Chia sẻ của những cán bộ Công an đầu tiên đến Cộng hoà Trung Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Thứ Hai, 28/07/2025, 08:25

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ Công an đã công bố và trao quyết định cho các sĩ quan Tổ công tác số 6 đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi. Đây là phái bộ vũ trang của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời là phái bộ mới, lần đầu tiên Bộ Công an triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình (GGHB) thực hiện nhiệm vụ… Dấu mốc quan trọng này khẳng định vị thế, vai trò của lực lượng Công an trên trường quốc tế nói chung và lĩnh vực GGHB nói riêng.

Trung tá Nguyễn Quyên Chinh (Trường Đại học An ninh nhân dân) là cán bộ Công an Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại phái bộ MINUSCA, Cộng hoà Trung Phi.

Tại buổi lễ xuất quân cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại phái bộ MINUSCA, Thiếu tướng Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường đã xúc động chia sẻ: Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân đồng chí Nguyễn Quyên Chinh và gia đình mà còn là niềm tự hào của Trường Đại học An ninh nhân dân và Bộ Công an. Những chia sẻ của người đứng đầu đơn vị càng củng cố thêm quyết tâm của Trung tá Nguyễn Quyên Chinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Anh chia sẻ: “Với mong muốn được thử sức ở môi trường mới, đồng thời để vượt qua các kỳ sát hạch, được tham gia khóa huấn luyện, tôi đã tự tìm hiểu qua internet và các mối quan hệ trong cuộc sống kiến thức về hoạt động GGHB. Đồng thời, không ngừng tự trau dồi khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường quốc tế”. Trước thời điểm lên đường nhận nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Quyên Chinh mong muốn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được LHQ giao, đồng thời quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, về người chiến sĩ Công an Việt Nam chuyên nghiệp, thân thiện đến cộng đồng quốc tế và hoàn thành chuyến công tác trở về an toàn.

Chia sẻ của những cán bộ Công an đầu tiên đến Cộng hoà Trung Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình -0
Trung tá Nguyễn Quyên Chinh (thứ hai từ phải qua), cán bộ đầu tiên của Trường Đại học An ninh nhân dân thực hiện nhiệm vụ lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Phái bộ MINUSCA, Cộng hoà Trung Phi.

Chúng tôi gặp Đại úy Bùi Thị Đăng Hà, thành viên của Tổ công tác số 6 vào một buổi chiều muộn, trước thời điểm chị cùng các thành viên chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Trong cuộc trò chuyện với chị, tôi cảm nhận phía sau cô gái có gương mặt thanh tú, dáng vẻ nhỏ nhắn ấy là một nghị lực mạnh mẽ.

“Tôi mong muốn có một nhiệm kỳ an toàn, thành công tại phái bộ. Ngoài việc hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế, sẽ lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an Việt Nam cũng như đất nước, con người Việt Nam đến bè bạn quốc tế và nhân dân Trung Phi. Từ đó, tạo nên những hình ảnh đẹp về Việt Nam trong lòng bè bạn quốc tế…”- Đại úy Bùi Thị Đăng Hà chia sẻ. Tốt nghiệp Học viện An ninh, khoa điều tra hình sự, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà về nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an TP Hải Phòng và gắn bó từ thời điểm đó đến nay đã gần 13 năm… Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà biết đến lực lượng GGHB. Và rồi, chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh của những nữ quân nhân tham gia vào lực lượng GGHB, đóng góp cho nền hòa bình chung trên thế giới tại các khu vực còn xung đột và nghèo đói đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của chị. Từ sự ngưỡng mộ đó, năm 2022, khi Bộ Công an có chủ trương cử cán bộ CAND tham gia lực lượng GGHB, Đại uý Bùi Thị Đăng Hà đã quyết định tham gia lực lượng GGHB.

