Triển lãm “Sắt – Son” - trưng bày đặc biệt về phụ nữ Việt Nam tại di tích Nhà tù Hoả Lò

Thứ Tư, 20/10/2021, 08:19

Nhiều câu chuyện đặc biệt về đức hy sinh cao cả, tấm lòng sắt son với quê hương, gia đình, về những đóng góp công sức, trí tuệ  cho quê hương đất nước của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến và trong thời bình được tái hiện tại Di tích Nhà tù Hoả Lò từ ngày 20/10/2021 đến hết tháng 5/2022.

Có chủ đề “Sắt – Son”, trưng bày là hoạt động được Ban Quản lý di tích Nhà thù Hoả Lò tổ chức tại di tích nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021).

Dịp này, Ban quản lý di tích giới thiệu đến công chúng nhiều câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam luôn hết lòng chăm lo cho hạnh phúc gia đình, yêu chồng, thương con nhưng sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư khi Tổ quốc lâm nguy.

“Sắt – Son” trưng bày đặc biệt về phụ nữ Việt Nam tại di tích Nhà tù Hoả Lò  -0
Một góc triển lãm "Sắt - Son"

Trong đó, phần trưng bày “Hoa nơi ngục lửa” giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt. Đó là nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) và người em ruột của bà, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944) – người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hy sinh sau hai năm sống dưới chế độ lao tù khắc nghiệt tại Nhà tù Hỏa Lò.

Tại đây, công chúng còn có dịp tìm hiểu nhiều câu chuyện xúc động về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định, các nữ anh hùng Lê Thị Riêng, Võ Thị Thắng, Trần Thị Lý và nhiều câu chuyện đặc biệt về bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973, sự kiên cường của bà Trương Mỹ Hoa trước những ngón đòn tra tấn của kẻ thù tại Nhà tù Côn Đảo…

“Sắt – Son” trưng bày đặc biệt về phụ nữ Việt Nam tại di tích Nhà tù Hoả Lò  -0
Bức tranh mẹ Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước

Nội dung trưng bày chủ đề “Lòng vàng, gan sắt” là những câu chuyện về những người mẹ, người chị, người em… đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hăng hái tham gia đánh giặc bằng “đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam… Trong đó, nhiều tư liệu giới thiệu về những đội nữ du kích, tự vệ địa phương, nữ thanh niên xung phong xông pha nơi chiến trường ác liệt hay những nữ chiến sĩ chiến đấu thầm lặng nơi đầu não của địch đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngoài ra, tại triển lãm còn có bức tranh mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước, nhiều tư liệu, hình ảnh đặc biệt khác về các mẹ, các chị luôn giữ trọn "tấm lòng son", chăm lo sản xuất, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ, chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu, bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam…

N.Hoa
.
.