VinFuture tiếp thêm động lực theo đuổi khoa học cho nhà nghiên cứu trẻ
Thẳng thắn nhìn nhận những điều còn thiếu, những thách thức phải đối diện, các nhà khoa học trẻ Việt Nam cho rằng chính VinFuture đã trao cho họ cơ hội tiếp cận với những tri thức và công nghệ mới nhất thông qua việc giao lưu, chia sẻ cùng những trí tuệ lỗi lạc hội tụ tại Việt Nam. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thêm động lực và niềm tin với con đường mình đã chọn.
Thêm cơ hội khi cánh cửa hợp tác mới được mở ra
Giải thưởng VinFuture đã trải qua 4 mùa. Chưa năm nào PGS.TS Nguyễn Phi Lê bỏ lỡ. Nhà khoa học nữ 42 tuổi hiện đang đảm nhận vị trí điều hành Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết mỗi mùa VinFuture đều mang tới cho chị những ấn tượng đặc biệt.
“Qua mỗi năm, sức lan tỏa của VinFuture càng lớn. Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà khoa học nổi tiếng và học hỏi được nhiều điều từ chính con đường làm khoa học của họ. Rất nhiều người đã vượt qua cả một hành trình thử thách, vượt qua cả những sự hoài nghi của xã hội, kiên trì với con đường mình đã chọn để có được vinh quang hôm nay”, PGS. Phi Lê bày tỏ.
Năm 2024, Giải thưởng Chính VinFuture được trao cho 5 nhà khoa học hàng đầu thế giới về những đóng góp đột phá, thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu. Là nhà khoa học đã dành hơn 10 năm nghiên cứu lĩnh vực Internet vạn vật (IoT) và AI ở Việt Nam, với PGS. Lê, sự tôn vinh này có ý nghĩa khích lệ đặc biệt.
“Tôi cảm thấy đó là sự may mắn của mình, vì mình được làm đúng lĩnh vực đang nhận được sự chú ý của xã hội. Đồng nghĩa với việc mình sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn và cũng có thêm niềm tin và động lực hơn trong nghiên cứu”, nữ PGS chia sẻ.
Nhà khoa học trẻ cũng cho rằng, Giải thưởng Chính năm nay cho thấy tầm nhìn vượt trội của VinFuture. Các tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” cũng mang thông điệp truyền cảm hứng khi đề cao các giá trị ứng dụng thực tiễn, thay vì chỉ dừng lại ở nghiên cứu lý thuyết.
Ngay trong lần đầu tham gia các hoạt động trong tuần lễ trao giải VinFuture, PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viên Khoa học và Công nghệ tiên tiến, Đại học Đà Nẵng, cũng đã cảm nhận rất rõ tinh thần và thông điệp ý nghĩa này của giải thưởng. Nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội trình bày dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” của mình với TS. Xuedong Huang - Giám đốc công nghệ của Zoom Video Communications (Mỹ), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture.
“Được các nhà khoa học hàng đầu thế giới góp ý cho nghiên cứu là cơ hội hiếm có, và khi họ đưa ra nhận xét thì đều là những kiến thức, kinh nghiệm vô cùng quý báu”, PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng hào hứng chia sẻ.
Theo dõi giải thưởng VinFuture trong nhiều năm, TS. Lương Minh Thắng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, đồng sáng lập Viện New Turing, đánh giá những cơ hội hợp tác thực tiễn chính là một minh chứng cho uy tín và đóng góp của VinFuture. Không chỉ tạo cảm hứng, khích lệ giới nghiên cứu, cầu nối VinFuture còn giúp đưa đến những hợp tác có giá trị lâu dài.
“VinFuture không chỉ kết nối các nhà khoa học đến từ các trường đại học mà còn là các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Minh chứng rõ nhất chính là giải thưởng dành cho Nhà sáng lập, CEO Jensen Huang của NVIDIA. Đây có thể là cánh cửa mở ra những cơ hội hợp tác quý giá giữa NVIDIA với các công ty, doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Thắng nói.
Thêm trưởng thành từ những cọ xát quốc tế
Bên cạnh việc truyền cảm hứng và mang tới những cơ hội mới, với PGS.TS Phi Lê, người đã từng có nhiều năm nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, VinFuture còn giúp lấp đầy những khoảng trống mà giới nghiên cứu trẻ trong nước đang rất thiếu.
“VinFuture giúp tôi được tiếp xúc với những người nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới trong một môi trường học thuật rất cao”, PGS. Phi Lê nói.
Qua chuỗi sự kiện VinFuture, một môi trường giao lưu, học hỏi đích thực được mở ra cho các nhà nghiên cứu trẻ và những người đam mê khoa học. Khi tiếp xúc với những bộ óc vĩ đại, cũng là lúc các nhà khoa học Việt Nam nhận ra thế mạnh và những điều còn thiếu của mình.
“Thế mạnh của người Việt là sự ham học hỏi, có tri thức. Nhưng đó mới chỉ là xuất phát điểm. Làm khoa học là cả một hành trình. Chính sự cọ xát mà VinFuture mang lại đã giúp các nhà khoa học trẻ của Việt Nam thêm trưởng thành và tự tin trên con đường mình đã chọn”, PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.
Đồng quan điểm, PGS. Phi Lê cho rằng, trong một thế giới phẳng, cơ hội để các nhà khoa học Việt tiếp cận với những tri thức mới, làm chủ các công nghệ mới không còn khó như xưa. Trải qua 4 mùa VinFuture, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, đã dần được thu hẹp.
Các nhà khoa học Việt cũng khẳng định, tiếng vang quốc tế mà VinFuture tạo ra qua các mùa giải sẽ không chỉ khuyến khích hoạt động nghiên cứu nói chung, mà còn thúc đẩy xã hội quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ nhiều hơn. Bởi khoa học công nghệ chính là động lực quan trọng nhất để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có được sự phát triển bứt phá.