Chiến thắng tử thần: Sự phi thường của những sinh linh bé bỏng

Chủ Nhật, 23/09/2018, 13:24
Có những điều kỳ diệu đến không thể giải thích nổi, khi có những em bé đã ở trong hoàn cảnh cực kỳ ngặt nghèo ngay lúc chưa kịp chào đời, tưởng như không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng của cuộc sống nữa. 


Thế nhưng, như những hạt giống vẫn bật mầm mạnh mẽ vươn lên khỏi mặt đất khô cằn, các bé đã hồi sinh từ giữa niềm tuyệt vọng của cả cha mẹ và thầy thuốc, để gieo vào đời niềm hạnh phúc lớn lao…

Hai chị em song sinh bị suy hô hấp

Khi tôi có mặt ở Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), 2 bé song sinh Thúy Vân và Thúy Kiều đã vượt qua những ngày thử thách đầu đời một cách ngoạn mục. 

Trên chiếc giường nệm trắng, 2 “công chúa” nằm sát bên nhau ngủ ngon lành như những thiên thần sau chuỗi ngày vật lộn với bệnh tật từ trong bụng mẹ. Chị Nguyễn Thị Huyền (ở Gia Bình, Bắc Ninh), mẹ của 2 bé sinh đôi ngồi bên cạnh, ngắm các con trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Hai bé Thúy Kiều và Thúy Vân.

Ở tuổi 26, do hoàn cảnh riêng nên vợ chồng chị Huyền quyết định sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhưng thai mới ở tuần thứ 24 đã có dấu hiệu chuyển dạ, buộc chị phải nằm bất động trên giường gần một tháng, trong sự chăm sóc toàn diện của nhân viên y tế.

Nhiều lần chị bị chảy máu, rồi những cơn đau quằn quại đe dọa đẻ non và 4 lần phải khâu tử cung để giữ thai, có lúc chị tưởng đã tuyệt vọng. Nhưng cũng chỉ được đến 27 tuần thì chị sinh con. Đầu tháng 7-2018, 2 “cách cách” chào đời, mỗi bé chỉ nặng 700gr.

Do sinh non và quá nhẹ cân nên các cơ quan nội tạng cũng như hệ miễn dịch của các bé đều chưa hoàn thiện. Vì thế, sau 10 ngày, 2 bé được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương). 

Cầm tập bệnh án dày cộp của 2 bé, Ths. Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh nhớ lại hôm 2 cháu nhập viện: Cả 2 đều non yếu, bị suy hô hấp, hệ hô hấp và tiêu hóa đều chưa phát triển đầy đủ nên các bé chưa ăn và chưa tự thở được. Các bé còn bị thiếu máu, nhiễm trùng và bất thường ở bộ phận sinh dục do tăng sản thượng thận bẩm sinh. Căn bệnh về nội tiết có thể khiến các cháu bị rối loạn điện giải trong máu mà nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây suy thận cấp.

“Khi đó, sự sống của cả 2 cháu rất mong manh, khiến chúng tôi phải tập trung tối đa để cứu chữa” – Bác sĩ Hà nhớ lại.

Các bác sĩ khẩn trương tổ chức hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các bé phải cách ly trong phòng vô trùng và toàn bộ việc chăm sóc, điều trị do nhân viên y tế thực hiện. 

Do các cháu bị nhiều bệnh nặng cùng lúc, bác sĩ các chuyên khoa trong bệnh viện được mời phối hợp để điều trị. Cặp song sinh “tí hon” phải thở máy tới gần một tháng và còn phải truyền máu tới 3 lần, chưa kể nhiều lần bị ngừng thở. 

Do các bé chưa ăn được, bác sĩ phải đặt đường ven từ ngoại vi vào trong tim để nuôi dưỡng. Rồi từng ngày một, các y tá tập cho các bé ăn với một chế độ ăn đặc biệt cẩn trọng và tỉ mỉ, nhằm giúp các bé nhanh tăng trọng lượng. 

Ban đầu mỗi bữa chỉ 1ml, rồi 2ml, nâng dần cho đến khi 5-6ml. Mỗi ngày, các bé được cho ăn 8-12 bữa và trước mỗi bữa ăn, các bé được kiểm tra dịch dạ dày để biết tiêu hóa ra sao. 

