Về đề nghị cải táng di cốt khảo cổ Hòa Diêm (Khánh Hòa):

Ứng xử thế nào với di tích khảo cổ học?

Thứ Bảy, 17/08/2024, 09:07

Mới đây, giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học đã bị sốc khi Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa báo cáo đề xuất Sở Văn hóa- Thể thao (VH-TT) tỉnh Khánh Hòa cho phép sắp xếp, cải táng di cốt đã được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm, thuộc thôn Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh) hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng này. Dù Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi lại văn bản đồng ý để bảo tàng thực hiện việc sắp xếp, cải táng hiện vật, tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra từ vụ việc này…

Nhiệm vụ nghiên cứu đã hoàn thành?

Sở dĩ, giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học quan tâm tới di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm bởi tới thời điểm này, đây là di chỉ khảo cổ học duy nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ra quyết định công nhận di tích khảo cổ học quốc gia. Những hiện vật là di cốt người ấy có giá trị quý giá, đặc biệt là các sọ cổ mà các nhà khoa học đã mất hàng tháng trời để phục dựng.

Về đề nghị cải táng di cốt khảo cổ Hòa Diêm (Khánh Hòa): Ứng xử thế nào với di tích khảo cổ học? -0
Hiện trường khai quật di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm.

Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian từ năm 1999-2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với bảo tàng và các tổ chức trong, ngoài nước tiến hành khai quật khu di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm. Kết quả đã sưu tầm được nhiều hiện vật quý, có niên đại hàng nghìn năm, trong đó có một số di cốt người, hầu hết là các bộ phận không còn đầy đủ. Trên cơ sở này, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tiến hành nghiên cứu các hiện vật khai quật được và đã công bố kết quả tại nhiều cuộc hội thảo. Đồng thời in, xuất bản sách về kết quả nghiên cứu cũng như xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng địa điểm Hòa Diêm là di tích quốc gia. "Như vậy, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về di chỉ cư trú và mộ táng của cư dân tiền sơ sử đã hoàn thành", Bảo tàng Khánh Hòa nhận định.

Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, qua công tác kiểm kê hiện vật năm 2022, hiện tại bảo tàng còn lưu giữ 52 cá thể di cốt không hoàn chỉnh, đã được nghiên cứu, chỉnh lý qua các đợt khai quật. "Hiện trạng trải qua thời gian dài bảo quản trong điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật thiếu thốn (chủ yếu thời gian dài bảo quản trong thùng tôn) và đồng thời ảnh hưởng của khí hậu gần biển, các di cốt đã bị mục, vỡ nhiều hiện không còn bảo đảm cho việc bảo quản, nghiên cứu, trưng bày tại bảo tàng".

Căn cứ vào một số quy định và xét thấy 52 di cốt nêu trên không phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của một bảo tàng tổng hợp tỉnh như đã bị mục, vỡ, hư hỏng không còn khả năng phục hồi, không đảm bảo môi trường làm việc tại đơn vị và khu vực xung quanh, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đề xuất với Sở VH-TT Khánh Hoà: "Đồng ý cho phép thực hiện việc cải táng 52 di cốt nêu trên tại khu vực của di chỉ khảo cổ Hoà Diêm. Diện tích cải táng khoảng 20-25m2, nằm trong phần diện tích đã được Viện Khảo cổ học đã khai quật trước đây. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hoá, thời gian thực hiện trong tháng 7/2024".

Sau khi nhận được báo cáo đề xuất này, ngày 17/7/2024, Sở VH-TT Khánh Hoà có văn bản số 2060/SVHTT- QLVHGĐ thống nhất với đề xuất của bảo tàng tỉnh và đề nghị đơn vị triển khai thực hiện, mà chưa hề tham khảo ý kiến của những cơ quan chuyên môn như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay Viện Khảo cổ học... Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của một số nhà khoa học khảo cổ, Sở VH-TT Khánh Hoà liền có quyết định thu hồi văn bản số 2060/SVHTT- QLVHGĐ với lý do vi phạm Luật Di sản văn hoá và sẽ có công văn xin ý kiến Bộ VH-TT&DL.

Cần sớm lập hội đồng thẩm định

Theo hồ sơ, di chỉ khảo cổ Hoà Diêm được phát hiện vào tháng 2/1998 do đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đi khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chămpa ở ba tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Trong đợt điền dã này, đoàn đến thôn Hòa Diêm (nay là thôn Hòa Sơn) và đã phát hiện một số mảnh gốm, vết tích đầu tiên của địa điểm khảo cổ học. Những năm sau đó (1999, 2002, 2007, 2010, 2011), Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, Đại học Waseda (Nhật Bản), tiến hành thám sát, khai quật, nghiên cứu di chỉ.

Về đề nghị cải táng di cốt khảo cổ Hòa Diêm (Khánh Hòa): Ứng xử thế nào với di tích khảo cổ học? -0
Một hộp sọ người Việt cổ sau khi được chỉnh lý.

