Kỳ 2: Công an xã tại khu công nghiệp - Lá chắn” an ninh giữa những đại công trường
Với dân số khoảng 112.000 nhân khẩu nhưng có đến gần 88.000 người nhập cư (chiếm hơn 78%), phường An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) là một điển hình về cơ cấu dân cư ở vùng phát triển công nghiệp...
Bình Dương với 41 khu, cụm công nghiệp (KCN) thu hút hơn 73.000 doanh nghiệp trong nước, gần 4.400 dự án FID; Đồng Nai có 32 KCN, thu hút hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài của gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ; TP Hồ Chí Minh nơi có 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất… trở thành 3 địa phương phát triển mạnh về công nghiệp của cả nước và thu hút hàng triệu người nhập cư từ các tỉnh, thành trên cả nước đến làm việc và sinh sống. Người tạm trú, tạo nguồn nhân lực quan trọng để phát triển kinh tế nhưng cũng gây áp lực lớn lên công tác an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, với nỗ lực của Công an cấp xã, phường ở các địa phương nói trên trong những năm qua luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội...
Chuyện ghi tại một Công an phường kiểu mẫu
Với dân số khoảng 112.000 nhân khẩu nhưng có đến gần 88.000 người nhập cư (chiếm hơn 78%), phường An Phú (TP Thuận An, Bình Dương) là một điển hình về cơ cấu dân cư ở vùng phát triển công nghiệp. Người nhập cư đến từ các vùng miền với phong tục tập quán, văn hóa ứng xử, lối sống khác nhau dẫn đến có nhiều mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, tội phạm, tệ nạn, những thành phần bất hảo, “đá cá lăn dưa” từ khắp nơi cũng tìm về hoạt động. Chính vì vậy mà có một thời (từ năm 2020 trở về trước) An Phú trở thành địa bàn phức tạp bởi các băng nhóm giang hồ bảo kê, đâm thuê chém mướn; trộm cắp, cướp giật, ma túy… hoành hành.
Ngoài ra vấn nạn buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường cũng hết sức nhức nhối, vào những giờ cao điểm, nhiều tuyến đường không còn chỗ cho phương tiện lưu thông, gây cảnh kẹt xe, ùn ứ, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và bao hệ lụy khác. Còn bây giờ, An Phú đã trở thành điểm sáng về ANTT.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường An Phú, đó là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vượt bậc của Công an phường An Phú.

Ở phường An Phú có những khu nhà trọ lên đến hàng trăm phòng với cả ngàn nhân khẩu là công nhân trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp ở bên ngoài. Như nhà trọ Hùng Bò ở số 148C/2 đường Từ Văn Phước có đến 360 phòng trọ hình thành từ cách đây nhiều năm. Bà Nguyễn Thị Che (SN 1965, quê Hậu Giang) cho biết đã đến đây ở trọ từ năm 2023 cùng 3 người con đi làm công nhân. “Cô ở nhà đi chợ nấu cơm, giặt giũ cho mấy đứa nhỏ. Ở đây hơn năm rưỡi rồi mà nhà trọ chưa xảy ra vụ mất cắp hay đánh nhau nào nên cảm thấy rất an tâm” - bà Che cho biết.
Để có được như vậy, bà Phạm Thị Nga, quản lý khu trọ nói là nhờ công tác tuyên truyền, quản lý tốt con người, đối tượng của Công an phường An Phú. Theo bà Nga, tất cả người ở trọ đều đăng ký tạm trú, có lý lịch rõ ràng và đều làm cam kết không gây bất ổn về ANTT. Mỗi lần có người lạ xuất hiện ở khu trọ có biểu hiện nghi vấn hay mâu thuẫn giữa những người ở trọ với nhau mới manh nha là tôi gọi điện ngay cho Công an phường. Chỉ vài phút sau là Công an đến nơi và giải quyết dứt điểm vụ việc bằng nhiều hình thức từ hòa giải, can thiệp đến giáo dục, răn đe.
Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Trưởng Công an phường An Phú cho biết, mô hình Câu lạc bộ chủ nhà trọ (gần 3.200 thành viên) phát triển mạnh ở phường An Phú. Bởi hơn ai hết, chính chủ nhà trọ mới là người chủ động phòng ngừa tội phạm để đảm bảo an toàn trong kinh doanh của cơ sở mình. Cho nên khi cần tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm, chủ trương, chính sách của pháp luật nhà nước thì thông qua chủ nhà trọ là đảm bảo đến được với từng người tạm trú nên phát huy hiệu quả cao.
Cũng theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, ở những địa bàn đông người nhập cư như phường An Phú thì cũng là nơi mà đối tượng trộm cắp, ma túy tìm về hoạt động. Chính vì vậy mà trong công tác tuần tra, Công an phường An Phú đề cao tính hiệu quả, thiết thực, đi vào chiều sâu chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, làm hình thức cho có. Trong quá trình tuần tra, tất cả các đối tượng nghi vấn đều được Công an kiểm tra hành chính, có vi phạm là lập tức đưa về phường để lập hồ sơ xử lý. Khi cần thiết là gọi hỏi, răn đe để triệt tiêu ngay mầm mống phát sinh tội phạm. “Những ngày đầu tháng 3/2025, khi bỏ Công an cấp huyện, tội phạm cũng nhen nhóm, nhanh nha hoạt động trở lại nên Công an phường luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, trấn áp để đảm bảo ANTT được giữ vững” - Thiếu tá Lê Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, ma túy là mầm mống của nhiều loại tội phạm nên công tác đấu tranh với loại tội phạm này là không khoan nhượng. Trong năm 2024, Công an phường phát hiện 38 vụ, 93 đối tượng, tăng 14 vụ so với năm 2023. Ngoài ra còn lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 124 đối tượng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đã lập hồ sơ đưa 24 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Đến nay, địa bàn không phát sinh người nghiện mới, không phát sinh số đối tượng lọt diện quản lý gây án. Riêng trong quý 1 năm 2025, Công an phường An Phú phát hiện 9 vụ (13 đối tượng) về hành vi mua bán, sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy. Đồng thời lập hồ sơ đưa 34 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Số lượng này chiếm khoảng 50% trường hợp bị đưa đi cai nghiện bắt buộc trên toàn địa bàn TP Thuận An.
