Cảnh giác với các hình thức kêu gọi từ thiện, giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo

Chủ Nhật, 19/05/2024, 10:08

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về một số hình thức, thủ đoạn lừa đảo mới mà người dân cần cảnh giác như lừa đảo kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản, giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo...

Gia tăng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội

Theo Cục An toàn thông tin, hiện nay, tình trạng lừa đảo bằng hình thức kêu gọi từ thiện diễn ra ngày càng nhiều khiến cho số lượng nạn nhân ngày một tăng lên. Đối tượng lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để trục lợi về phía mình. Mới đây, 2 đối tượng là Vy Bảo Châu (sinh năm 1998, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và Huỳnh Phương Thủy (sinh năm 2004, trú tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo kể trên.

Cảnh giác với các hình thức kêu gọi từ thiện, giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo -0
Người dân nên chọn các quỹ từ thiện uy tín để lòng tốt của mình được trao gửi đúng chỗ.

Vy Bảo Châu đã lập nhiều tài khoản giả mạo, để hình đại diện là những tổ chức từ thiện uy tín. Bằng những tài khoản này, đối tượng đăng tải các bài viết có nội dung về những người có số phận bất hạnh, sau đó đính kèm số tài khoản chính thống của các tổ chức từ thiện. Tiếp theo, đối tượng vào phần bình luận, nói là số tài khoản trên bài bị lỗi và để số tài khoản của mình để người truy cập ủng hộ. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác, nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản của Châu. Với thủ đoạn trên, Vy Bảo Châu đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 400 triệu đồng từ những nhà hảo tâm trên khắp các địa bàn cả nước. Cũng bằng thủ đoạn này,  đối tượng Huỳnh Phương Thủy đã chiếm đoạt số tiền của của người ủng hộ 140 triệu đồng.

Đây là một hiện trạng đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để trục lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Giả mạo quỹ đầu tư, công ty chứng khoán để lừa đảo

Cục An toàn thông tin cho biết, hiện nay, trên mạng xã hội lần lượt xuất hiện nhiều fanpage, nhóm chat giả danh các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhằm dụ dỗ các nạn nhân tham gia gửi tiền.

Theo cơ quan Công an, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh quỹ PYN Lite để kêu gọi người dân đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản. Ban đầu, dưới danh nghĩa là các chuyên gia, cố vấn cấp cao của PYN Lite, kẻ lừa đảo tiếp cận và giới thiệu với nạn nhân về các khóa học đầu tư. Sau đó, các nạn nhân được add vào các nhóm chat Zalo , Telegram với số thành viên lên tới hàng chục nghìn người. Các đối tượng lừa đảo sử dụng phương pháp hết sức tinh vi như tạo ra ứng dụng giả mạo Pyn Smart, tạo ra website theo đường dẫn pynelitevn.pro với giao diện y nguyên từ website gốc, lập các tài khoản ngân hàng dưới danh nghĩa các công ty PYN Lite giả mạo để tạo dựng độ uy tín nhằm lợi dụng sự bất cẩn của người dân.

Cảnh giác với các hình thức kêu gọi từ thiện, giả mạo quỹ đầu tư để lừa đảo -0
Người dân cần cảnh giác trước những lời mời kêu gọi đầu tư trên mạng xã hội.

Trong khi đó, theo nhà sáng lập của quỹ này thì Quỹ PYN Elite thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Phần Lan vào tài khoản ngân hàng tại Phần Lan. Các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam được đặt dưới tên của quỹ đều là lừa đảo.

Để phòng tránh những hành vi lừa đảo kể trên, Cục An toàn thông tin  khuyến cáo người dân cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư từ người lạ. Cần phải tìm hiểu thật kỹ danh tính đối tượng, mức độ chính thống của các dự án đầu tư; tuyệt đối không truy cập, tải các ứng dụng từ đường link lạ, chỉ truy cập vào các đường link xuất hiện trên các trang điện tử, website chính thống. Nếu gặp những trường hợp tương tự, người dân cần chủ động liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng ứng dụng VssID giả để lừa đảo 

Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện một kênh Tik Tok mang tên “VssID - Hỗ trợ BHXH”. Kênh Tik Tok này thường xuyên đăng tải các video về cách thức lấy lại mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng không nhớ hoặc bị mất. Bên cạnh đó, kênh này cũng quảng bá dịch vụ thay đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ... đi kèm một khoản phí nhất định với những ưu đãi hấp dẫn.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội khẳng định dịch vụ mà kênh Tik Tok cung cấp là trái với pháp luật. Theo như quy định, người dân sẽ không mất bất kỳ một khoản phí nào khi sử dụng dịch vụ cấp lại mật khẩu hoặc thay đổi thông tin cá nhân của tài khoản VssID.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID trên các nền tảng mạng xã hội. Người dân chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống hoặc trực tiếp đến với các cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương. Người dân chỉ nên tải ứng dụng VssID thông qua hệ thống cửa hàng trực tuyến như CH Play (đối với hệ điều hành Android) và App Store (đối với hệ điều hành IOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VssID từ các nguồn không xác định, những nguồn link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trong điện thoại thông minh.

Hùng Quân
.
.