Xây dựng cơ chế đặc thù cho đầu tư công - tư trong phát triển văn hóa

Thứ Hai, 16/12/2024, 14:09

Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của Việt Nam chưa có lĩnh vực văn hóa. Để nghiên cứu, đề xuất vấn đề trên các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức sáng 16/12.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án văn hóa, thể thao, trong đó có 23 dự án được HĐND thành phố thông qua danh mục đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng.

Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho đầu tư công - tư (PPP) trong phát triển văn hóa -0
Hội thảo khoa học “Hợp tác công - tư trong phát triển văn hóa” tổ chức sáng 16/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, ưu tiên mời thực hiện trước 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng, gồm dự án Xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B (tổng mức đầu tư dự kiến 164 tỷ đồng); dự án Xây dựng mới Nhà hát Gia Định (dự kiến 250 tỷ đồng); dự án Xây dựng mới Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh (dự kiến 295 tỷ đồng); dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm; dự án Xây dựng mới Trung tâm Văn hóa, Thể thao đa năng TP Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ (dự kiến 1.643 tỷ đồng); trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ... 

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhìn chung, các dự án văn hóa còn hạn chế, thường gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư tư nhân, do: Khả năng sinh lời thấp, không hấp dẫn các doanh nghiệp. Thiếu các cơ chế chia sẻ rủi ro và hỗ trợ tài chính từ Nhà nước và khung pháp lý chưa đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương dẫn ví dụ điển hình về thách thức này là Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Dự án này được phê duyệt từ năm 1994 với diện tích ban đầu 466 ha tại phường An Phú, dọc theo Xa lộ Hà Nội, quận 2 cũ. Tuy nhiên, đến năm 2024, khu vực dự án vẫn là vùng đầm lầy với các ao nuôi cá và nuôi trồng thủy sản…

Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho đầu tư công - tư (PPP) trong phát triển văn hóa -0
Phác thảo dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. 

Nhưng theo các tác giả: PGS.TS, Nguyễn Ngọc Thơ, Viện Phát triển Năng lực lãnh đạo - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; ThS. Nguyễn Tấn Quốc, ThS. Nguyễn Ngọc Thanh - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, không thể xếp cùng các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng hay kinh tế - kỹ thuật - thương mại, do đó không thể đặt nặng vấn đề lợi nhuận/lợi ích kinh tế (economic) theo các tiêu chí đánh giá giá trị kinh tế - thương mại hiện hữu.

Vì thế, các tác giả này nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng cơ chế riêng, mang tính đặc thù cho đầu tư PPP trong phát triển văn hóa, có thể triển khai theo nhiều giai đoạn, trong đó ở giai đoạn 1 có thể tập trung phát triển mô hình PPP nới lỏng (loose PPP) và song hành thí điểm một vài hạng mục đầu tư PPP tiêu chuẩn (standard PPP) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trước khi mở rộng cả nước.

TS. Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển PPP trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa và thiết chế văn hóa cộng đồng nhờ vào sự phong phú về tài nguyên văn hóa và nhu cầu phát triển đô thị bền vững. Từ kinh nghiệm các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã triển khai thành công PPP trong lĩnh vực văn hóa, mang lại nhiều bài học quan trọng mà TP Hồ Chí Minh có thể tham khảo, áp dụng vào thực tiễn.

Để thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực văn hóa theo phương thức PPP tại TP Hồ Chí Minh, cần hoàn thiện khung pháp lý: Xây dựng các quy định minh bạch về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia PPP; Hỗ trợ ưu đãi tài chính, miễn giảm thuế và chi phí đất đai cho các dự án; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Ngoài ra, thành phố cần kết hợp phát triển kinh tế và văn hóa: Tích hợp các dự án văn hóa vào hệ sinh thái du lịch; Tổ chức các lễ hội văn hóa thường niên để quảng bá giá trị văn hóa TP Hồ Chí Minh…

Phú Lữ
.
.