Thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng

Thứ Hai, 16/12/2024, 13:35

Đây là con số được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đưa ra trong báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2024 do Hiệp hội thực hiện trong tháng 12/2024. 

Khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tiến hành từ ngày 28/11 đến ngày 14/12 đối với trên 59.000 người dùng cá nhân tham gia, kết quả cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số nạn nhân có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng - đây là tỷ lệ khá thấp.

Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ -0
Lừa đảo đầu tư tài chính là 1 trong 3 thủ đoạn phổ biến nhất trong năm 2024.

Các hình thức lừa đảo phổ biến, hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao; 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật; 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng, thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó theo kết quả khảo sát 73,99% người dùng nhận định bị lộ lọt do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó 62,13% người dùng cho rằng nguyên nhân còn là do chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67% người dùng cho rằng lộ lọt thông tin trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu của nhà hàng, khách sạn, siêu thị.

Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ -0
Người dùng cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội đảm bảo an toàn.

Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, đây cũng là những nguyên nhân phổ biến trên thế giới. Một người dùng hiện nay thường có từ 2,3 tài khoản và sử dụng mạng xã hội, khiến cho thông tin cá nhân được thu thập, lưu trữ ở hàng trăm hệ thống khác nhau. Trong khi việc đảm bảo an ninh dữ liệu cho các hệ thống này không đồng nhất, có nguy cơ bị tấn công, rò rỉ dữ liệu từ quy trình vận hành, con người hay lỗ hổng an ninh mạng. Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin cá nhân, sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông tin của mình được dùng để làm gì.

Còn theo thống kê từ hệ thống nTrust, giải pháp phòng chống lừa đảo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024 đã ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Hệ thống nTrust cũng liên tục phải cập nhật mới các số điện thoại lừa đảo, làm phiền, danh sách cập nhật trong năm 2024 lên tới 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục rà soát, yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao để xử lý mạnh tay các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại chúng để sử dụng. Các đối tượng sau đó cắm sim vào thiết bị chuyên dụng, sử dụng phần mềm trên máy tính để thực hiện hàng chục cuộc gọi cùng lúc.

Ngoài ra, mã độc tấn công người dùng cá nhân vẫn tiếp tục là mối đe dọa người dùng cá nhân. Theo khảo sát, có tới 23,4% người dùng bị tấn công bởi mã độc ít nhất 1 lần trong năm, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc của họ. Trong đó, có tới 9,65% người dùng đã bị tấn công bởi mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền...

Huyền Thanh
.
.