Các nhân viên y tế phải theo dõi sát sao hàng giờ để kiểm tra, đo các chỉ số, điều chỉnh lượng ôxy, hay xử lý nếu nhịp tim bất thường; xem các bé có bị thoái hóa võng mạc không, vì nguy cơ thoái hóa võng mạc của trẻ sinh non rất lớn v.v… Với các bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống thiết bị hiện đại, các bé từng bước vượt qua bao cơn nguy kịch dồn dập.

Ths. Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh

Chị Huyền nghẹn lời khi kể lại với chúng tôi: Sau bao mong ngóng, đợi chờ, khi sinh con ra, 2 con bé tí xíu, chân tay nhỏ như cái bút bi, trái tim chị thắt lại… Thỉnh thoảng được vào với con trong phòng bệnh, nhìn 2 sinh linh bé nhất khoa nằm trong lồng kính, trên người chằng chịt dây nối vào máy thở, nước mắt chị lại rơi… 

Khi các con ốm lại phải cách ly mẹ, khiến chị càng thương nhớ con đến quay quắt. Đã vậy, lúc thì cháu lớn bị bệnh này, lúc khác cháu nhỏ bị bệnh khác, khiến chị thêm rối bời. Lúc nào chị cũng hướng về những đứa con trong phòng bệnh với niềm khắc khoải không có điểm dừng…

Khi được bác sĩ thông báo được ở bên các con sau gần 1 tháng phải cách ly, chị Huyền xúc động nghẹn ngào. Chị mừng vì những lời đó xác tín tình trạng nguy kịch của các cháu đã qua và niềm hy vọng của vợ chồng chị suốt nhiều tháng vốn mong manh nay được thắp lại. Đã vậy sau hơn một tháng, dù phải liên tục hồi sức cấp cứu, nhưng mỗi cháu đều tăng được 200gr. 

Nếu biết rằng, với những bé sinh non nhẹ cân, chỉ cần tăng 100gr đã là hạnh phúc, mới hiểu được niềm vui trong lòng người mẹ trẻ. Chị ôm các con vào lòng với cảm giác khó tả như một người suýt đánh mất báu vật nay tìm lại được.

Điều kỳ diệu tiếp tục xảy ra: trở về trong vòng tay của mẹ, với sự điều trị và chăm sóc của các thầy thuốc, đến nay, các bé đã tăng gấp đôi trọng lượng lúc sinh ra. Chị Huyền nói trong niềm vui lấp lánh: Giờ đây, em chỉ còn tập trung chăm lo cho các cháu tăng cân để đến khi mỗi cháu được khoảng 2kg và em tự chăm sóc được các con, mẹ con em sẽ được về nhà.

Nhiễm trùng máu khi mới 27 tuần

Một kỳ tích nữa cũng vừa được xác lập ở chính Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương – nơi các bé vào đây đều trong tình trạng rất nặng, hầu hết do các bệnh viện khác điều trị thất bại chuyển đến. 

Ths. Lê Thị Hà, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh kể cho tôi trường hợp cực kỳ hy hữu về một bé sinh non nhẹ cân với đầy đủ biến chứng nặng: viêm phổi mạn tính nặng, suy hô hấp, xuất huyết não độ 3, nhiễm trùng, huyết khối trong tim v.v… đến mức không ai nghĩ cháu có thể qua khỏi. 

Vậy mà với sự đồng hành của các thầy thuốc, cháu đã dũng cảm vượt qua và vừa được ra viện ngay trước ngày Quốc khánh.

Đó là bé Nguyễn Văn Ân, sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ở tuần thai 27, nặng 1,050kg. Sau khi sinh (bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm), cháu bị nhiễm trùng máu và viêm phổi rất nặng, nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi mới 17 ngày tuổi.

Bác sĩ Lê Thị Hà chia sẻ: Cháu nhập viện với nguy cơ tử vong cao. Dù được điều trị phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh nhất trong 3 tuần liền, tình trạng nhiễm trùng của cháu vẫn không đỡ. Đã vậy, các bác sĩ còn phát hiện cháu bị huyết khối trong tim. 

Trước tình thế này, các bác sĩ quyết định thay máu cho cháu, dù đây không phải là phương pháp được chỉ định rộng rãi, bởi việc thay máu đối diện với nguy cơ làm cho bệnh nặng thêm, thậm chí tử vong ngay.

