Về Sóc Trăng vui Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer
Tối 13/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng), UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024.
Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển” với 2 chương: “Hội tụ bản sắc” và “Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam” với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật quần chúng, diễn viên của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
Tại lễ khai mạc, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận trình diễn nhạc Ngũ âm của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam với 20 dàn nhạc cùng 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia trình diễn. Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam cho rằng, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của đồng bào Khmer Nam Bộ. Việc xác lập kỷ lục góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến gần hơn đến du khách trong, ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng năm 2024 là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm và cũng là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, được nhân dân, du khách trong, ngoài tỉnh quan tâm. Lễ hội năm nay là bước tiến quan trọng để xây dựng thương hiệu lễ hội Sóc Trăng và đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch của tỉnh.
Trong khuôn khổ của Lễ hội, trưa 14/11, tại đoạn sông Maspero (TP Sóc Trăng) sẽ diễn ra khai mạc Giải đua ghe Ngo với sự tranh tài của 60 đội (53 đội nam, 7 đội nữ). Trong đó, tỉnh Sóc Trăng có 48 đội (45 đội nam, 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội (8 đội nam, 4 đội nữ).
Đối với nội dung đua ghe Ngo nam, có 53 đội được chia làm 13 bảng thi đấu. Ban Tổ chức đã chọn ra 4 đội ghe hạt giống nằm ở các bảng khác nhau gồm : Tum Núp 2 (huyện Châu Thành, Sóc Trăng), Ông Kho (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), Sro Lôn 1 (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và Pong Tứk Chăs (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng). Trong số 13 bảng thi đấu, có 12 bảng mỗi bảng 4 đội và 1 bảng có 5 đội. Các đội ghe Ngo nam tranh tài cự ly 1.200m.
Các đội ghe Ngo nữ có 7 đội, chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn đội nhất, nhì của mỗi bảng vào vòng bán kết, chung kết xếp hạng. Các đội tranh tài cự ly 1.000m. Lễ bế mạc Giải đua ghe Ngo diễn ra vào chiều 15/11. Đây là hoạt động thể thao thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến với Sóc Trăng vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc...