Nhiều “ông lớn” tìm hiểu cơ hội phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng

Thứ Sáu, 30/08/2024, 16:00

Sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” diễn ra ngày 30/8 có sự góp mặt của gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước... Trong số này, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và đại diện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Theo Ban tổ chức, đây là sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phát triển ngành vi mạch bán dẫn cũng là mục tiêu chiến lược của TP Đà Nẵng, trong bối cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã nêu bật những lợi thế để địa phương phát triển công nghiệp bán dẫn như uan hệ ngoại giao và kinh tế với nhiều cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn; nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản cùng với sự ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và giao thông thuận lợi; đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn. 

Nhiều “ông lớn” ngành công nghệ tìm hiểu cơ hội phát triển  ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng -0
Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Thời gian qua, thành phố đã xây dựng chủ trương, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn với nhiều ưu đãi, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời nắm bắt thời cơ để tiếp cận các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Các tập đoàn Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn thành phố. Đà Nẵng đặt mục tiêu tới 2030 phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn...

Nhiều “ông lớn” ngành công nghệ tìm hiểu cơ hội phát triển  ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng -0
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và các đại biểu trao đổi tại sự kiện.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhìn nhận Việt Nam đang ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Với nhiều lợi thế, bao gồm các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng đang dành được sự chú ý và quan tâm của nhiều doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị TP Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để góp phần thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...

Tại hội nghị, bà Susan Burns, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM, cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng đang thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao. Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng. 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thời gian tới, cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học… trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kỹ thuật về công nghệ mới để nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.

Sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” bao gồm 2 phiên chính gồm Hội nghị Xúc tiến đầu tư vi mạch bán dẫn Đà Nẵng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, các đại biểu dự sự kiện đã chứng kiến các thỏa thuận hợp tác và ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn ba bên giữa Sở TT-TT TP Đà Nẵng với Công ty TNHH Synopsys International và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; giữa sở TT-TT với Công ty CP Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam; thỏa thuận hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng với Makara Capital Partners về hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Nhiều “ông lớn” ngành công nghệ tìm hiểu cơ hội phát triển  ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng -0
Công viên phần mềm số 2 được TP Đà Nẵng đầu tư với kinh phí hơn 800 tỷ đồng sẽ là nơi làm việc của hàng ngàn lao động ngành công nghệ.

Tại tọa đàm Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, các đại biểu trao đổi, thảo luận về về xu hướng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực của các chương trình đào tạo hiện hành, và để cùng thảo luận, đề xuất các định hướng phối hợp ba nhà Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong kết nối cung cầu nhân lực và phát triển nguồn nhân lực bán dẫn. Hàng loạt ghi nhớ hợp tác giữa các giữa các doanh nghiệp với các trung tâm nghiên cứu, giữa các trường đại học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển ngành vi mạch bán dẫn...cũng đã được thực hiện.

TP Đà Nẵng cũng tổ chức việc cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch cho 22 giảng viên nguồn Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng tổ chức với sự tài trợ của Công ty Synopsys; công bố danh sách 17 giảng viên trúng tuyển chương trình đào tạo giảng viên nguồn về kiểm thử, đóng gói vi mạch, bán dẫn do Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức (theo sự tài trợ của Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)....

Thân Lai
.
.