Người mẹ mang thai hôn mê hơn 3 tháng.

“Chúng tôi thống nhất phải thay máu cho cháu mới hy vọng lấy được độc tố trong máu và giảm nồng độ vi khuẩn trong máu để điều trị kháng sinh có kết quả. Nếu không, cháu sẽ tử vong do nhiễm trùng khi tất cả các loại thuốc điều trị đặc hiệu đã thất bại”- BS. Lê Thị Hà chia sẻ về quyết định táo bạo của mình.

Nhưng khối huyết trong tim cháu tiềm ẩn nguy cơ bung ra sẽ làm tắc mạch phổi. Do đó, cố gắng lớn nhất của các bác sĩ là phải không để cho bệnh nhân nặng thêm. Đây là khó khăn với các bác sĩ vì bệnh tật của cháu thường xuyên diễn biến rất nhanh và có nhiều diễn biến trong một ngày. 

Dù chỉ ăn 1ml đến vài ml sữa/lần, nhưng lúc tiêu hóa được, lúc lại không. Nguy cơ viêm ruột hoại tử cận kề, bé còn liên tục ngừng thở. Mỗi ngày, bé phải tiêm 9 mũi với 8-9 loại thuốc, chưa kể truyền dịch 24/24, là thách thức với sức chịu đựng của một em bé sơ sinh. 

“Là đứa trẻ sinh ra trong gia đình hiếm muộn nhiều năm, nên gia đình cháu rất quyết tâm. Chính điều này vừa là áp lực, lại vừa động viên để chúng tôi cùng nỗ lực, tận tâm cứu chữa cho cháu” - BS. Lê Thị Hà cho biết.

Ở khoa này, các bé đa phần sinh ra trong các gia đình hiếm muộn, theo phương pháp thụ tinh ống nghiệm và bị sinh non, nên áp lực với các thầy thuốc rất lớn. Từng hơi thở, từng cái cựa mình của các bé, là trọn vẹn niềm hy vọng hay tuyệt vọng với các cặp vợ chồng. Mỗi đứa trẻ sinh ra trong những ngôi nhà hiếm muộn được dồn đắp mọi hy vọng, khát khao nhiều hơn, nên các gia đình đều quyết tâm rất lớn để cứu chữa cho các bé.

Không phụ công của các thầy thuốc và gia đình, cuối cùng, điều phi thường đã đến với bé Ân. Bé đã không những vượt qua hàng loạt bạo bệnh, mà còn không bị di chứng. 

BS. Lê Thị Hà kể lại với sự ngạc nhiên không kém: Thông thường, những trường hợp sinh non, nhẹ cân và bị bệnh nặng như bé Ân, khả năng qua khỏi rất thấp và thời gian nằm viện rất dài, hoặc may mắn được cứu sống thì di chứng cũng rất nặng nề. Nhưng trong nỗ lực của các thầy thuốc, bé Ân đã không bị rối loạn đông máu và huyết khối trong tim của bé thì tự tiêu.

Các bệnh nhi bị xuất huyết não thường bị não úng thủy, nhưng bé Ân thì không. Những đứa trẻ bị viêm phổi mãn tính nặng lại kèm các bệnh khác cũng thường phải điều trị có khi tới nửa năm mà vẫn tử vong tại bệnh viện, nhưng Ân đã khỏe mạnh và được trở về nhà sau hơn 2 tháng được điều trị tại đây.

Chào đời từ người mẹ hôn mê nhiều tháng

Một buổi sáng đầu hè năm nay, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận một thai phụ bị tai nạn giao thông rất thảm thương khi bị chiếc xe đâm vào rồi bỏ chạy. 

Người phụ nữ tên Quỳnh Anh đang mang thai tháng thứ 5 được đưa đến trong tình trạng một phần sống, chín phần chết: hôn mê sâu, đồng tử giãn chỉ còn 4 điểm (bình thường là 15 điểm và 3 điểm là tử vong). Với mức độ nặng như thế, nếu ở những nơi đông bệnh nhân hoặc không đủ trang thiết bị, thường nạn nhân sẽ chỉ được cho thở máy, rồi giải thích và cho về sớm.

