Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ

Thứ Bảy, 16/01/2021, 20:50
Sau sự ra đi của danh hài Chí Tài vì đột quỵ não, căn bệnh này mới được người dân đặc biệt quan tâm, cho dù nó là căn bệnh nguy hiểm và rất phổ biến ở Việt Nam. Nhiều thống kê cho thấy, mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 200.000 người mắc mới. Đáng chú ý là trong số những bệnh nhân đột quỵ não, số người dưới 40 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao, dù lâu nay, đột quỵ tưởng là câu chuyện riêng của người già.

Mặc dù có hẹn làm việc trước nhưng khi tôi đến Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải chờ khá lâu vì các bác sĩ phải liên tục cấp cứu các ca đột quỵ được chuyển đến.

Ở Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, các thầy thuốc đều rất tất bật. Những bước chân vội vàng, gấp gáp gần như chạy liên tục khắp các cầu thang, phòng bệnh vốn chật kín người nằm vì bệnh nhân gọi chỗ này, cần chỗ kia, các ca cấp cứu thì hiếm có lúc vắng. Mà mỗi ca cấp cứu cần cả chục người cùng phối hợp. Nhìn dãy xe cấp cứu túc trực dài ở cửa đủ biết sự vất vả của cả Trung tâm. Hệ thống monitor dẫn đến từng phòng bệnh được đặt tại khu vực giao ban, để các bác sĩ có thể biết ngay từng bệnh nhân đang cần gì và nhân viên chăm sóc ra sao mà can thiệp kịp thời.

TS. Đào Việt Phương kiểm tra phim một bệnh nhân đột quỵ còn trẻ.

TS. Đào Việt Phương đưa chúng tôi đến một phòng bệnh có 3 bệnh nhân đột quỵ đều mới ngoài 30 tuổi. May mắn, cả 3 đều đang hồi phục tốt vì được đưa đến trong “giờ vàng”, tức là 3-6 giờ.

 Anh Nguyễn Đức T. (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: Ngày 13-12, anh đang đi đường thì đột nhiên thấy đau đầu rồi lập tức liệt nửa người. May mắn lúc đó anh đi cùng người khác và được chở ngay về nhà cách đó chừng 1km. Do chân tay bị cứng hết lại, anh cũng không thể tự xuống xe được mà phải có người dìu xuống và đưa vào. Ngay sau đó anh bị cấm khẩu, hôn mê, không biết gì nữa và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngay trong thời gian vàng. Ở đây, được các bác sĩ cho biết là bị đột quỵ, anh mới tin, chứ ngay cả lúc đã liệt nửa người anh vẫn không nghĩ là mình bị đột quỵ. Được can thiệp kịp thời, chỉ sau chừng một tiếng là chân tay anh cử động trở lại và nói được. Đến nay, anh vẫn đang được theo dõi điều trị sau can thiệp.

“Lúc đó mà tôi tự lái xe thì chắc chắn tôi đã đâm vào người khác và còn nguy hiểm hơn rồi!”, anh T. chia sẻ trong nỗi sợ còn chưa hết.

Người nằm giường ngay bên cạnh là anh Nguyễn Hữu N. (Ứng Hòa, Hà Nội) kể lại: Tự dưng tôi thấy tê bì chân tay, nghĩ là do mình lao động mệt mỏi nên đi ngủ. Nhưng, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí còn nặng hơn khi tê nửa người trái, tay không cầm được, còn chân đứng không vững. Tôi không hề mảy may nghĩ mình bị đột quỵ cho đến khi được bác sĩ chẩn đoán mới biết.

Nguyên nhân từ sự chủ quan

Hầu hết những bệnh nhân đột quỵ là người trẻ mà tôi tiếp xúc đều không nghĩ mình bị đột quỵ, kể cả khi có dấu hiệu. Bởi thế, họ uống rượu, hút thuốc thường xuyên. 

Chỉ đến khi nằm viện, họ mới biết. Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được nhận học vị thạc sĩ Đột quỵ não của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ Thế giới năm 2018 - thì chủ quan cũng là “đặc điểm” ở các bệnh nhân đột quỵ trẻ. Vì khi có dấu hiệu thì bệnh nhân đều nghĩ họ còn trẻ nên không thể bị đột quỵ, cho nên không đến bệnh viện ngay, mà ở nhà đánh cảm, tự điều trị bằng đủ loại thuốc và khi đến bệnh viện thì nhiều người đã rất nặng, qua mất giai đoạn vàng, khiến việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Khi điều trị muộn, đồng nghĩa với tỉ lệ tử vong tăng cao.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân.

