Cảnh giác với trò lừa mạo danh “Học kỳ Công an”, "Trại hè Quân đội"
Các đối tượng tạo fanpage, nhóm trên mạng xã hội facebook với tên gọi liên quan đến khoá học trải nghiệm trong Công an, Quân đội, như: “Trải nghiệm Học kỳ Quân Đội” “Trại hè Quân đội 2025”, “Trại hè Quân đội chính quy 2025”, “Học làm chiến sĩ Công an”, “Học kỳ Công an”; đồng thời, viết bài quảng báo, dùng hình ảnh, video do các đơn vị Công an, Quân đội đã từng tổ chức trước đây đăng tải lên fanpage, nhóm facebook để tăng độ tin cậy với "con mồi"...
Lợi dụng nhu cầu của các bậc phụ huynh lên mạng xã hội tìm cho con các khoá học hè để “rèn kỹ năng, tăng trải nghiệm", gần đây, nhiều đối tượng đã giăng bẫy lừa đảo mạo danh “Học kỳ Công an”, “Trại hè Quân đội” để chiếm đoạt tài sản.
Dùng mạng xã hội để “săn mồi”
Trước khi tìm kiếm "con mồi", các đối tượng tạo fanpage, nhóm trên mạng xã hội facebook với tên gọi liên quan đến khoá học trải nghiệm trong Công an, Quân đội, như: “Trải nghiệm Học Kỳ Quân Đội” “Trại hè Quân đội 2025”, “Trại hè Quân đội chính quy 2025”, “Học làm chiến sĩ Công an”, “Học kỳ Công an”; đồng thời, viết bài quảng báo, dùng hình ảnh, video do các đơn vị Công an, Quân đội đã từng tổ chức trước đây đăng tải lên fanpage, nhóm facebook để tăng độ tin cậy với "con mồi"...
Tiếp sau đó, các đối tượng chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm “con mồi” với những nội dung rất hấp dẫn như: “Học viên tham gia sẽ được trải nghiệm môi trường đào tạo của Công an, Quân đội; được cấp phát trang phục và giấy chứng nhận của Công an, Quân đội... Chương trình tập trung huấn luyện các con những kỹ năng sống cần thiết như: rèn luyện tính kỷ luật, giờ giấc sinh hoạt, tự gấp chăn màn; rèn luyện thể chất; kỹ năng sơ cứu; kỹ năng giao tiếp, ứng xử và làm việc đội nhóm…”.

Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của người tham gia học và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt các phụ huynh truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân.
Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram và từ đó, "con mồi" sẽ rơi vào những kịch bản “lừa đảo” được giăng sẵn.
Một cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây, nhóm đối tượng lừa đảo thường yêu cầu phụ huynh đóng phí hồ sơ hoặc “thực hiện nhiệm vụ online” của các nhãn hàng tài trợ cho chương trình để lừa đảo. Nhưng gần đây, kịch bản có sự điều chỉnh theo hướng tinh vi, xảo quyệt hơn để tránh sự nghi ngờ của nạn nhân.
Cụ thể, khi các thủ đoạn về “thực hiện nhiệm vụ online” thanh toán đơn hàng cho các nhãn hàng tài trợ cho chương trình đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần trước đó, nhóm lừa đảo chuyển từ yêu cầu “thực hiện nhiệm vụ online” sang yêu cầu “khảo sát” dẫn dụ nạn nhân đạt điểm tín nhiệm cao để con em mình có cơ hội trúng tuyển cao hơn các trường hợp khác.
Phụ huynh sẽ được dẫn dụ tham gia “khảo sát 1”, “khảo sát 2” với số tiền thấp. Và chỉ trong vòng 3 - 5 phút sau cuộc khảo sát bỏ túi, “con mồi” đều được hoàn lại tiền, được trả phí khảo sát đúng như cam kết.
Thế nhưng khi thực hiện “khảo sát 3” trở đi, các đối tượng liền viện rất nhiều lý do khác nhau, yêu cầu “con mồi” phải tiếp tục tham gia khảo sát với giá trị tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mới có thể nhận được tiền gốc và phí khảo sát. Và khi “con mồi” hết khả năng huy động vốn, phát hiện mình bị sập bẫy lừa thì các đối tượng xoá nhóm Telegram, cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Bằng thủ đoạn trên, cách nay chưa lâu, các đối tượng đã lừa, chiếm đoạt của một người phụ nữ ở Hà Nội với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Mới đây, chị B.T.K (SN 1985, trú tại xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, chị lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè năm 2025 trong Công an, Quân đội với mong muốn con được rèn luyện tính kỷ luật, giờ giấc sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe và trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, sơ cấp cứu...
"Qua tìm hiểu, tôi đã liên hệ với trang Facebook “Trại Hè Quân Đội Chính Quy năm 2025” và đăng ký cho con. Sau đó, tôi được các đối tượng yêu cầu tải ứng dụng Telegram để tham gia nhiệm vụ “khảo sát” cho hãng tài trợ chương trình và hưởng hoa hồng 10%. Do có người thân đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nên tôi liền điện thoại để nhờ hỗ trợ xác minh và xác định đây là thông tin sai sự thật, mạo danh, có dấu hiệu lừa đảo”, chị K kể thêm.
Tỉnh táo để tránh bị sập bẫy lừa
Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm các khóa học, chương trình ngoại khóa trong dịp nghỉ hè, các đối tượng sử dụng chiêu trò mạo danh “Trại hè Quân đội” và “Học kỳ Công an” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người đăng ký tham gia.
Tại Quảng Ngãi, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong 2025, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho biết chưa có chủ trương phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh để tổ chức các chương trình “Trại hè Quân đội” và “Học kỳ Công an”.
“Khi có chủ trương, Tỉnh Đoàn sẽ thông báo trên các kênh thông tin chính thức của cơ quan. Do đó, mọi hoạt động quảng cáo tuyển sinh, phối hợp với các đơn vị Công an, Quân đội trên địa bàn tỉnh để tổ chức khoá học hè, trải nghiệm trong môi trường Công an, Quân đội năm 2025 thời gian qua đều là mạo danh, có dấu hiệu lừa đảo”, một cán bộ Tỉnh Đoàn cho biết.
Trước thực tế đáng ngại trên, để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu người dân cẩn trọng, nêu cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
“Khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng trong môi trường Quân đội, Công an, phụ huynh nên liên hệ, đăng ký trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời”, Thượng tá Nguyễn Ngọc Thạnh, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo.