Công an các tỉnh chủ động phòng, chống bão số 3
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,7 độ vĩ Bắc, 114,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông, cách Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 705 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp II (103 - 117 km/giờ) giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 – 25 km/h…
* Thanh Hoá:
Dự báo từ tối và đêm 21/7, trên đất liền từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7 - 9, giật cấp 10 – 11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9; vùng gần tâm bão cấp 10 – 11, giật cấp 11…


Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh; các kế hoạch, phương án của Giám đốc Công an tỉnh; chỉ đạo của chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến của bão, mưa lớn trên diện rộng, kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất.
Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Chủ động kiểm tra, rà soát trụ sở, nơi làm việc của đơn vị để có phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn các công trình, mục tiêu trọng điểm, nhất là trụ sở làm việc, trại giam, nhà tạm giữ, hồ sơ, tài liệu, phương tiện chiến đấu, vật tư kỹ thuật phục vụ thông tin liên lạc, liên lạc thông suốt. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nắm tình hình, kiểm tra, rà soát nơi ở của nhân dân ở những khu vực không an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để tuyên truyền, vận động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Các đơn vị Công an trong tỉnh đã tăng cường lực lượng, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, sẵn sàng tham gia giải quyết, xử lý các tình huống phức tạp do mưa bão gây ra. Các đơn vị Công an trong tỉnh, nhất là lực lượng Công an ven biển, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an các xã, phường phối hợp với các cấp, các ngành và lực lượng Biên phòng đến từng hộ dân, nhất là các hộ ngư dân sống trên tàu thuyền để tuyên truyền, vận động người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.




10h sáng 20/7, tại khu neo đậu tàu thuyền thuộc địa phận xã Vạn Lộc, 440 tàu thuyền của xã đã được kêu gọi neo đậu an toàn. Công an xã Vạn Lộc đã trực tiếp đến từng tàu thuyền để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không ở trên tàu thuyền khi bão vào. Đồng thời, tiến hành kiểm tra các bến đò, bến phà chở khách qua sông, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông đường thủy qua lại.
Theo báo cáo của UBND xã Vạn Lộc, đến thời điểm này đã có thêm 197 tàu cá của ngư dân các địa phương khác đã được neo đậu an toàn tại khu vực Hậu Lộc. Chính quyền địa phương đã lên phương án sơ tán hơn 500 hộ với gần 2.000 người sống tại các nơi trũng thấp, các khu vực có nguy cơ sạt lở... về nơi tránh trú an toàn.
Tại khu vực cảng cá Hòa Lộc, Công an xã Hoa Lộc đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn các thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh, huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng, bảo đảm an toàn tài sản cho nhân dân trên địa bàn xã.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của mình, người dân cần lưu ý: Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, chủ động sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm; trong khi xảy ra bão, người dân nên ở trong nhà, nơi trú ẩn an toàn, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài; tránh xa cửa sổ và cửa ra vào; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; không tránh trú dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ; nếu được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến nơi trú ẩn an toàn được chính quyền, địa phương sắp xếp; thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
* Hưng Yên:
Ngay khi chưa hình thành bão, mới chỉ là áp thấp nhiệt đới, từ ngày 18/7, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 565, về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.
Khi hình thành cơn bão Wipha, ngày 19/7, Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục ban hành Điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động trong công tác dự báo tình hình, căn cứ đặc điểm của địa bàn triển khai ngay các kế hoạch, phương án bảo đảm tốt công tác ANTT với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Cụ thể, triển khai các kế hoạch bảo đảm tốt ANTT tại địa bàn cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng thiên tai để vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản.

Hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện, nhất là trên các trục giao thông chính, tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.
Bố trí lực lượng Công an cơ sở cùng phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, ”5 chủ động” các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an. Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động bất ngờ.
Chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an xã, phường (nhất là các xã, phường tiếp giáp biển và các sông lớn) tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường thủy, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, tuyến đê các sông lớn trên địa bàn tỉnh, các khu vực đường bị ngập, bến đò, phà, những điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để tổ chức hướng dẫn phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, phối hợp cơ quan chức năng phòng ngừa, cưa cắt, giải tỏa, di chuyển cây lớn đổ trên các tuyến giao thông khi mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh xảy ra.
Bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc; bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai ngay các nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng, chống thiên tai. Đồng thời, phân công cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 3 tại địa bàn các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 5h ngày 20/7, toàn tỉnh Hưng Yên có 1.132 phương tiện tàu, thuyền với 3.241 lao động. Trong đó, 1.012 phương tiện đã neo đậu an toàn tại bến trong tỉnh, 87 phương tiện đang hoạt động ven biển Thái Bình và 28 phương tiện neo đậu ngoài tỉnh. Tất cả các phương tiện đều đã được liên lạc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.179 chòi canh (1.254 lao động) và 1.128 đầm nuôi trồng thủy sản (1.617 lao động) đang hoạt động ven biển.