Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Thứ Ba, 22/04/2025, 14:38

Dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm 5 chương và 45 điều, trong đó các quy định về thẩm quyền, điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật.

Cụ thể, về thẩm quyền tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù -0
Đại diện Bộ Công an Việt Nam tiến hành bàn giao phạm nhân Jong Jae Hong (người mặc áo đen, ngoài cùng bên phải) cho Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào ngày 13/3/2025.

Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. Điều này phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 và là nội dung mới so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP).

Về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận, chuyển giao khi có đủ các điều kiện:

 Là công dân Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc nước nhận đồng ý tiếp nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài).

Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án phạt tù cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước chuyển giao (hoặc nước nhận).

Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 1 năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn 1 năm.

Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật.

Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao (hoặc nước nhận).

Có sự đồng ý của người được chuyển giao.

Ngoài ra, trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật của nước chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.

Các quy định này cơ bản kế thừa quy định tại Điều 50 của Luật TTTP. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù cũng như phù hợp với hầu hết các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên, trong trường hợp Việt Nam là nước nhận, dự thảo Luật bỏ quy định về người đang chấp hành án phạt tù có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam và quy định thời hạn còn lại tiếp tục thi hành án ít nhất 6 tháng trong trường hợp đặc biệt. Đây là các nội dung mới so với Luật TTTP. Cùng với đó, dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định chi tiết trường hợp đặc biệt nếu thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít hơn một năm.   

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, những quy định này sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Nguyễn Hương
.
.