Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong khai thác phim truyện về chiến tranh cách mạng

Thứ Ba, 23/04/2024, 07:45

Phim “Đào, phở và piano” mang về doanh thu phòng vé 21 tỷ đồng, đúng bằng số tiền ngân sách đầu tư làm phim, mặc dù giá vé bán chỉ bằng 50% so với giá thông thường. Thành công về mặt doanh thu phòng vé của bộ phim này tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về khai thác phim đề tài chiến tranh cách mạng - khối di sản khá đồ sộ của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Kho di sản quý

Thử điểm lại trong kho phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng, không khó để nhận thấy hàng loạt phim rất nổi tiếng được sản xuất trong nhiều giai đoạn khác nhau. Nếu kể đến các phim được coi là niềm tự hào của điện ảnh cách mạng, không thể không kể đến các bộ phim như: “Chung một dòng sông”, “Lửa trung tuyến”, “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Hai người lính”, “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”, “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”, “Tự thú trước bình minh”, “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”, “Dòng sông hoa trắng”… Giai đoạn sau này, chúng ta tiếp tục có hàng loạt phim khác như: “Cây Bạch đàn vô danh”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”, “Những người viết huyền thoại”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Bình minh đỏ” và gần nhất là “Đào, phở và piano”.

Về dòng phim này, GS.TS. Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, đề tài chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt, một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của Điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Đây là một câu chuyện dài, ám ảnh, dường như kể không bao giờ hết. Nhìn lại những tác phẩm làm về đề tài chiến tranh, hiểu sâu sắc nó, khẳng định những giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần, giá trị xã hội cũng như những hạn chế, khiếm khuyết của nó chính là cách lưu giữ những giá trị tinh thần, tạo ra nội lực, chuẩn bị cho hành trang cho điện ảnh dân tộc phát triển trong hôm nay và ngày mai. Tuy nhiên, với kho phim truyện điện ảnh trước đây, để khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên hiểu và yêu thích thì cần có vai trò của các nhà nghiên cứu, của giảng viên và đặc biệt là của lưu trữ, của bảo tồn di sản các tài liệu liên quan tới một bộ phim, đó là Viện Phim Việt Nam.

Tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong khai thác phim truyện về chiến tranh cách mạng -0
Phim “Vĩ tuyến 17 – ngày và đêm” – bộ phim “kinh điển” của Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Chung nhận định trên, Thạc sĩ Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh, Viện Phim Việt Nam cho hay, chúng ta đang sở hữu hàng trăm tác phẩm phim truyện (cùng rất nhiều tư liệu điện ảnh quý) về đề tài chiến tranh cách mạng mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Giá trị ấy phải luôn được giữ gìn, khơi dậy và phát huy thông qua các hoạt động phổ biến, giới thiệu đến cộng đồng, nhất là sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm lưu trữ được giới thiệu đến công chúng còn khiêm tốn.

Phát huy vai trò của Nhà nước trong khai thác, phổ biến phim

Theo ông Huỳnh Công Khôi Nguyên, tại TP Hồ Chí Minh, số lượng sinh viên, học viên đang học tại hàng trăm trường trung cấp, cao đẳng, đại học rất đông. Trong khi đó, với điều kiện nguồn lực và năng lực hạn chế, bình quân hằng năm Nhà Văn hóa Điện ảnh chỉ có thể tổ chức hoạt động tại trên dưới 10 trường học, phục vụ tối đa khoảng 12.000 - 15.000 lượt sinh viên/năm. Các chương trình phổ biến phim chiến tranh cách mạng còn mang tính thời vụ. Số lượng khán giả có khuynh hướng giảm dần theo từng năm. Hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng qua các kênh thông tin điện tử chính thức của Viện Phim Việt Nam đang ở bước thử nghiệm, nên số lượng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu công chúng cũng như hiệu quả quảng bá trong thời đại số. Năm 2022, Viện Phim Việt Nam đã trình cơ quan có thẩm quyền đề án “Khai thác, sử dụng phim, tư liệu thuộc sở hữu Nhà nước đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam”. Nếu đề án được thông qua, có thể hy vọng trong tương lai, hàng trăm tác phẩm, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam trong kho lưu trữ sẽ được giới thiệu thường xuyên và vươn xa hơn trên không gian mạng cùng những hạ tầng kỹ thuật số hiện đại khác, thông qua các kênh thông tin điện tử chính thức của Viện Phim Việt Nam, trong đó có Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ý thức lưu trữ, khai thác và phổ biến những giá trị tác phẩm phim truyện điện ảnh qua hình ảnh, âm thanh đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và sự vận hành bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài ra, các điểm nghẽn trong hoạt động khai thác phổ biến phim phải được khơi thông. Cụ thể, hiện nay, Nhà nước mới đầu tư cho việc sản xuất phim, chưa đầu tư cho việc khai thác, phổ biến phim. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu bóng hiện đại thuộc sở hữu tư nhân hoặc các đối tác nước ngoài. Bất cứ chủ phim nào muốn mang phim đến khai thác cũng phải trả tiền quảng cáo, tiền thuê rạp, tiền ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa các bên liên quan, phải chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng, khi phim ít khách sẽ buộc phải bị loại ra để dành chỗ cho các bộ phim đông khán giả. Có một thực tế là, đa số các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều thường xuyên lỗ vốn do quá ít người xem. Ngoài lý do nội dung kén khách, nguyên nhân thấy rõ là do không có kinh phí quảng cáo nên người xem không biết đến. Do cơ chế với những ràng buộc hiện hành quy định khai thác tài sản công, nên việc liên kết với các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước để khai thác các bộ phim này là không được phép.

Về giải pháp, ông Tú gợi ý, với phim đặt hàng, Nhà nước nên cho phép đơn vị sản xuất vận động thêm nguồn lực từ bên ngoài, tức là được kết hợp thêm vốn theo hình thức xã hội hóa, để tăng thêm kinh phí cho hoạt động sản xuất ngay từ đầu vào, các bên hưởng thành quả theo tỷ lệ góp vốn. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư đồng bộ cho hoạt động phát hành phim và chiếu bóng. Việc phân chia tỷ lệ doanh thu giữa Nhà nước và tư nhân sau khi phát hành cũng cần có biện pháp tích cực nhằm tìm ra tiếng nói chung để các bên cùng có lợi mà vẫn tuân thủ những quy định của pháp luật. Chiến lược quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu tác phẩm cần được quan tâm vận hành bài bản ngay từ khi chuẩn bị khởi động dự án làm phim cho tới khi hoàn thiện tác phẩm và ra rạp. Việc số hóa các tác phẩm điện ảnh để lưu giữ, bảo tồn là xu thế tất yếu hiện nay và việc lưu trữ, khai thác, phổ biến phim không chỉ là trách nhiệm của riêng Viện Phim Việt Nam, mà cần có ý thức không ngừng xây dựng, bồi đắp của chung cả cộng đồng.

N.Nguyễn
.
.