Khám phá nghệ thuật màu sắc và hoa văn của Iran
Nhân kỷ niệm 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Iran - Việt Nam, Đại sứ quán Iran tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm “Màu sắc và hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” từ ngày 23/8 - 8/9.
Với hàng nghìn năm lịch sử, nghệ thuật truyền thống Iran (Ba Tư) phản ánh tâm hồn của một nền văn minh cổ đại. Các loại hình nghệ thuật truyền thống này không chỉ thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc của các nghệ nhân Ba Tư mà còn kể những câu chuyện về di sản và sự phát triển của văn hóa Iran.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật truyền thống Iran là sự kết hợp vô cùng điêu luyện giữa các hoa văn, họa tiết và màu sắc với nhau. Điều này được thể hiện hoàn mỹ qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quốc gia này.
Triển lãm giới thiệu nghệ thuật Iran với chủ đề “Màu sắc và Hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” ở Bảo tàng Hà Nội diễn ra từ 23/8 - 8/9 do Đại sứ quán Iran tại Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức sẽ mở ra cơ hội giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa nhân dân hai nước, góp phần thắt chặt quan hệ giữa hai quốc gia.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Iran tại Việt Nam, triển lãm gồm 2 khu trưng bày. Khu trưng bày ảnh giới thiệu họa tiết hoa sen tại quần thể Cung điện Persepolis được xây dựng theo lệnh của Darius Đại Đế (518 - 465 TCN) và tiếp tục được hoàn thiện với Hoàng đế Xerxes I (550 - 486 TCN); tranh và ảnh về tranh thư pháp; các tác phẩm của họa sĩ bậc thầy tranh tiểu họa đương đại Iran Mahmoud Farshchian.
Khu trưng bày tác phẩm gồm khoảng 100 tác phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện cho 10 loại hình nghệ thuật của Iran gồm: chạm khắc đồng (Qalam-zani) - một trong những kỹ thuật trang trí kim loại, trong đó họa tiết được tạo ra bằng cách sử dụng búa và nhiều loại đục khác nhau chạm lên bề mặt kim loại (được hỗ trợ bởi một lớp hắc ín dày); pháp lam - nghệ thuật trang trí trên những vật dụng cốt vàng, bạc hoặc đồng hay nghệ thuật tráng men (Minakari) - những đồ vật được tráng men, vẽ hoa văn, họa tiết rồi được nung với nhiệt độ cao...
Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu nghệ thuật dệt thảm (Qali bafi), khảm Ba Tư (Khatam-kari), khảm đá ngọc lam trên đồng (Firouze-kubi), in họa tiết trên vải (Qalam-kari), thêu đính đá (Sermeh-doozi), dệt vải thủ công (Termeh-bafi), vẽ trang trí trên đồng (Mes-o-pardaz)...
Ngoài ra, khách tham quan còn được trải nghiệm hoạt động viết chữ thư pháp Ba Tư.