Đi tìm sự thật từ những huyền thoại về nền văn minh Toltec Mexico
- Sự lụi tàn bí ẩn của nền văn minh cổ đại Olmec
- Nền văn minh cổ Chimu Peru
- Tại sao nền văn minh Cucuteni biến mất?
Những cuộc chinh phạt của chiến binh Toltec mạnh mẽ và hiếu chiến đã giúp mở rộng lãnh thổ của đế chế Toltec, và mang tín ngưỡng của mình lan truyền tới những vùng đất mới.
Thật không may vì những di tích khảo cổ còn lại cho tới ngày nay rất ít ỏi, do đã bị trải qua nhiều cuộc cướp phá của người Aztec và cả những cư dân ở thời kỳ thuộc địa của Tây Ban Nha.
Các nhà nghiên cứu đã phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức tìm kiếm sự thật về nền văn minh Toltec chỉ qua những di tích còn sót lại và cả những huyền thoại được lưu truyền cho tới ngày nay. Vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh Toltec, nền văn minh được coi là ảnh hưởng mạnh mẽ tới những cư dân Aztec sau này.
"Vùng đất lau sậy" - nơi khởi nguồn của Toltec
Sau khi nền văn minh Teotihuacan sụp đổ và lụi tàn, nền văn minh Toltec với thủ phủ là thành Tula nổi lên và ảnh hưởng rộng lớn tới gần như toàn bộ vùng Trung Mỹ, từ cao nguyên Mexico cho tới tận bán đảo Yucatan.
Cư dân Toltec được cho là có nguồn gốc từ những người Tolteca-Chichimeca di cư từ vùng sa mạc phía tây bắc đến thung lũng Mexico. Nền văn minh hậu cổ điển Toltec hay còn gọi là Đế chế Toltec với những thành phố chính là Tula, Tulancingo, Huapalcalco và cả những vùng đất xa hơn như bán đảo Yucantan.
Những bức tượng các chiến binh Atlantean, khu di tích Tula. |
Toltec phát triển sau khi nền văn minh Teotihuacan sụp đổ, những di tích khảo cổ còn lại cho thấy người Toltec đã có những thành tựu đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật và cả các nghi lễ tôn giáo.
Thành phố Tula là thủ phủ của Toltec trong suốt hai thế kỷ. Vào thời điểm phát triển cực thịnh, Tula có dân số lên tới 30.000 người và trở thành thành phố lớn nhất Trung Mỹ vào thế kỷ XI.
Cư dân Toltec coi đây như một vùng đất thiêng, thành Tollan có nghĩa là vùng đất lau sậy - nơi trú ngụ của thần Quetzalcoatl - vị thần người Toltec tôn thờ ngự trị. Hệ thống sấm truyền của người Toltec rất đặc sắc và ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, tín ngưỡng của họ.
Người Toltec tin rằng lời sấm truyền thần bí sẽ chỉ ra ánh sáng và bóng tối trong linh hồn của mỗi người. Phần thực thể hữu hình (tonal) là ánh sáng mà con người có thể nắm bắt được. Còn phần kiến thức, năng lực vô hình (nagual) là bóng tối không nắm bắt được, chỉ tồn tại trong tâm trí.
Những chiến binh tôn giáo Toltec đã truyền bá niềm tin và tín ngưỡng thờ cúng thần Quetzalcoatl tới khắp các vùng đất thuộc đế quốc của họ. Chiến binh Toltec mặc áo giáp và đeo lá chắn trên cánh tay. Vũ khí họ sử dụng là những thanh kiếm ngắn, phi tiêu và một loại vũ khí có hình cánh quạt. Những đơn vị chiến đấu của người Toltec được đặt theo tên các vị thần hoặc các con vật thiêng của tín ngưỡng Toltec.
Vào thời điểm đó, thành Tula là một vùng đất màu mỡ, gần các mỏ khai thác và nằm trên một tuyến thương mại quan trọng. Các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội Toltec bao gồm một tầng lớp ưu tú, một lớp thợ thủ công, thương gia và một số lao động nông nghiệp.
Một bức tượng chacmool. |
Có thể thấy thương mại và nông nghiệp là những yếu tố đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế của Toltec. Những cư dân Toltec đã biết sử dụng kỹ thuật tưới tiêu và canh tác trên cao đồng thời nổi tiếng với các loại thuốc thảo dược. Ngoài mặt hàng dệt và gốm sứ, người Toltec còn chế tác các loại vũ khí được làm từ đá núi lửa khai thác ở Pochuca sau đó xuất khẩu. Xã hội Toltec coi tôn giáo là trung tâm với những vị thần họ tôn thờ.