Trên cơ sở kết quả khai quật, các nhà khoa học nhận định, qua địa tầng di tích và di vật cho thấy Hoà Diêm là một di chỉ cư trú, đồng thời là khu mộ táng gồm nhiều loại hình mộ khác nhau mà mộ chum hình cầu là tiêu biểu nhất. Nét đặc trưng của di tích Hoà Diêm là khu mộ táng nằm sát ngay trong khu cư trú. Mộ táng nằm ngay trong tầng văn hoá. Đặc điểm ở đây là mộ táng chỉ thấy loại hình cầu, trong chum hầu hết chôn xương cốt với các hình thức mai táng một hay nhiều tử thi trong một chum. Có nhiều loại hình mộ khác nhau, đặc biệt các đồ tuỳ táng chôn theo gần giống với cách sắp xếp trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh với các di vật như đồ gốm, đồ sắt, đồ trang sức bằng đá mã não, hạt chuỗi bằng đá quý, thuỷ tinh, kim loại màu vàng. Ngoài những hộp sọ còn khá nguyên vẹn giúp chúng ta tìm hiểu nguồn gốc cư dân vùng này, về di vật, các cuộc khai quật đã thu được hàng vạn tiêu bản gồm các chất liệu khác nhau như đồ đá, đồ gốm, xương, công cụ bằng vỏ nhuyễn thể, mộ chum, đồ trang sức… cho thấy Hoà Diêm ở giai đoạn này khá phồn thịnh.

Kết quả khai quật các đợt sau một lần nữa khẳng định niên đại của di tích khoảng trên dưới 2.000 năm cách ngày nay với phát hiện hai đồng tiền Ngũ Thù (Hán) trong mộ M6, cho thấy khu mộ Hòa Diêm có niên đại sớm nhất là tương đương khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ II. Niên đại này tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn.

Qua nghiên cứu, đối chiếu, so sánh cho thấy di tích và di vật ở Hòa Diêm không chỉ độc đáo mà còn thể hiện sự giao lưu văn hóa rộng rãi. Trước hết là đối với Việt Nam đó là sự tương đồng giữa chum táng nhóm 2 ở đây với những chum táng ở vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là với di chỉ Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt. Ngoài ra, gốm Hòa Diêm còn thể hiện những nét tương đồng với một số địa điểm ở Đông Nam Á. Ngoài những đặc trưng, phong cách riêng thể hiện nổi bật một giai đoạn Hòa Diêm tiêu biểu. Năm 2014, di tích đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia và đây là di tích khảo cổ đầu tiên và duy nhất hiện nay được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở Khánh Hòa. Vì vậy trong những năm tới di tích rất cần sự quan tâm các ngành, các cấp, các nhà chuyên môn trong công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị để phục vụ phát triền kinh tế du lịch ở địa phương.

Với giá trị quý hiếm như vậy nên khi biết thông tin Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đề xuất xin cho cải táng những bộ xương giá trị, đặc biệt là các sọ cổ mà các nhà khoa học đã mất hàng tháng trời để phục dựng, giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ rất lo ngại. Một nhà khảo cổ trực tiếp khai quật, chỉnh lý hiện vật tại di chỉ Hoà Diêm cho biết: "Khi nhận được tin này, tôi thực sự sốc và bức xúc vì chúng tôi đang làm thủ tục xin phép để được vào nghiên cứu tiếp về di cốt ở Hoà Diêm bằng những phương pháp mới. Nếu điều này xảy ra khác nào chúng ta đã ngang nhiên huỷ hoại di sản văn hoá của các bậc tiền nhân".

Dù hiện Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi văn bản đồng ý cho Bảo tàng cải táng 52 di cốt, tuy nhiên vấn đề đặt ra là công việc tiếp theo sẽ phải xử lý thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Bùi Văn Liêm, chuyên gia khảo cổ học cho biết, việc bảo quản, bảo vệ 52 di cốt, hiện vật của di chỉ khảo cổ Hoà Diêm tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà là có vấn đề. Vấn đề ở đây là chưa được bảo quản đúng cách, bảo quản thường xuyên và bảo quản định kỳ. Để đến mức phải đưa ra đề xuất cải táng là câu chuyện đau lòng.

 "Trước câu chuyện đề xuất cải táng này, theo tôi Sở VH-TT Khánh Hoà cần thành lập hội đồng khoa học với sự tham gia của những chuyên gia, nhà nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, nhất là nhà nhân chủng học. Hội đồng này sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá toàn bộ 52 di cốt hiện vật để đưa ra những ý kiến tư vấn theo hướng, mức độ xuống cấp, có cần thiết phải cải táng, và nếu phải cải táng thì cần phải thực hiện như thế nào. Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ ý kiến của mình. Trên cơ sở kết luận của hội đồng khoa học, Sở VH-TT Khánh Hoà sẽ có văn bản xin ý kiến của cấp có thẩm quyền", PGS Bùi Văn Liêm nói.

Nguyễn Thanh Sương
.
.