Nội dung sâu xa nhất của tập thơ “Nhật ký trong tù” là tình yêu đất nước
Chiều 18/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “80 năm “Nhật ký trong tù” – Những giá trị bền vững và sức lan tỏa sâu rộng”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết, trong hành trình 13 tháng đầy gian lao, khổ cực qua 18 nhà giam khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hán ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình về hiện thực đời sống trong tù, những điều trông thấy trên đường đi, tấm lòng nhớ thương đất nước, nhân dân mình và mong ngóng sớm trở về tiếp tục lãnh đạo cách mạng.
Thông qua hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ mong muốn cung cấp một cách nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng của tác phẩm. Kết quả của hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù”.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học khẳng định, thông qua “Nhật ký trong tù”, chúng ta thấy được 5 bài học lớn về tư tưởng, đạo lý nhân sinh quan, nghệ thuật. Đó là bài học không gì quý hơn tự do; bài học “gian nan rèn luyện mới thành công”; bài học đưa chất thép vào thơ, nhà thơ là chiến sĩ; bài học về trí tuệ, bản lĩnh trong phân tích và nắm bắt thời cơ; bài học về tinh thần lạc quan.
GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận định, “Nhật ký trong tù” là bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh. “Tìm hiểu cuộc đời Hồ Chí Minh, ta càng hiểu thêm giá trị “Nhật ký trong tù”. Với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về Người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng qua thơ để hiểu con người và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa. Và thơ, trong những lay động sâu xa về tình cảm và khát vọng hướng tới cái đẹp, cái cao thượng như trong “Nhật ký trong tù” lại là một sản phẩm quý giá không gì thay thế được, càng không gì so sánh được”, GS Phong Lê diễn giải.
Đến nay, tác phẩm “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, tuy nhiên có những bản dịch chưa được biết. Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND đã giới thiệu về 2 bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hebrew (ngôn ngữ chính thức của người Israel, hiện có 5 triệu người nói, chủ yếu ở Israel và khoảng 2 triệu người ở nước ngoài) và bằng chữ Galicia (một ngôn ngữ Roman được khoảng 2,4 triệu người năm 2012 dùng như tiếng mẹ đẻ chủ yếu ở Galicia, Asturias, Castile và León, một khu tự trị nằm ở phía tây bắc của Tây Ban Nha).
Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, tình yêu đất nước là nội dung nổi bật nhất, sâu xa nhất của tập thơ “Nhật ký trong tù”. Tình yêu thiêng liêng ấy càng trở nên cao đẹp, tỏa sáng rạng ngời khi gắn liền với lòng nhân ái, tình cảm nhân đạo rộng lớn của Người. “Hội thảo là dịp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó thực hiện tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Để tác phẩm “Nhật ký trong tù” có sức lan tỏa hơn nữa, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.