Chinh phục Sao Hỏa: Cuộc chiến của những kẻ tham vọng

Thứ Hai, 10/07/2017, 07:17
Sao Hỏa về cơ bản vẫn là hành tinh vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, sao Hỏa vẫn tồn tại nhiều điểm khá giống với môi trường trên Trái Đất, do vậy các nhà khoa học hy vọng vào sự sống trên hành tinh đỏ.

Họ cho rằng lớp băng vùng cực sao Hỏa có thể được đốt nóng để tạo ra khí nhà kính, tăng nhiệt độ bề mặt và điều kiện sống trên sao Hỏa.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xây dựng khí quyển hỗ trợ sự sống cho con người trên hành tinh đỏ, khiến bầu trời trên sao Hỏa có thể sớm được mây bao phủ. Khi ấy, việc sinh sống trên hành tinh đỏ có thể thành hiện thực trong 20-30 năm tới.

Hiện nay, NASA và Công ty thăm dò vũ trụ tư nhân SpaceX đều tiết lộ tham vọng biến toàn bộ sao Hỏa thành một hành tinh "ở được". Phía SpaceX tuyên bố muốn đưa 1 tỷ người lên sao Hỏa để tạo ra một nền văn minh lâu dài trên hành tinh đỏ với giá chỉ bằng giá một căn nhà trung bình. Tuy nhiên, NASA và SpaceX không phải là những tổ chức duy nhất quan tâm đến việc biến sao Hỏa thành mảnh đất con người có thể sinh sống. 

Mới đây, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng một thành phố với kích thước ngang với thành phố Chicago trên hành tinh đỏ, trở thành quốc gia tiên phong trong nỗ lực toàn cầu nhằm hiện thực hóa giấc mơ đưa con người sinh sống ngoài Trái Đất.

"Phương pháp sưởi ấm bầu khí quyển sao Hỏa" giúp kiểm soát thời tiết trên hành tinh đỏ, làm cho việc sinh sống ở đây trở nên khả thi.

Những nghiên cứu đột phá

Một trong những phát minh quan trọng mở ra tia hi vọng cho việc sinh sống trên sao Hỏa là tạo ra một bầu khí quyển giúp kiểm soát thời tiết trên hành tinh đỏ, làm cho việc sinh sống ở đây trở nên khả thi. "Phương pháp sưởi ấm bầu khí quyển sao Hỏa" tận dụng vùng cực sao Hỏa, nơi có lớp băng khô (CO2) và băng đá rất dày. 

Khoảng hai năm một lần, phần băng CO2 sẽ tan chảy và chuyển thành dạng khí, trong khi băng đá vẫn ở dạng rắn trên bề mặt. Với sự trợ giúp của một hệ thống điện năng lượng mặt trời tập trung, phần băng đá sẽ tan chảy và chuyển dần thành hơi nước, tạo thành sương mù và mây trên sao Hỏa. 

Quá trình kéo dài sẽ dần tạo thành lớp khí quyển dày gồm hơi nước và khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tăng nhiệt độ bề mặt hành tinh này.

Chưa dừng lại ở đó, công trình nghiên cứu xây dựng một lá chắn tầng ozone trong bầu khí quyển sao Hỏa khiến việc cải tạo môi trường sống ở hành tinh này có vẻ như sắp trở thành hiện thực. 

Nhiều quan điểm tin rằng việc sinh sống trên Sao Hỏa thậm chí có thể trở thành hiện thực chỉ trong 20-30 năm tới nhờ lá chắn ozone được tạo ra từ những sợi sắt dày thấm acid nitric. Khi xảy ra bão bụi, các hạt bụi trong không khí sẽ gây tích điện thông qua ma sát. 

Việc phóng điện trong khí quyển sẽ kích hoạt phản ứng phân hủy CO2 thành CO và khí O2. Khí oxy tự do có thể phản ứng với nhau nhờ sự phóng điện để tạo thành một tầng ozone. Hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực nâng cao hiệu quả của các phát minh, làm cho chúng có giá cả phải chăng và thực tế hơn.

Rõ ràng, việc sinh sống trên sao Hỏa mà không được chuẩn bị trước là bất khả thi. Trong một báo cáo mới đây, NASA đã đưa ra một đề xuất khá thú vị, tương tự như việc xây dựng một lá chắn ozone: đặt một lớp từ trường bảo vệ xung quanh sao Hỏa, giúp hành tinh phục hồi được bầu khí quyển, sau đó biến nó thành một địa điểm có thể sinh sống được. 

Mô phỏng thành phố mà UAE tham vọng xây dựng trên hành tinh đỏ.

Ý tưởng này xuất phát từ công bố của NASA, cho biết trước kia sao Hỏa cũng là một nơi ngập tràn đại dương, nhưng rồi những cơn bão Mặt trời đã xé toang bầu khí quyển, biến toàn bộ hành tinh trở thành một tinh cầu chết với 80% - 90% lượng nước thoát ra ngoài vũ trụ. Nguyên nhân được xác định là vì từ trường quanh sao Hỏa đột nhiên yếu đi, khiến hành tinh đỏ không thể giữ được khí quyển và hơi nước.

Kế hoạch đầy tham vọng của NASA có khả năng biến điều bất khả thi thành sự thật. Nếu như có thể phóng một lớp khiên từ trường ổn định trong bầu khí quyển của sao Hỏa, hành tinh sẽ sống sót qua những cơn bão Mặt trời có mức năng lượng cực lớn. 