Kiến trúc, văn hóa đặc sắc
Khu di tích của thành phố cổ Tula nằm ở thành phố Tula de Allende trong thung lũng, phía tây nam bang Hidalgo, phía tây bắc thành phố Mexico. Được coi là thủ đô của nền văn minh Toltec, Tula được đề cập đến nhiều trong thần thoại Aztec. Nổi tiếng với những cung điện, những công trình lộng lẫy được chế tác từ vàng, ngọc bích, và các loại đá quý.
Những người dân Toltec cũng đạt tới một trình độ nông nghiệp kỹ thuật cao với việc gieo trồng ngô và cây bông. Những di tích còn lại của thành phố này không nhiều, ngày nay chỉ còn hai kim tự tháp lớn, một tòa cung điện, hai sân bóng và lối đi bộ xuyên qua các khu dân cư dày đặc.
Điểm hấp dẫn chính là Kim tự tháp Quetzalcoatl. Đây là một cấu trúc năm tầng giống đền thờ các chiến binh ở Chichen Itza. Đỉnh của kim tự tháp là bốn cột lớn bằng đá bazan cao tới 4 mét được chạm khắc theo hình ảnh của các chiến binh Toltec. Một tiền sảnh lớn phía trước kim tự tháp và dẫn tới các tòa nhà gần đó. Bao quanh kim tự tháp là các bức tường đá.
Trung tâm nghi lễ của thành phố được xây dựng trên nền đá vôi với chủ đề chính về chiến tranh và sự hy sinh với các bức phù điêu hình báo, chó sói, đại bàng, rắn… và những trái tim của các chiến binh. Khu vực lễ nghi chính có khu trung tâm rộng lớn vây quanh bởi các phòng họp, các hàng cột cao và các băng ghế dài. Các nhà nghiên cứu cho rằng các cuộc họp ở nơi đây đều do các chiến binh điều khiển.
Hình vẽ thần Quetzalcoatl. |
Trong tín ngưỡng của người Toltec, có hai vị thần là rồng Quetzalcoatl và thần chiến tranh Tezcatlipoca. Vua của đế chế Toltec là Ce Acatl Topiltzin được cho là hiện thân của rồng Quetzalcoatl được thần thoại hóa với sức mạnh tột đỉnh và chống lại kẻ thù là thần chiến tranh Tezcatlipoca.
Rồng thần Quetzalcoatl được ghép từ loài chim quetzal với bộ lông phát sáng và rắn coatl, loài vật thiêng trong tín ngưỡng của người Toltec đã xuất hiện nhiều trong văn hóa châu Mỹ cổ đại.
Theo truyền thuyết, thần Quetzalcoatl tạo ra con người và vạn vật. Thần phả của người Toltec kể lại rằng thần Quetzalcoatl bị kẻ thù là thần chiến tranh Tezcatlipoca lừa gạt và giết hại. Quetzalcoatl bay lên trời và biến thành sao mai, và thề sẽ quay trở lại từ phía Đông để trả thù. Ở các thời kỳ trước như Olmec, Teotihuacan, rồng Quetzalcoatl được thể hiện như một con rắn thần có bờm lông trên đầu.
Có nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy người Toltec đã hiến tế con người trong các nghi lễ tế thần của họ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng những bức tượng chacmool được tìm thấy ở Mexico và Guatemala miêu tả hình người nằm ngửa, đầu ngẩng cao và nhìn về một bên, trên bụng là một chiếc khay, chính là diễn tả sự hiến tế con người trong các nghi lễ của người Toltec. Tên gọi chacmool do nhà khảo cổ học người Anh Augustus Le Plongeon đặt khi khai quật địa điểm khảo cổ Chichen Itza, và là tên của một vị hoàng tử người Maya đã chiếm đóng nơi này.
Một góc kim tự tháp thành Tula. |
Trong khu vực nghi lễ chính, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hộp tzompantli, vật để đựng xương sọ các nạn nhân được dâng lên thần linh. Trong câu chuyện huyền thoại lịch sử Toltec kể về Ce Alt Quetzalcoatle - người sáng lập ra thành Tula - đã bất đồng quan điểm với những tín đồ của thần Tezcatlipoca về sự hy sinh của con người nhằm xoa dịu các vị thần.
Giống như những nền văn minh khác trong khu vực, sau một thời kỳ phát triển cực thịnh, khoảng năm 1150, thành Tula bị tấn công và cháy rụi. Từ đó nền văn minh Toltec suy tàn và dần nhường chỗ cho người Aztec.
Các sử gia cho rằng có thể đây là sự trả thù của các bộ tộc lân cận, hoặc cũng có thể là xung đột nội chiến gây ra. Đúng như nhà nghiên cứu Prudence Rice viết trong cuốn Dictionary of Archaeology "phần lớn những gì được biết về lịch sử Toltec đều được thể hiện qua những huyền thoại lịch sử sau này", sự thật về nền văn minh Toltec vẫn bao trùm bởi những bí mật chưa có lời giải dành cho các nhà nghiên cứu.