Trong tình thế tối khẩn cấp, bác sĩ các chuyên khoa nhanh chóng phối hợp và quyết định mổ để cứu cả 2 mẹ con. 

Ths. Nguyễn Thị Lệ Mỹ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Ths. Phạm Quang Phúc –Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cùng BSCK2. Trần Quyết Thắng - Trưởng khoa Phụ sản 1 vừa cấp cứu, vừa hội chẩn để kịp thời xử trí. 

Vấn đề lúc này là thai nhi quá nhỏ, nên mổ lấy thai khó nuôi được, còn nếu tập trung mổ cứu mẹ, nếu thai phụ tử vong thì sẽ không cứu được ai. Mà khả năng tử vong trong khi mổ rất cao; hoặc bệnh nhân có sống sót cũng chịu di chứng nặng nề, thậm chí sống thực vật.

Bé Cốm sinh ra từ người mẹ hôn mê hơn 3 tháng.

Không kịp đợi có kết quả, bác sĩ Phạm Quang Phúc quyết định xem hình ảnh chụp ngay trên máy. Bác sĩ Mỹ gấp rút chuẩn bị cho cuộc mổ an toàn nhằm tránh nguy cơ thuốc làm nặng thêm tình trạng sản phụ hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.

Dù tối khẩn cấp, các bác sĩ vẫn cố gắng bảo vệ em bé bằng việc mặc áo chì chống tia khi chụp chiếu cho thai phụ. Bác sĩ Trần Quyết Thắng nhanh chóng cho nạn nhân sử dụng thuốc chống sảy thai, giảm co, thuốc nội tiết để giữ thai nhi. Mọi việc diễn ra đồng thời và vô cùng khẩn trương. Và sau gần 3 tiếng, ca phẫu thuật sọ não đã kết thúc thành công.

Anh Cao Văn Tuấn, chồng của Quỳnh Anh vẫn còn nguyên cảm xúc bàng hoàng khi nhận tin dữ. Anh lao đến Bệnh viện Thanh Nhàn tìm vợ đúng lúc ca mổ đang diễn ra. 

Bác sĩ dặn dò anh chuẩn bị tâm lý vì rất có thể tình huống xấu nhất sẽ đến với cả vợ và con anh. Anh đã tê dại cả người trong nỗi lo lắng và đau đớn đè nặng. Cho đến khi chiếc xe đẩy vợ anh từ phòng mổ ra, bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công, anh mới dám tin là mình sẽ còn được gặp vợ…

Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu chặng đường tiếp theo. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục trong tình trạng rất nặng: phù não, chèn ép não, ngoại tâm thu, đồng tử giãn v.v… 

PGS.TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, suốt quá trình điều trị 3 tháng sau mổ, các chuyên ngành trong bệnh viện phải tiếp tục phối hợp để cứu chữa bệnh nhân. Bệnh nhân sau chấn thương sọ não đã cần được chăm sóc gấp đôi bệnh nhân bình thường, thì bệnh nhân bị chấn thương sọ não đang mang thai càng đòi hỏi được chăm sóc gấp nhiều lần thế, để thai nhi phát triển bình thường.

Hàng ngày bác sĩ Phạm Quang Phúc đều có mặt, theo dõi tình trạng não của bệnh nhân. Các bác sĩ sản khoa siêu âm thai nhi liên tục, lắng nghe từng nhịp tim thai để có hướng điều trị. 

Hàng ngày, nhân viên y tế ở Khoa Gây mê hồi sức dành chế độ chăm sóc và dinh dưỡng đặc biệt, vệ sinh, tắm khô và chống loét cho bệnh nhân; nhân viên Khoa Phục hồi chức năng tập vận động, phục hồi tri giác, trí nhớ cho bệnh nhân v.v... 

Các khoa hội chẩn hàng ngày và báo cáo những biến động lớn của bệnh nhân với lãnh đạo Bệnh viện và Hội đồng chuyên môn. Và điều phi thường đã xảy ra khi các bác sĩ duy trì được sự sống cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

Anh Tuấn cho biết, khi thai nhi mới được 34 tuần tuổi, lo lắng cho em bé, gia đình anh đã đề nghị mổ lấy thai ra.

