các chuyến đi dài, giờ đây cũng bắt đầu lên kế hoạch cho các tuyến đường sắt cao tốc ở California và Texas. Cụ thể, theo CNN, Virgin Trains đang lên kế hoạch mở rộng một tuyến đường hiện có nối liền Miami và West Palm Beach để kết nối với Orlando, đồng thời nâng cấp đường ray cũ để cho phép tàu chạy ở tốc độ tương đối cao 177km/giờ.

Con tàu Shinkansen suốt hơn 5 thập kỷ qua không chỉ chở hàng trăm nghìn lượt khách, mà còn chở theo những tham vọng mang tên "công nghệ Nhật Bản", đưa tham vọng ấy đến hầu hết quốc gia trên thế giới, từ những thị trường phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Singapore... đến những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Christpher P.Hood cho rằng, Shinkansen thực chất chưa từng lấy thước đo tốc độ làm mục tiêu của việc phát triển công nghệ, như cách mà những giải đua xe Công thức 1 áp dụng, mà mục tiêu của Shinkansen là làm thế nào để tối ưu hóa di chuyển để phục vụ con người và cải thiện chất lượng môi trường. Câu chuyện của Shinkansen, nói cách khác, là sự quan tâm tới người dân, hơn là chỉ một bài toán tốc độ.

Câu chuyện đó được cụ thể hóa bằng những dòng tin chúng ta đôi khi đọc được, về việc các nhân viên tàu cao tốc Nhật Bản cúi đầu xin lỗi hành khách vì chuyến tàu đã đến trễ vài giây so với dự kiến. Tính kỷ luật tới hà khắc của người Nhật được áp dụng tuyệt đối trong việc vận hành tàu Shinkansen.

Nhưng liệu có phải sự kỷ luật của người Nhật đã hình thành nên một đế chế tàu cao tốc chính xác và tiết kiệm thời gian đến thế? Hay chính sự phát triển không ngừng nghỉ của Shinkansen với việc thu gọn thời gian, gia tăng độ dài hành trình đã khiến người Nhật càng trở nên nghiêm túc và trân quý thời gian hơn? Dù câu trả lời có ra sao, thì chắc chắn rằng, Shinkansen đang và sẽ là biểu trưng mạnh mẽ của tinh thần Nhật Bản, tinh thần luôn tiến về phía trước với tính kỷ luật cao và không bao giờ ngừng sáng tạo.

Sau hơn nửa thế kỷ, thủ đô của Nhật Bản lại chuẩn bị chào đón Thế vận hội Olympic một lần nữa vào năm 2020, còn những chuyến tàu Shinkansen đã chạm mốc vận tốc hơn 320km/giờ. Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ mở ra nhiều điều mới mẻ hơn, không chỉ là sự trầm trồ trước con tàu nhanh nhất thế giới như 55 năm về trước nữa. Nhưng hình ảnh đoàn tàu seri 0 màu xanh và trắng mang tính biểu tượng của 55 năm trước đó, dẫu đã ngừng chạy từ lâu, vẫn in sâu trong trái tim của những người dân xứ mặt trời mọc.

Shinkansen đã thay đổi tư duy của thế giới về giá trị của tốc độ, chung tay đóng góp vào sự phát triển tột bậc của cơ sở hạ tầng giao thông ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Và một điểm đặc biệt được CNN lưu ý, đó là thế giới đang dồn sự quan tâm đến tàu cao tốc nhiều hơn, khi các phương tiện như ô tô, xe máy và thậm chí cả máy bay đang đe dọa chất lượng môi trường.

Shinkansen, với sự chính xác và an toàn tuyệt đối của mình, cũng góp phần nâng niu những giá trị môi trường bền vững. Và biết đâu đấy, Shinkansen sẽ đưa ngành đường sắt trở lại thời hoàng kim?

An Nhiên
.
.