Một trong những vụ triệt xóa tụ điểm ma túy nổi bật của Công an phường là phát hiện và bắt giữ chủ tiệm tạp hóa bán bánh mì kèm ma túy vào đầu tháng 11/2024. Đồng Thị Hà (SN 1976) là chủ tiệm tạp hóa Thu Hà ở khu phố 3, phường An Phú, để qua mắt cơ quan chức năng, Hà để tủ bán bánh mì trước cửa tiệm, ai mua bánh mì có kèm ma túy thì Hà vo tròn mảnh giấy có chứa ma túy bỏ kèm theo ổ bánh mì. Giá bán một ổ bánh mì như vậy là 215.000 đồng, trong đó 200.000 đồng tiền mua ma túy, còn 15.000 đồng là giá ổ bánh mì.
Năm 2024, Công an phường An Phú là một trong sáu đơn vị của tỉnh Bình Dương được chọn xây dựng Công an phường kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị. Với số vụ vi phạm về trật tự xã hội xảy ra trong năm 2024 giảm gần 22% so với năm 2023 và làm tốt các mặt công tác còn lại, Công an phường An Phú vinh dự nhận được cờ thi đua của Bộ Công an. Cũng trong năm 2024, 4 lượt tập thể và 18 lượt cá nhân được đề nghị các cấp khen thưởng, không có cán bộ, chiến sĩ nào vi phạm điều lệnh Công an nhân dân và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Những mô hình hiệu quả đảm bảo ANTT tại các KCN
Bên cạnh Công an 91 xã, phường, thị trấn, Bình Dương còn có 8 Đồn Công an tại 8 khu công nghiệp luôn kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp về ANTT khi có phát sinh. Toàn tỉnh đã xây dựng được 991 đội công nhân xung kích tự quản về ANTT tại các doanh nghiệp với 18.229 thành viên tham gia; vận động hơn 2.000 thành viên tham gia lực lượng tự vệ, bảo vệ trong các doanh nghiệp. Đây là lực lượng tại chỗ có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng Công an tuần tra, sẵn sàng tham gia bảo đảm ANTT khi có tình huống phức tạp xảy ra.
Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp chủ động phòng ngừa, không để xảy ra ngừng việc tập thể tại 34 doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cho hơn 22.000 công nhân. Đặc biệt, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý các tài khoản đăng tải thông tin xấu, độc, thông tin giả mạo trên không gian mạng. Cơ quan Công an đã khởi tố và điều tra 21 vụ phạm tội về trật tự xã hội liên quan đến công nghệ cao, vượt 125% chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm 3 vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; phát hiện và xử lý 15 vụ việc vi phạm lĩnh vực an ninh kinh tế…
Hiện nay, mô hình phổ biến ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương là Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm được xây dựng quy chế hoạt động và chịu sự quản lý toàn diện của Đảng ủy, UBND cấp xã. Mỗi câu lạc bộ chia thành 2 bộ phận là Đội xung kích phòng, chống tội phạm và Đội tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đội xung kích chỉ được bắt tội phạm quả tang và truy nã; còn các đối tượng có nghi vấn phạm tội thì cấp báo ngay đến cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Nhờ xây dựng “hệ thống phòng thủ” vững chắc với “tai mắt” khắp nơi bao vây tội phạm nên đã góp phần rất lớn giúp Công an tỉnh Bình Dương đấu tranh trấn áp, phòng ngừa các loại tội phạm, bảo vệ bình yên cho người dân, công nhân và doanh nghiệp.
Tại tỉnh Đồng Nai, nơi có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng trên 450.000 người lưu trú nên việc ngăn chặn tội phạm trong các khu nhà trọ cũng là vấn đề mà ngành Công an luôn phải chú trọng giải quyết. Và một trong những giải pháp đó là xây dựng mô hình Nhà trọ văn minh, văn hóa, không có tội phạm. Hiện toàn tỉnh có 63 mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT trong khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp và trường học do lực lượng Công an, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng. Qua đó đã góp phần đảm bảo tốt ANTT, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Ngoài 8 Đồn Công an KCN, để bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh tại 32 KCN trên địa bàn, Công an tỉnh Đồng Nai cũng thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cũng như Công an các huyện, thành phố trong việc tăng cường triển khai các kế hoạch chuyên đề và phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, nghiệp vụ đấu tranh phòng ngừa để đảm bảo ANTT tại các KCN.
Tại TP Hồ Chí Minh, hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang quản lý, duy trì hoạt động của 19 mô hình, nổi bật là một số mô hình phát huy hiệu quả như: camera giám sát tình hình ANTT; mô hình hỗ trợ nhân dân tiếp cận các tiện ích của công nghệ 4.0 thực hiện dịch vụ công và tố giác tội phạm; mô hình nhóm hộ tự quản về ANTT; mô hình chốt nhân dân tự quản về ANTT…
Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh còn phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức xây dựng mô hình “Đội Thanh niên công nhân đảm bảo ANTT, phòng, chống tụ tập đông người, gây rối ANTT” tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP…