Giải mã những "hình họa mặt đất": Bí ẩn từ không trung

Thứ Tư, 13/06/2018, 14:16
Từ lúc hình thành cho đến những giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất, con người đã luôn lưu lại dấu vết của mình bằng những công trình kiến trúc hay tác phẩm nghệ thuật. 

Các phát hiện và nghiên cứu khảo cổ trong suốt nhiều thập niên vừa qua đã chỉ ra nhóm công trình nổi bật nhất, và đồng thời cũng ẩn chứa hàng loạt bí ẩn, mang tên “hình họa mặt đất” (Geoglyph) – vốn chỉ được quan sát rõ nhất từ bầu trời. 

Dù độc đáo và đẹp mắt nhưng “hình họa mặt đất” xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang là câu hỏi đánh đố giới khoa học về nguồn gốc hay dụng ý thực sự của người xưa khi tạo nên các công trình này. 

Hàng loạt giả thuyết thú vị được đưa ra nhằm vén bức màn bí mật phía sau những “hình họa mặt đất”, như các hình vẽ chính là thông điệp gửi đến Chúa trời của người cổ đại, hoặc thể hiện hệ thống chỉ dẫn địa điểm trong các nghi lễ thờ cúng, hay thậm chí mang ý nghĩa nào đó về thiên văn học. 

Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là suy đoán, và cho đến nay “hình họa mặt đất” vẫn chưa hề được giải mã.

Đường kẻ bí ẩn Nazca

Đường kẻ Nazca là một trong những bí ẩn lớn nhất trên Trái Đất kích thích sự khám phá của giới nghiên cứu gần 8 thập niên qua. Nằm cách thủ đô Lima (Peru) hơn 320 km về phía Tây, những đường kẻ Nazca được khắc một cách bí ẩn trên một vùng đất sa mạc dài 58km, rộng 1,6km. 

Những hình vẽ này mãi tới năm 1927 mới được phát hiện, khi một phi công có tên là Toribio Mejia Xespe bay qua khu vực và nhìn thấy nhiều hình dạng khổng lồ qua cửa sổ máy bay. Cấu trúc khổng lồ bao gồm 300 hình khối hình dáng khác nhau cùng 70 hình ảnh động thực vật cho đến nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua hơn 1.300 năm lịch sử. 

Giới nghiên cứu tin rằng hệ thống đường kẻ Nazca do nền văn hóa Nazca hình thành trong khoảng thời gian từ năm 400 đến 650 Sau Công Nguyên (SCN).

Điều bí ẩn thú vị là làm sao người xưa có thể tạo ra những hình vẽ khổng lồ, chính xác trên mặt đất mà chỉ có thể thấy rõ từ trên cao. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy các đường kẻ thẳng tắp, dài hàng chục cây số đan xen phức tạp như một tác phẩm được thực hiện bằng máy tính và công nghệ hiện đại. 

Chưa hết, giới nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về thông điệp ẩn chứa phía sau những đường kẻ này. Có quan điểm cho rằng, đường kẻ Nazca là một tấm lịch thiên văn khổng lồ, báo hiệu sự bắt đầu của mùa mưa và liên quan đến các chòm sao. 

Trong khi đó, số khác lại coi đây là một phần của các cuộc tế lễ, cầu xin thần linh ban nước cho vùng đất khô cằn. Giả thuyết “điên rồ nhất” ám chỉ các hình vẽ Nazca như “đèn báo hạ cánh” cho tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh khi những đường kẻ lớn đóng vai trò là đường băng.

Nhiều khả năng “đường kẻ Nazca xứ Kazak” là tác phẩm của người du mục Mahandzhar.

Hình họa Nazca xứ Kazak

Không chỉ có Peru sở hữu những đường kẻ kì bí, quốc gia Trung Á Kazakhstan cũng sở hữu những đường kẻ đặc biệt. Thường được gọi là “hình họa Nazca xứ Kazak”, khoảng 260 “hình họa mặt đất” được phát hiện lần đầu tiên tại vùng Turgai (miền Bắc Kazakhstan) vào năm 2007 bởi nhà kinh tế kiêm khảo cổ học Dmitry Dey trong khi duyệt phần mềm Google Earth. 

Tổ hợp hình vẽ kì lạ bao gồm hình vuông, đường kẻ, hình chữ thập và hình tròn, trong đó có hình vẽ đạt kích thước tới khoảng 200m và có thể nhận ra từ không gian. 

Đã có một số tranh cãi về thời điểm “đường kẻ Nazca xứ Kazak” được hình thành với một số báo cáo ước tính rằng các hình họa có niên đại khoảng 2.800 năm tuổi. 

Trong khi nhiều kết luận lại chỉ ra niên đại vào khoảng 8.000 năm, kết luận đây là bằng chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh chưa từng được phát hiện ra trong nhiều năm. 

Theo giới nghiên cứu, các hình họa này là tác phẩm của Mahandzhar - một dạng người du mục từng lang thang trên vùng thảo nguyên Kazakhstan. Tuy nhiên, cũng có những học giả khẳng định những hình họa bất thường này có mục đích khác liên quan đến thiên văn, như theo dấu chuyển động của Mặt Trời chẳng hạn. 

Thời gian qua, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cung cấp cho giới khảo cổ các ảnh vệ tinh về “đường kẻ Nazca xứ Kazak” với hi vọng có thể vén màn sự thật về mục đích chính của khu di chỉ.

Geoglyph độc đáo người – thú

Geoglyph, hay “hình họa mặt đất”, là hình vẽ, kí hiệu được tạo ra trên cánh đồng, ngọn đồi trống bằng những cách khác nhau như sắp xếp trật tự của đá vốn được khảm màu bằng dung nham phun trào từ núi lửa. 

Nhắc đến “hình họa mặt đất” thì không thể bỏ qua Chile – quốc gia nổi tiếng với hệ thống đường kẻ kỳ bí ở gần như khắp mọi nơi. Các phát hiện trong suốt nhiều thập niên qua cho thấy, các hình vẽ trên mặt đất ở Chile hòa trộn cả thuyết hình người và thuyết biến thái động vật, hình thành từ các viên đá đen đặt trên cát, tạo thành vô số những hình thù kì quái, miêu tả con người và muông thú. 

Tại vùng trung tâm sa mạc Atacama (phía rìa của Chile), các “hình họa mặt đất” ước tính có niên đại vào khoảng những năm 500-900 SCN, được đặt trên một phía ngọn núi và có thể quan sát rõ ràng từ trên cao. 

Trong khi đó, những hình vẽ Pintado được phát hiện ở Pampa del Tamarugal thuộc vùng trung tâm Chile lại đem đến nhiều nét mới lạ, thể hiện độc đáo những kí tự và chữ tượng hình của con người thời xưa.

Chile còn khiến giới khảo cổ kinh ngạc với sự xuất hiện của chuỗi những kí tự cổ xưa Chug-chug, nhiều khả năng tồn tại từ năm 1.000 SCN, bao gồm những hình vẽ về con người, muông thú, thậm chí cả hình học như hình tròn hoặc hình thoi.

Ngọn đèn trời màu nhiệm Paracas Candelabra

Đường kẻ Nazca (Peru) có lẽ là “hình họa mặt đất” nổi tiếng nhất, nhưng cách đó 200km thậm chí tồn tại một tác phẩm còn bí ẩn hơn – hình vẽ khổng lồ Paracas Candelabra giống như một cây nến khổng lồ phân làm nhiều nhánh rộng đến 180m được khắc trên một ngọn đồi. 

Giới khảo cổ nghi ngờ Paracas Candelabra không phải do người Nazca tạo nên. Xét nghiệm đồng vị carbon trên đất cho thấy di chỉ này đã có xấp xỉ từ năm 200 Trước Công Nguyên (TCN), cùng với nhiều bình gốm được phát hiện cho thấy khả năng hình vẽ này xuất hiện từ nền văn hóa Paracas. 

Điều không may mắn là, chẳng hề tồn tại bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến Paracas Candelabra, thế nên giới khảo cổ chưa thể giải mã được chính xác nguồn gốc của hình họa này.

Điều hiện đang gây tranh cãi nằm ở lí do thật sự mà Paracas Candelabra được tạo ra. Nhiều quan điểm tin rằng Paracas Candelabra liên quan tới tôn giáo, phản ánh hình ảnh “ngọn đèn trời màu nhiệm” của Viracocha - vị thần sáng tạo thời cổ đại, đưa rước linh hồn người chết về cõi thiên thai. 

Trong khi đó, một số nhà khảo cổ thực tế hơn khi nhận định Paracas Candelabra, nhờ kích thước to lớn có thể nhìn thấy từ ngoài biển ở khoảng cách 20km, là một cây đèn điều hướng cho thủy thủ Tây Ban Nha từ thế kỷ 16 khi họ xuôi về phương nam Peru khai phá vùng đất mới. 

Thậm chí, một vài người lại tin rằng Paracas Candelabra giống một loại cây “đánh dấu” nơi cư ngụ, với giai thoại người Paracas đã đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương để giao thương tận nơi xa nhất bên kia đại dương, và vì nỗi sợ hãi không thể trở về nên phải “vẽ” Paracas Candelabra nhằm đánh dấu đường đi.

Đường kẻ Nazca là một trong những bí ẩn lớn nhất trên Trái Đất kích thích sự khám phá của giới nghiên cứu gần 8 thập niên qua.

Người khổng lồ Blythe Intaglios

Những hình vẽ khổng lồ Blythe Intaglios ở thung lũng Palo Verde, tiểu bang Colorado (Mỹ), rất khó để nhận diện trên mặt đất vì chúng được khắc không thực sự sâu trên nền sa mạc. Tuy vậy, một phi công lái máy bay trực thăng tên là George Palmer đã khám phá ra các “hình họa mặt đất” này trong một chuyến bay năm 1930. 

Blythe Intaglios bao gồm hình người và muông thú như sư tử, rắn và ngựa, được tạo ra bằng cách gạt bỏ lớp đá tối màu bên trên, để lộ đất màu sáng hơn phía dưới.

Hình lớn nhất dài khoảng 52m miêu tả một người khổng lồ, trong khi hai hình sau có chiều dài tương ứng là 31m và 32m, trải dài theo hướng từ bắc xuống nam với hai tay dang rộng. Việc hình vẽ tạo ra bằng cách thô sơ như vậy lại có thể tồn tại cả ngàn năm cũng là một điều đáng ngạc nhiên.

Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chắc chắn niên đại của Blythe Intaglios, mà chỉ phỏng đoán niên đại khoảng năm 900 SCN. 

Bên cạnh đó, hai giả thuyết liên quan đến nguồn gốc của Blythe Intaglios được đem ra tranh luận nhiều nhất liên quan đến các bộ lạc thổ dân “chưa xác định” sống dọc sông Colorado, hoặc người Patayan sống vào khoảng năm 700-1550 SCN. 

Sự khó hiểu chưa dừng lại khi chưa thể xác định được ý nghĩa cũng như sự phân loại các hình vẽ thành hai nhóm người - thú. Theo phỏng đoán, hình người tượng trưng cho Mustamho - Đấng khai sinh Trái Đất và sự sống, còn hình muông thú đại diện cho Hatakulya - một nhân vật trong câu chuyện khởi nguồn của thế giới, là người hầu của Mustamho. 

Nhiều khả năng, các hình vẽ chứa đựng những lời nhắn linh thiêng của bộ tộc với tổ tiên hoặc thánh thần bởi lẽ chúng gần như không thể được thấy từ mặt đất mà phải được quan sát từ  bầu trời - nơi được cho là chốn cư ngụ của thần linh.

Lâm Anh
.
.