Tuy nhiên, BS. Mỹ đã tư vấn cho gia đình càng để cháu ở lâu trong bụng mẹ thì sức khỏe của bé càng tốt hơn. Bởi trẻ sinh non ở người mẹ bình thường đã có nhiều nguy cơ do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thì bé sinh non ở người mẹ đang hôn mê sâu càng nguy hiểm. 

Khi thai nhi được 38 tuần, các bác sĩ của nhiều chuyên khoa tiếp tục hội chẩn cho ca mổ đẻ hi hữu này. 

BS. Thắng cho biết, ca mổ đặc biệt này cũng có nhiều lo ngại như đờ tử cung, chảy máu sau mổ, thậm chí không chắc người mẹ đã sống, rồi nguy cơ cho bé do quá trình sử dụng nhiều loại thuốc, chụp chiếu cho mẹ v.v… Nhưng ca mổ đẻ đã diễn ra suôn sẻ. Điều đặc biệt là cháu bé chào đời khỏe mạnh, đồng thời, người mẹ cũng đang phục hồi về tri giác, trí nhớ và vận động.

Em bé nặng 500gr.

Bác sĩ Mỹ và tôi đến thăm Quỳnh Anh. Bệnh nhân nằm bất động trên giường nệm trắng toát, đôi mắt lờ đờ gần như không biết gì. Thế nhưng, khi bác sĩ Mỹ hỏi: “Có nhớ Cốm không? Nếu nhớ thì giơ ngón tay cái lên nhé!”. 

Thật bất ngờ khi Quỳnh Anh giơ ngón tay lên. Đặc biệt, trí nhớ cô đang dần phục hồi một cách ngoạn mục khi nhớ được mật khẩu điện thoại, giơ 3 ngón tay khi bác sĩ hỏi "Cốm sinh ra được bao nhiêu kilôgam?".

Những ngày này, anh Tuấn càng thêm tất bật. Ban ngày chăm bé Cốm, tối anh lại vào viện chăm vợ. Nhưng anh có niềm an ủi rất lớn là ngay từ khi sinh ra, bé Cốm luôn ăn ngủ tốt. 

“Con bé chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế mà vẫn khỏe mạnh và ngoan ngoãn, thực sự là phúc lớn của gia đình tôi. Mỗi lần ngắm con, dường như mọi nhọc nhằn đều tan đi hết…”- anh Tuấn xúc động…

Kỳ tích của tạo hóa

Ngày 25-10-2014, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (ở huyện Thoại Sơn, An Giang) được chồng là Nguyễn Văn Nam đưa đến bệnh viện sinh con. Trên đường đi, xe máy của anh Nam va chạm với xe bồn trộn bê tông, khiến chị Ngọc ngã xuống đường tử nạn, còn thai nhi trong bụng văng ra ngoài. 

Vụ tai nạn khiến bé bị đứt lìa một chân và hôn mê sâu. Bé đã được Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM hồi sức cấp cứu và bác sĩ phải tháo bỏ khớp gối phải của bé để bỏ đi phần chân bị giập nát. Sau đó, bé đã hồi sinh và hiện nay đang sống khỏe mạnh cùng cha và chị gái.

Tháng 11-2010, chị Phạm Thị Khiếu (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) nhập viện khi mang thai ở tuần thứ 35 và bị sốt cao, suy tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, nhồi máu cơ tim. Trên đường chuyển từ Khoa Hồi sức cấp cứu sang Khoa Sản để mổ và cứu được bé gái nặng 1,6kg, da đã tím tái.

Cũng năm 2010, một em bé (Hải Dương) sinh non khi mới 25 tuần tuổi thai và nặng 500gr đã được Bệnh viện Phụ sản Trung ương cứu sống và điều trị thành công. Nay cháu đã 8 tuổi, đang đi học và phát triển bình thường. 

Năm 2015, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng điều trị thành công cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm có tuổi thai 24 tuần, một bé cân nặng 500gr và một bé 600gr.

Việc điều trị, chăm sóc các bé sinh non sơ sinh, nhẹ cân vô cùng khó khăn,  vì nhiều nguy cơ cao ngay sau sinh, như bị ngạt, bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt, bị các xuất huyết đặc biệt nguy hiểm như xuất huyết não, phổi. 

Do các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện nên các bé dễ bị viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, mắc các rối loạn chuyển hóa đường, điện giải, canxi, thiếu máu v.v….

Thanh Hằng
.
.