Chiếc khiên này sẽ được cấu tạo từ một mạch điện lưỡng cực khổng lồ, đủ mạnh để tạo ra một lớp màng từ trường. Nó sẽ giúp hành tinh khôi phục bầu khí quyển, dù với tốc độ chậm.

Các tính toán chỉ ra rằng, cấu trúc của chiếc khiên sẽ giúp sao Hỏa hồi phục áp suất khí quyển bằng 1/2 Trái Đất trong vài năm, khi ấy 1/7 số đại dương từng có sẽ lại quay về với hành tinh đỏ. Nếu như kế hoạch thành công, đây sẽ là một bước quan trọng để biến sao Hỏa thành một nơi "ở được".

Kế hoạch làm nên lịch sử

Chạy đua với NASA trong cuộc chiến chinh phục sao Hỏa, SpaceX bày tỏ tham vọng hiện thực hóa kế hoạch đưa con người đến sống tại hành tinh đỏ sớm nhất. 

"Chúng ta phải lựa chọn, hoặc là ở lại Trái Đất mãi mãi và cuối cùng sẽ bị tuyệt diệt, hoặc là trở thành công dân của một hành tinh xa xôi và thành một giống loài đa hành tinh. Tôi hi vọng các bạn sẽ đồng tình với quan điểm phải đi tìm một "miền đất hứa" vì tương lai nhân loại", CEO Elon Musk tuyên bố. 

Vị CEO này đã hé lộ nhiều chi tiết quan trọng về kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa, trong đó đáng chú ý là việc giá thành của một chuyến bay vào vũ trụ do SpaceX thực hiện vô cùng thấp, chỉ còn 200.000 USD hoặc ít hơn (trong khi con số thực tế hiện nay lên đến 10 tỷ USD).

SpaceX thực sự muốn "đánh bại" NASA và tiến hành chuyến bay đầu tiên lên sao Hỏa càng sớm càng tốt. Công ty muốn bắt đầu phóng quả tên lửa không có phi hành đoàn đầu tiên lên sao Hỏa vào năm 2018 và sau đó là nhiều tên lửa khác cứ mỗi hai năm tiếp theo. Elon Musk cũng khẳng định con người có thể bắt đầu bay lên hành tinh đỏ với SpaceX vào năm 2024. 

Cuối cùng, công ty hy vọng sẽ có khoảng 1.000 tàu vũ trụ chở ít nhất 100 người trên mỗi tàu bay từ Trái Đất tới sao Hỏa, và Elon Musk cũng cho rằng cần ít nhất 40 - 100 năm để tạo ra một nền văn minh trên hành tinh này thông qua những công nghệ mới "độc quyền". 

NASA muốn đặt một lớp từ trường bảo vệ xung quanh sao Hỏa, giúp hành tinh phục hồi được bầu khí quyển.

Chưa dừng lại ở đó, SpaceX muốn vươn ra tới những khu vực xa xôi hơn để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh bằng "hệ thống vận chuyển liên hành tinh". Theo đó, bằng cách xây dựng một kho chứa chất nổ đẩy trong vành đai tiểu hành tinh hoặc trên một trong các mặt trăng của sao Mộc, con người có thể thực hiện các chuyến bay từ sao Hỏa đến sao Mộc mà không gặp vấn đề gì.

Hành trình chinh phục sao Hỏa không còn là "cuộc đua song mã" giữa NASA và SpaceX khi UAE đã chính thức vào cuộc. Trong khi Mỹ đang cố gắng tìm cách đưa con người đặt chân lên sao Hỏa trong vòng hai thập kỷ tới, thì UAE đã vạch ra cho riêng mình một kế hoạch dài hạn hơn nhằm thiết kế và xây dựng một thành phố như một phần lãnh thổ của UAE và có thể đưa con người lên đó sinh sống trong 100 năm tới. 

Quốc gia này đã công bố dự án "Mars 2117" như một nỗ lực trong việc phát triển khoa học công nghệ và đưa con người lên sao Hỏa sinh sống, đồng thời tạo thực phẩm và năng lượng ngay trên hành tinh đỏ, với sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế. 

Việc con người có thể đặt chân lên một hành tinh khác để sinh sống luôn là một giấc mơ lâu nay của nhân loại. Dự án "Mars 2117" được coi như hạt giống, đưa UAE trở thành mũi nhọn của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực biến giấc mơ này thành hiện thực.

UAE đã khởi động kế hoạch đưa tàu thám hiểm không gian mang tên "Hy vọng" lên vũ trụ và bay vòng quanh sao Hỏa vào năm 2020, để nghiên cứu hành tinh đỏ ít nhất cho đến năm 2023. Tuy vậy, "Mars 2117" vẫn còn nhiều mơ hồ. Việc đặt chân lên sao Hỏa là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất ngay cả đối với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm. 

Đến nay vẫn có nhiều nguyên nhân khiến con người chưa đặt chân được lên sao Hỏa. Tiến bộ khoa học hiện tại chưa giải quyết được vấn đề cung cấp đủ nhiên liệu cho chuyến bay đường dài, bên cạnh đó phương tiện có thể hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa vẫn chưa ra đời. 

Giới quan sát nhận định, UAE vẫn còn hơn một thế kỷ trong nỗ lực vượt qua những rào cản về công nghệ và tài chính để đạt được giấc mơ. Nếu như điều này trở thành sự thật, đây sẽ là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử phát triển khoa học công nghệ, tạo nên dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại...

Nguyễn Tuyết
.
.