Giải thích về “thời gian vàng”, PGS. TS. Mai Duy Tôn cho biết: Tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy nên với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, mỗi giây trôi qua có tới 32.000 tế bào não chết và mỗi phút trôi qua có khoảng 1,9 triệu tế bào não chết, tương ứng với 3,6 năm tuổi thọ, mà đó là trong trường hợp bệnh nhân may mắn sống sót.

Thời điểm này, ở Khoa Nội - Hồi sức thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng khá đông bệnh nhân đột quỵ não đang điều trị. Hầu hết những bệnh nhân đã đến đây đều ở trong tình trạng nặng nên tất cả gần như nằm bất động và phải sống nhờ các thiết bị y tế và sự chăm sóc hoàn toàn của nhân viên bệnh viện. Cũng như ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người trong số các bệnh nhân nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều còn rất trẻ. Nguyên nhân cũng do chủ quan hoặc nhập viện trong tình trạng quá nặng, diễn biến bệnh lại quá nhanh.

Vừa khám cho bệnh nhân đột quỵ trẻ nằm bất động trên giường bệnh, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – vừa cho biết: Hiện nay có khoảng 25% ca đột quỵ là người trẻ. Đột quỵ ở người trẻ gia tăng tới gần 50% trong vòng 12 năm qua, gặp nhiều nhất là ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng chất kích thích hay tình trạng “béo phì văn phòng”.

TS. Nguyễn Anh Tuấn còn cho biết, các bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã từng điều trị cho các bệnh nhân đột quỵ là trẻ sơ sinh (do thiếu vitamine K), hay các bé mới có 6-7 tuổi (do bị dị dạng mạch máu não). Khoa Nội - Hồi sức thần kinh cũng từng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ mới 14-16 tuổi.

Còn ở Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, theo TS. Đào Việt Phương, vừa qua Trung tâm cũng điều trị một bênh nhi mới 14 tuổi bị chảy máu não, do bị bất thường về mạch máu từ trước và đến bây giờ mới vỡ ra, chảy máu ở trong nhu mô não.

50% nguy cơ tử vong

Theo điều tra của Hiệp hội Tim mạch thì cứ 4 người ở độ tuổi 25-49, có 1 người bị tăng huyết áp. Nguyên nhân đột quỵ của người trẻ gia tăng có nhiều yếu tố. Một trong số đó là tăng huyết áp. Ngoài ra, người trẻ mắc đột quỵ còn có nhóm nguyên nhân do di truyền, là những bất thường về mạch máu mà lúc sinh ra đã có nhưng không được theo dõi thì đến thời điểm đó bị vỡ; hay một số người trẻ bị các bệnh lý tăng động làm vỡ các mạch.

Trưởng Khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám bệnh nhân.

Từ kinh nghiệm điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin,...                     

Do chủ quan, không nghĩ đột quỵ có thể xảy ra với mình, nhiều người trẻ bỏ qua những dấu hiệu ban đầu như đột ngột không nói được, đột ngột không nhìn thấy gì, độc ngột bị yếu hoặc liệt nửa người, đột ngột bị tê bì, mất cảm giác nửa người hoặc đột ngột xuất hiện các cơn đau đầu chưa từng có trong cuộc đời...

Hiện chưa có nghiên cứu về đột quỵ xảy ra ở nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn nhưng quá trình điều trị của PGS.TS. Mai Duy Tôn cho thấy tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ ở nam nhiều hơn. Khi chúng tôi có mặt ở Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai thì có tới 90% bệnh nhân đột quỵ trẻ là nam.

“Những người trẻ bị đột quỵ, đặc biệt là những người bị chảy máu có nguy cơ tử vong rất cao, khi có đến 50% số ca và thường tiến triển xấu trong thời gian rất ngắn, không kịp cứu chữa” - PGS.TS. Mai Duy Tôn lưu ý.

Có tránh được không?

Là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, có thể tử vong rất nhanh nhưng đột quỵ vẫn có thể tránh được, nếu mọi người thực sự quan tâm đến cách phòng tránh. PGS.TS. Mai Duy Tôn khuyến cáo: Có những nguy cơ không thay đổi được như tuổi tác, chủng tộc nhưng có những yếu tố có thể thay đổi được như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, dùng thuốc ngừa thai, stress v.v... Nếu phát hiện, điều trị/điều chỉnh kịp thời thì sẽ kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ, do đó, chúng tôi khuyên mọi người nên khám sức khỏe định kỳ.

Thanh Hằng
.
.