Lòng tham là “miền đất hứa” của cạm bẫy trên không gian mạng
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, nhưng trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn có những diễn biến phức tạp.
Phương thức thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhắm đến nhiều nhóm đối tượng; điểm chung của các vụ lừa đảo là chúng đánh vào tâm lý lo sợ, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Vào đầu tháng 4/2024, có đối tượng gọi điện thoại cho bà N.T.L, trú tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La giới thiệu là Công an và hướng dẫn bà L tải ứng dụng CỔNG DỊCH VỤ CÔNG giả mạo có gắn mã độc theo đường link “dichvucong.bvgov.com”. Trong quá trình tải ứng dụng về, đối tượng đã hướng dẫn bà L làm theo các thao tác và yêu cầu bà L chuyển 10.000 đồng vào tài khoản của đối tượng là phí thực hiện cập nhật thông tin. Trong quá trình đợi ứng dụng chạy và tải tài khoản ứng dụng ngân hàng thực hiện phí chuyển tiền cho đối tượng, bà L đã bị chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Ngay sau đó, bà L đã đến Công an tỉnh Sơn La trình báo.
Hay mới đây vào đầu tháng 11, anh T.A.T ở phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, bị một đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ điện lực thông báo từ tháng 11 trở đi Tập đoàn EVN yêu cầu thanh toán trực tiếp qua APP của tập đoàn và sẽ không thanh toán qua các ngân hàng nữa. Đối tượng đã hướng dẫn anh T vào App Store trên điện thoại tải phần mềm EVN. Sau đó, đối tượng hướng dẫn anh T cập nhật số tài khoản, số điện thoại, mật khẩu, số hợp đồng điện để trừ đúng số tiền điện phải thanh toán theo mã hợp đồng hàng tháng.
Tiếp đó, đối tượng gửi mã QR để quét và yêu cầu anh T ấn giữ 2 giây để lưu mã QR, sau đó hệ thống yêu cầu nhập mã OTP của anh T và quét sinh trắc học, anh T đã thực hiện theo và ngay lập tức tài khoản của anh T bị trừ hơn 256 triệu đồng. Biết mình bị chiếm đoạt tài sản, anh T đã gửi đơn trình báo đến Công an thành phố Sơn La.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có rất nhiều người là nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Năm 2024, toàn tỉnh Sơn La đã tiếp nhận mới 18 vụ, phục hồi 2 vụ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tài sản thiệt hại trên 21 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ với 5 bị can, tạm đình chỉ 1 vụ, đang xác minh 7 vụ.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La cho biết: Qua công tác nắm tình hình, thụ lý điều tra các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng, nổi lên một số phương thức thủ đoạn phổ biến, như: Các đối tượng kết bạn làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) hứa hẹn yêu đương, tặng quà hoặc vay tiền rồi lừa đảo; chiếm đoạt quyền quản trị (hack tài khoản) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của các chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; tạo lập các website hoặc ứng dụng trên kho App store, CHPlay về sàn giao dịch tài chính, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế... để lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Sau đó, chúng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền người dân tham gia. Hoặc họ giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông qua giao thức VoIP để hăm dọa các bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Chủ động đấu tranh, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền về tội phạm công nghệ cao. Trong đó, tập trung khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các hội nhóm đông thành viên, người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng...
Xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chi bộ; sử dụng đa dạng các hình thức nghệ thuật biểu diễn, như: Các video clip ngắn, phim truyện để truyền tải các thông điệp về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng... Qua đó, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo qua mạng.
Quy tắc “6 KHÔNG” - Trích Cẩm nang “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” do Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông biên soạn
- KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
- KHÔNG kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
- KHÔNG truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
- KHÔNG cán bộ cơ quan Nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hay đơn vị tài chính... nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
- KHÔNG thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
- KHÔNG tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.
Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... hoặc websiteKhonggianmang.vn.