Giữ bình yên nơi biên giới Lạng Sơn
Chúng tôi đến với Lạng Sơn những ngày đầu tháng 4, dọc đường hoa gạo vẫn chưa hết rực đỏ. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ trên đường cao tốc từ Hà Nội tới thành phố Lạng Sơn, đi tiếp chừng 30 cây số nữa, chúng tôi đến với địa bàn xã biên giới Tân Thanh, huyện Văn Lãng - nơi mà trong ký ức của chúng tôi chục năm về trước, Tân Thanh luôn tấp nập, nhộn nhịp bởi những khu chợ biên giới sầm uất, mà bất cứ ai khi ghé thăm Lạng Sơn, dù đường đi có vất vả đến mấy cũng vẫn muốn được đến chợ cửa khẩu Tân Thanh để tranh thủ mua sắm.
Cùng với sự phát triển của Lạng Sơn, con đường từ TP Lạng Sơn lên cửa khẩu Tân Thanh bây giờ to đẹp lắm, rộng và trải nhựa mấy làn, đáp ứng nhu cầu hàng ngàn xe chở hàng hóa giao thương xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày.
Mừng khi thấy kinh tế xã hội xã biên giới Tân Thanh ngày càng phát triển, nhưng chúng tôi hiểu để giữ vững ANTT ở một địa bàn biên giới phức tạp như vậy đòi hỏi mỗi CBCS Công an xã Tân Thanh phải nỗ lực rất nhiều, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống xuất nhập cảnh (XNC) trái phép, bảo vệ biên giới bình yên.
Dẫn chúng tôi dạo quanh địa bàn, Đại úy Hà Quốc Việt, Phó trưởng Công an xã Tân Thanh giới thiệu, địa bàn xã địa hình chủ yếu đồi núi hiểm trở, với gần chục kilomet đường biên tiếp giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Mấy năm gần đây, dù phía Trung Quốc đã lập hàng rào thép, lắp đặt camera an ninh dọc đường biên, nhưng tình trạng người vượt biên, XNC trái phép vẫn diễn ra.
Thời gian qua, để làm tốt công tác quản lý địa bàn, phòng chống hiệu quả tình trạng XNC trái phép, ngoài làm tốt công tác nắm chắc tình hình, tăng cường tuần tra khép kín địa bàn, Công an xã Tân Thanh luôn tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới. Dù quân số Công an xã Tân Thanh còn mỏng, nhưng hằng ngày gần như 100% CBCS có mặt ứng trực địa bàn. Tối nào, Công an xã cũng tổ chức tuần tra hai ca. Một ca từ 20h đến 24h, ca còn lại tuần tra khép kín địa bàn đến 5h sáng hôm sau. Chỉ trung tuần tháng 3 vừa qua, Công an xã Tân Thanh liên tiếp phát hiện hai nhóm với 11 đối tượng nhập cảnh trái phép qua khu vực mốc biên giới xã Tân Thanh.
Phạm Hồng Nhị, một trong 3 người trèo rào trốn từ Trung Quốc về Việt Nam qua địa bàn đường biên giới xã Tân Thanh khai nhận, tháng 5/2019, chị ta làm sổ thông hành, theo đường cửa khẩu Móng Cái sang Trung Quốc tham quan du lịch rồi trốn ở lại, đi làm giúp việc cho một gia đình tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy năm nay, công việc và thu nhập ngày càng kém, nên Nhị muốn quay trở về Việt Nam.
Qua quảng cáo trên mạng xã hội, Nhị liên hệ với một người đàn ông Trung Quốc tự nhận giúp đưa chị ta quay về Việt Nam. Để được đối tượng tổ chức cho vượt biên về nước, Nhị đã phải đưa cho người đàn ông này 6.000 NDT. Rạng sáng 12/3, Nhị được người đàn ông chở bằng ôtô đến gần khu vực biên giới, sau đó hướng dẫn Nhị vượt qua đỉnh núi, đoạn khuất camera để không phát hiện rồi trèo hàng rào thép biên giới sang đất Việt Nam. Khi đang luồn qua đường rừng xuống địa bàn xã Tân Thanh cùng 2 người đàn ông nữa cùng chuyến xe thì bị tổ công tác Công an xã Tân Thanh phát hiện, bắt giữ.
Đại tá Lê Trọng Sáu, Trưởng phòng Quản lý XNC Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ ngày 15/12/2024 đến nay, đơn vị đã phát hiện bắt giữ và tiếp nhận xử lý 33 vụ với 109 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua địa bàn Lạng Sơn, trong đó có 2 người Campuchia, 1 người Duy Ngô Nhĩ và 106 người Trung Quốc. Nhìn vào số liệu trên cho thấy, số công dân nước ngoài, trong đó chủ yếu là công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép thời gian gần đây bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ có chiều hướng gia tăng.
Qua công tác đấu tranh cho thấy, đa số những thanh niên Trung Quốc này đang trong độ tuổi lao động, nhiều người bị các trung tâm lừa đảo tại Campuchia, Lào, Thái Lan dụ dỗ với bẫy "việc nhẹ, lương cao". Những lao động người Trung Quốc này được các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép sang Việt Nam rồi đưa sang nước thứ ba làm việc. Có trường hợp một thanh niên Trung Quốc sau khi được đưa dẫn trốn sang Việt Nam qua khu vực biên giới Lạng Sơn, khi đi đến địa phận thành phố Hải Phòng, nghi ngờ bị lừa đảo bán sang Campuchia nên tìm cách bỏ trốn, tìm đến cơ quan chức năng Việt Nam trình báo, nhờ giúp đỡ.
Cũng có trường hợp đi sâu vào nội địa nhưng thấy công việc không như ý, thu nhập không cao như quảng cáo nên trốn ra ngoài, tìm đường quay về, trực tiếp đến Cơ quan chức năng Việt Nam trình báo nhờ giúp đỡ đưa trở về nước theo con đường trao đổi công hàm ngoại giao; có trường hợp quay trở lại biên giới tự tìm đường vượt biên trở về thì bị lực lượng Biên phòng hoặc Công an địa bàn phát hiện, bắt giữ.
Hiện nay, với số lượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị bắt giữ đông như trên, đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã phải thành lập Trung tâm lưu trú người nước ngoài, giao cho Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý, nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của họ trong thời gian Cơ quan chức năng hai nước trao đổi công hàm, tiến hành thủ tục trao trả công dân theo quy định.
Trực tiếp nhiều năm theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực công tác này, Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn đánh giá, thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan XNC trái phép ngày càng tinh vi. Quá trình đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm XNC trái phép thời gian qua cho thấy, các đường dây đưa dẫn người XNC trái phép đều có sự móc nối trong - ngoài giữa các đối tượng trong nội địa và ngoại biên; đồng thời có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh, thành phố nội địa với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi.
Theo đó, các đối tượng chủ mưu tổ chức, môi giới người XNC trái phép thường sử dụng sim rác, tài khoản ảo, lập các nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, Telegram, Viber, Signal, Whats App... để quảng cáo, giới thiệu, mời chào. Khi những người có nhu cầu liên hệ, đăng ký, các đối tượng tổ chức này sẽ thu gom người, thu tiền và thuê xe vận chuyển ra sát khu vực biên giới. Sau đó, bọn chúng thuê cư dân biên giới thông thuộc địa bàn để chỉ đường, dẫn trốn qua đường biên, rồi tiếp tục thuê xe chở sâu vào nội địa.
Quá trình di chuyển chia làm nhiều công đoạn độc lập, các đối tượng tổ chức sẽ sử dụng mạng xã hội, dịch vụ định vị vệ tinh để điều hành việc đưa dẫn người từ xa. Việc trả công, chi phí đưa dẫn người XNC trái phép được thực hiện chủ yếu qua các dịch vụ chuyển tiền trực tuyến, thanh toán qua tài khoản Wechat hoặc ngân hàng, cho nên các đối tượng tổ chức, môi giới thường không lộ diện, điều khiển đường dây đưa dẫn từ xa qua mạng xã hội.
Ngược lại các đối tượng trực tiếp đưa dẫn cũng không biết thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng của các đối tượng tổ chức, môi giới, gây khó khăn cho cơ quan Công an trong truy vết điều tra đối tượng tổ chức, cầm đầu.
Chia sẻ cùng chúng tôi, Đại tá Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm XNC trái phép, trong những năm vừa qua Công an tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn; qua đó đã triệt phá nhiều đường dây, bắt giữ được nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu hoạt động phạm tội trong thời gian dài để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; bám sát địa bàn, chủ động nắm tình hình, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về XNC; kịp thời phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm. Phối hợp với VKSND và TAND hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm đưa các vụ án liên quan hành vi XNC trái phép ra truy tố, xét xử công khai, lưu động nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đặc biệt mới đây, để đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm XNC trái phép, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp chủ trì tổ chức hội ý nghiệp vụ về công tác này. Trong đó, yêu cầu các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, Công an các xã, thị trấn biên giới tích cực, chủ động, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với hoạt động XNC trái phép.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, mạng xã hội...; phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đẩy mạnh tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, hậu quả của hành vi môi giới, đưa dẫn người XNC trái phép. Qua đó nâng cao nhận thức cho người dân, các cơ sở lưu trú, đội ngũ lái xe trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT khu vực biên giới, kiên quyết lập "vành đai thép", không để Lạng Sơn trở thành điểm nóng về XNC trái phép.