Trùng tu Thái Miếu không biến đổi các thành phần gốc của di tích
Thái Miếu ở Đại Nội Huế là nơi thờ 9 chúa triều Nguyễn hiện đang được khai quật khảo cổ học trước khi triển khai thực hiện đợt đại trùng tu. Điều khiến nhiều nhà nghiên cứu, giới chuyên môn quan tâm nhất là việc trùng tu Thái Miếu phải giữ gìn được nguyên vẹn, không được biến đổi các thành phần gốc của di tích…
Di tích Thái Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long, là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất ở Hoàng thành Huế, với 15 gian 2 chái (gồm tiền điện và chính điện). Thái Miếu được vua Gia Long cho xây dựng để thờ cúng 9 vị chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Khu di tích Thái Tổ miếu nằm ở góc Đông Nam của Hoàng thành Huế và nối thông với di tích Triệu Miếu ở phía Bắc. Ngay từ cổng vào Thái Miếu, nhiều hạng mục gần như đã rệu rã, có thể xảy ra đổ sập bất cứ lúc nào.
Đây là công trình được bà Từ Cung và Hội đồng Nguyễn Phước tộc quyên góp kinh phí để xây dựng vào những năm đầu 1970 để tiếp tục thờ các vị chúa Nguyễn. Sau đó, trải qua nhiều biến đổi của thời tiết nên bị hư hại, xuống cấp dẫn đến hoang phế như bây giờ. Không chỉ những công trình được xây dựng thời Gia Long, mà nhiều hạng mục khác trong khuôn viên Thái Miếu được xây dựng dưới thời Minh Mạng cũng đang “kêu cứu”…
Trước thực trạng đó, tháng 5/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu- giai đoạn 1”. Dự án có thời gian thực hiện trong vòng 4 năm, với tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, theo góc độ bảo tồn di tích thì mục tiêu quan trọng nhất của dự án chính là tu bổ, phục hồi lại công trình kiến trúc cung đình bằng gỗ có quy mô lớn nhất ở Hoàng thành Huế, được xây dựng từ rất sớm và mang phong cách của thời Gia Long. Bởi lẽ, phần lớn các công trình kiến trúc trong Hoàng thành được xây dựng và sửa chữa dưới thời Minh Mạng.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, nên ưu tiên phục hồi chi tiết trang trí nội thất theo phong cách thời Gia Long. Có thể lấy những mẫu và công trình thời Gia Long như Điện Minh Thành (tại lăng Gia Long) để đối sánh về các chi tiết trang trí ở đây, như là một nguyên tắc tu bổ phục hồi thích nghi.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thái Miếu là một tổ hợp công trình được xây dựng sớm từ thời Gia Long và dù trải qua nhiều lần tu bổ nhưng phong cách kiến trúc, trang trí của các công trình trong cụm di tích này.
Đặc biệt, tòa Thái Miếu vẫn giữ phong cách đặc trưng của thời vua Gia Long; vì vậy phương án trùng tu, phục hồi các công trình cần phải bảo tồn được những đặc trưng này. Một số chuyên gia cũng đề nghị nhóm nghiên cứu xây dựng dự án cần tiếp thu các kết quả nghiên cứu về di tích Thái Miếu và các công trình do Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế và Viện Di sản thế giới - Đại học Waseda (Nhật Bản) thực hiện trong khu vực...
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, đơn vị đang tiến hành khai quật khảo cổ học di tích Thái Miếu (Thái Tổ Miếu) sau khi được sự cho phép của Bộ VH-TT&DL. Việc khai quật được tiến hành trên diện tích 952m2 với 9 hố, mỗi hố rộng 50m2 đến 200m2. Thời gian khai quật diễn ra từ ngày 10/8 đến ngày 10/10/2021.
Bộ VH-TT&DL khuyến cáo Trung tâm BTDT Cố đô Huế trong quá trình khai quật phải bảo vệ địa tầng di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận khảo cổ khi chưa thống nhất với Cục Di sản. Những hiện vật thu được sẽ tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để tránh hư hỏng. Việc khai quật khảo cổ học nhằm phục vụ cho việc trùng tu công trình Thái Miếu.