Chị tiếp lời: “Tôi muốn thử thách trong môi trường làm việc mới, đi xa hơn để mở mang tầm mắt và đóng góp cho nền hòa bình chung của thế giới; giúp đỡ cho các nước còn đang trong tình trạng xung đột, bất ổn”. Ở thời điểm đó, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng như gia đình. Để trau dồi kiến thức và tiến dần đến ước mơ tham gia lực lượng GGHB, vào các buổi tối và xen kẽ thời gian nghỉ, Đăng Hà tìm lớp học nâng cao ngoại ngữ và bổ túc lái xe số sàn một thời gian trước khi được gọi đi tập huấn. Quãng thời gian 3 năm, từ những khóa huấn luyện của Bộ Công an tổ chức, đến nay, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà đã tham gia vào các hội thảo như: Tháng 11/2022 tham gia hội thảo do ICRC (Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế) tổ chức dành cho sĩ quan Cảnh sát tham gia GGHB; tháng 4/2023, tham gia kỳ thi sát hạch tiếng anh do Học viện quốc tế và Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB phối hợp tổ chức; tham gia khóa huấn luyện tiền triển khai vào tháng 5/2023 …

Qua các khóa học đã giúp Đăng Hà có cái nhìn toàn diện về lực lượng GGHB; hiểu được cách thức hoạt động cũng như việc sát hạch để được đứng trong hàng ngũ sĩ quan GGHB LHQ. Cũng qua các khóa huấn luyện, chị đã được tiếp xúc và gặp gỡ với các cán bộ đã vượt qua kỳ thi sát hạch của LHQ và chuẩn bị triển khai; làm quen được với một số bạn bè đồng nghiệp hiện vẫn đang tiếp tục tham gia các hoạt động huấn luyện do Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB tổ chức cũng như những bạn sau này đã tham gia sát hạch và hiện đang công tác tại các phái bộ Unmiss và Abyei. Sự giúp đỡ, ủng hộ đó đã cho Hà những thông tin hữu ích, thực tế về hoạt động GGHB để chị tiếp tục theo đuổi sự nghiệp GGHB.

 Chia sẻ về kỷ niệm của mình, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà cho biết: “Tôi là một trong 2 người đầu tiên tham gia khóa huấn luyện giảng viên cho Đơn vị Cảnh sát GGHB (FPU) do Indonesia tổ chức vào tháng 8-9/2023. Tại đây, tôi đã hiểu hơn về một hình thức khác của lực lượng GGHB; biết được những nội dung cơ bản trong học tập, huấn luyện và trực tiếp chứng kiến kỳ thi sát sạch của một đơn vị Cảnh sát GGHB tại Trung tâm huấn luyện cảnh sát GGHB của Indonesia. Từ đó, có thêm nhiều kiến thức về lực lượng GGHB”.

Cũng như các thành viên của Tổ công tác số 6, vì đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử cán bộ Công an đến Trung Phi nên Đăng Hà cũng có đôi phần lo lắng về tình hình an ninh, điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt ở Cộng hoà Trung Phi. Tuy nhiên, trong thời gian trưng tập, chị và các đồng đội đã được tham gia một số buổi tập huấn của Văn phòng tổ chức…  Thông qua một số buổi làm việc và kết nối, Đại úy Bùi Thị Đăng Hà cũng như các cán bộ trong Tổ công tác số 6 đã được các các thành viên của Indonesia; các tổ công tác của Bộ Quốc phòng chia sẻ về tình hình chung và một số điều cần lưu ý tại địa bàn Trung Phi. Qua đó, chị và đồng đội đã có cái nhìn tổng quan và sơ bộ về đất nước, con người cũng như tình hình chính trị, an ninh trên địa bàn.

Trước khi tham gia lực lượng GGHB LHQ, Thiếu tá Phạm Minh Đạt có khoảng thời gian gần 8 năm công tác tại Bộ môn Tin học - Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), với vai trò là giảng viên, phụ trách giảng dạy môn tiếng Anh. Sau đó, từ tháng 4/2019 đến nay (6 năm), đồng chí công tác tại Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam, nay là Công an tỉnh Ninh Bình.

