Kết hợp Đông - Tây để thu hút khán giả trẻ
Lần đầu tiên, vở bi kịch nổi tiếng thế giới của Ơ-ri-pít (Euripides) – “Mê-Đê” được Nhà hát Cải lương Việt Nam đưa lên sân khấu. Việc dàn dựng một tác phẩm bi kịch cổ điển Hy Lạp, nổi tiếng thế giới hàng ngàn năm qua lại được gửi gắm nhiều kỳ vọng trong việc đưa nghệ thuật sân khấu Cải lương đến với đông đảo khán giả hiện nay hơn, đặc biệt là khán giả trẻ.
Sau buổi diễn tổng duyệt vào tối 11/4, vở “Mê-Đê” tiếp tục ra mắt công chúng Thủ đô vào tối 12/4 tại rạp Kim Mã, Hà Nội. Đây cũng là suất diễn đặc biệt ủng hộ Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia.
Gọn gàng, kỹ lưỡng và khác lạ so với nhiều vở cải lương thông thường là ấn tượng chung của nhiều khán giả có dịp xem “Mê-Đê” trong suất diễn đầu tiên. Câu chuyện bắt đầu sau khi Mê-Đê giúp Ja-Dông lấy được bộ lông cừu vàng. Cả hai lánh nạn đến vương quốc Cô-ranh-tơ. Mê-Đê sinh được 2 người con trai. Ja-Dông bội bạc, muốn lấy công chúa, con vua Cờ-rê- ông. 3 mẹ con Mê-Đê bị vị vua này trục xuất khỏi xứ sở nhằm bảo vệ cho hôn lễ của con gái. Trong tận cùng bi kịch vì sự phản bội, Mê-Đê lên kế hoạch trả thù tàn khốc. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Để tránh 2 con bị sát hại bởi sự trả thù của người dân xứ sở Cô-ranh-tơ, Mê-Đê đau đớn tự tay kết liễu cuộc đời 2 con của nàng.
Vở “Mê-Đê” được nhà văn, dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch sang tiếng Việt, kịch bản cải lương của NSƯT Lê Chức và TS.NSND Triệu Trung Kiên, do NSƯT Lê Chức dàn dựng, có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ tài năng Đoàn Cải lương thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Về vở diễn này, NSƯT Lê Chức cũng cho biết, ông rút cạn tình yêu, kinh nghiệm cho lần trở lại với Nhà hát Cải lương Việt Nam, sau 20 năm xa rời Nhà hát. Trong “Mê-Đê” phiên bản Cải lương, ê kíp tôn trọng tối đa tính nguyên bản tác phẩm của Ơ-ri-pít. Chú trọng vào diễn xuất, “Mê-Đê” được dàn dựng tối giản với bục và những dải lụa nhưng vẫn cho thấy màu sắc của văn hoá Hy Lạp cổ đại. Câu chuyện của vở diễn vẫn là bi kịch về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân – hận nhưng khán giả sẽ thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy của người Việt.
Và ở “Mê-Đê”, tất cả các nhân vật trung tâm đều có mầm mống của sự phản bội. Mê-Đê phản bội quê hương xứ sở, giúp Ja-Dông lấy cắp bộ lông cừu vàng, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của cha, nàng cùng Ja-Dông giết em trai mình để thoát thân. Ja-Dông lấy đó làm điểm yếu, tấn công Mê-Đê bằng những lời lẽ khắc nghiệt, khi phản bội tình yêu của nàng… Câu chuyện của Mê-Đê từ hàng ngàn năm trước nhưng đến hôm nay, vấn đề đặt ra trong vở diễn vẫn giữ nguyên giá trị.
Đó là vấn đề lợi ích nhóm, lấy mục đích để ngụy biện cho phương tiện sai được biểu hiện qua cách ngụy biện của Ja-Dông khi thuyết phục Mê-Đê để anh ta lấy công chúa, làm rể xứ Cô-ranh -tơ trong hiện tại nhưng là vua của xứ sở này trong tương lai, có quyền lực thì sẽ bảo vệ được người thân, bảo đảm tương lai cho 2 con. Đó là cách lựa chọn của vua Cờ-rê-ông, chấp nhận Ja-Dông làm rể, mượn uy danh anh hùng để làm lợi cho xứ sở, bảo vệ hạnh phúc của người thân, bất chấp sự chà đạp lên hạnh phúc của người khác…
Trao đổi về việc đưa tác phẩm kịch kinh điển của thế giới lên sân khấu Cải lương, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết, Cải lương là bộ môn nghệ thuật có tính giao thoa và dễ gần gũi với các thể loại sân khấu, trong đó có Kịch nói phương Tây. Vì thế, bên cạnh các tác phẩm về đề tài sử Việt đã tạo nên thương hiệu nhà hát, việc dàn dựng vở “Mê-Đê” nằm trong khả năng và kế hoạch của đơn vị.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, trong một thời gian dài, đối tượng khán giả của Nhà hát gắn với lễ hội. Đến nay, mảng lễ hội chỉ là một phần trong công việc của Nhà hát. Trong nỗ lực đi tìm khán giả của mình, Nhà hát đầu tư các tác phẩm hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. “Mê-Đê” được xác định đầu tư dàn dựng hướng đến khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên.
Êkíp thực hiện vở diễn kỳ vọng, việc dàn dựng một kiệt tác cổ điển phương Tây theo phong cách của sân khấu Cải lương đương đại, có sự kết hợp giữa sân khấu truyền thống Việt Nam với sân khấu thế giới sẽ tạo sức thu hút nhất định với khán giả trẻ, nhất là thu hút, thuyết phục những khán giả chưa yêu thích nghệ thuật Cải lương và vẫn có định kiến Cải lương là lỗi thời, lạc hậu lâu nay.