Tội phạm lừa đảo trên mạng nhắm vào người có tài sản, có địa vị
Anh N.H đến cơ quan Công an trình báo về việc bị một đối tượng trên mạng có nick “Lê T Uyên” sao chép nhiều hình ảnh cá nhân từ trang Facebook và trang Zalo của mình. Đối tượng sử dụng Deepfake AI (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để ghép clip hoặc hình ảnh nhạy cảm rồi đe dọa gửi cho bạn bè, người quen của anh N.H trên Facebook, Zalo và tống tiền 150 triệu đồng.
Trong một lần giao tiếp như thường lệ, anh N.H kết bạn với tài khoản “Lê T Uyên”. Qua cách nói chuyện, Uyên chia sẻ nhiều câu chuyện thương tâm về gia đình, có cha mắc bệnh ung thư nặng giai đoạn cuối, nằm điều trị ở bệnh viện, người mẹ cũng đang bị bệnh ở quê, bản thân Uyên không đủ tiền lo cho cha mổ, không có tiền để cứu cha khỏi cửa tử. Hoàn cảnh khó khăn của Uyên đã làm anh N.H cảm động bởi cách nói chuyện rất chân thành, thiện tâm, hết lòng muốn cứu cha cô thoát chết.
Sau khi lấy được lòng tin của anh N.H, đối phương ngỏ ý xin số tài khoản Viber cá nhân của anh N.H. Từ đó, đối tượng dùng thủ đoạn kỹ thuật xâm nhập (hack) vào điện thoại của anh N.H để chiếm đoạt thêm thông tin khác ngoài số hình ảnh, clip mà anh N.H quay với các đối tác, bạn bè đã đăng trên Facebook.
Sau đó, đối tượng lấy được danh sách bạn bè, người quen của anh N.H và sử dụng công nghệ Deepfake AI để ghép thành những hình ảnh, clip nhạy cảm. Lúc này, đối tượng đe dọa sẽ gửi các clip, hình ảnh nhạy cảm đến danh sách người quen của anh H., buộc anh này phải chuyển 150 triệu đồng để đổi lấy việc đối tượng không phát các clip, hình ảnh nhạy cảm đó…
Ông H.H, Chủ tịch Tập đoàn M.L cũng đã phản ánh về việc các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake AI để cắt ghép, phát tán hình ảnh nhạy cảm về ông trên mạng xã nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của ông, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Hiện nay, rất nhiều công cụ thực hiện công nghệ Deepfake AI với khả năng hoán đổi khuôn mặt có độ chân thực cao, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Để tạo lòng tin cho nạn nhân, đối tượng lừa đảo sử dụng những hình ảnh thật, thông tin thật lấy từ các diễn viên, người mẫu chia sẻ trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake AI để tạo cuộc gọi video theo thời gian thật, tương tác thật với nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn có thể dẫn dụ nạn nhân cài ứng dụng game, giải trí, đầu tư... để qua đó lén chèn cài đặt các mã độc vào máy điện thoại của nạn nhân nhằm khai thác thông tin danh bạ, thư viện hình ảnh, email, tài khoản ngân hàng...
Sau đó, các đối tượng lợi dụng thời cơ để dẫn dụ nạn nhân thực hiện cuộc gọi video. Khi gọi video, các đối tượng dùng Deepfake AI để ghép mặt nạn nhân các clip nhạy cảm nhằm làm nạn nhân lầm tưởng hình trong clip là người thật. Cùng lúc, đối tượng dùng các ứng dụng quay màn hình để sử dụng trong việc khống chế nạn nhân…
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật nội dung tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.
Đồng thời, người dân cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng (không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội…).
Người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website “lạ”, không rõ nguồn gốc (có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email); chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (như: Appstore của IOS hay CH Play của Android), tuyệt đối không quay hoặc chia sẻ hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm; chú ý khi tham gia kết bạn, làm quen, hẹn hò trên mạng. Luôn ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc… đặc biệt là những hình ảnh “nhạy cảm” có thể bị lợi dụng để cắt ghép.
Nếu bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.