“Tham gia lực lượng GGHB LHQ là một quyết định lớn đối với tôi; đồng thời cũng là niềm vinh dự và tự hào. Quyết định này xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và mong muốn được trực tiếp góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tham gia lực lượng GGHB cũng là cơ hội để tôi học hỏi, tiếp cận các phương pháp, quy trình hoạt động chuyên nghiệp của LHQ, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác quốc tế và góp phần lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của con người, đất nước Việt Nam”- Thiếu tá Phạm Minh Đạt cho biết. Để vượt qua các kỳ sát hạch, Thiếu tá Phạm Minh Đạt đã không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ ngoại ngữ; đồng thời tập luyện nâng cao trình độ lái xe, bắn súng để phù hợp với yêu cầu của LHQ. Anh đã vượt qua bài sát hạch với 4 kỹ năng do LHQ tổ chức đánh giá bao gồm: Kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng lái xe, kỹ năng bắn súng.

Thiếu tá Phạm Minh Đạt tham gia khoá huấn luyện đầu tiên do Bộ Công an tổ chức từ tháng 5/2023, đến nay đã được hơn 2 năm. Anh đã tham gia nhiều khóa tập huấn trong nước do Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB và Cục GGHB của Bộ Quốc phòng tổ chức; 1 khóa tập huấn quốc tế tại Italia do CoESPU tổ chức. Trong đó, một kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh là lần tham gia khóa tập huấn tại Trung tâm CoESPU, Italy. Đoàn Công an Việt Nam gồm 3 đồng chí tham gia tập huấn vào đúng ngày 26 tháng Chạp năm Quý Mão, chỉ còn 5 ngày nữa là đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Khoảng 18h địa phương, tức 24h đêm đúng thời điểm giao thừa tại Việt Nam, Thiếu tá Phạm Minh Đạt cùng các anh em ngồi quây quần tại Phòng sinh hoạt chung tại Trung tâm CoESPU để gọi điện về cho gia đình, chúc mừng năm mới. Sau đó, họ mời các bạn bè quốc tế tham gia khóa tập huấn cùng dự 1 bữa tiệc nhỏ; tổ chức các trò chơi dân gian và các chương trình văn nghệ để chúc mừng năm mới. Những ngày Tết đến, xuân về, khi ở trong nước đang rộn ràng đón Xuân mới thì họ lại miệt mài bên những trang sách hay tăng cường huấn luyện để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm của LHQ để phục vụ quá trình triển khai công tác tại phái bộ sau này.

Anh Đạt cho biết, Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB cũng đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng chí đi trước, đặc biệt là buổi chia sẻ kinh nghiệm tại Cục GGHB với các đồng chí vừa hoàn thành nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA, Cộng hòa Trung Phi mới về nước. Xác định đây là nhiệm vụ quốc tế quan trọng, vì vậy, Thiếu tá Phạm Minh Đạt đã chuẩn bị rất kỹ từ kiến thức chuyên môn đến tâm thế. Ngoài việc tham gia đầy đủ các khoá huấn luyện tiền triển khai, anh còn chủ động học thêm ngoại ngữ tiếng Pháp; tìm hiểu về văn hoá, tôn giáo và đời sống của người dân bản địa để có thể thích nghi tốt hơn khi đến nơi công tác. Cùng với đó, chuẩn bị kỹ về sức khỏe, thể lực và tinh thần, bởi môi trường làm việc tại phái bộ có thể rất khắc nghiệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình công tác tại Phái bộ MINUSCA, anh mong muốn lớn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó; góp phần giữ vững hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường quốc tế, đa quốc gia, phục vụ tốt hơn cho công tác trong nước sau này.

Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ do là lần đầu tham gia làm việc tại một môi trường mới, nhiều thách thức và mang tính quốc tế nhưng các thành viên của Tổ công tác số 6 đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cũng như đã được huấn luyện để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, với sự sát cánh của các đồng chí, đồng đội, mỗi thành viên trong tổ công tác đều tin rằng sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện theo đúng lời dạy của Bác “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” và 5 lời thề danh dự của CAND Việt Nam “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến”.

Xuân Mai
.
.