Hội thảo văn học viết về cuộc kháng chiến 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Thứ Tư, 09/04/2025, 15:19

Sáng 9/4 tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã tổ chức hội thảo văn học “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước” với sự tham gia của đông đảo các nhà văn, giới học thuật, các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình.

Hội thảo nhằm góp phần nhìn nhận lại chặng đường văn học đã đồng hành cùng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đồng thời đánh giá thành tựu, tìm tòi, sáng tạo của các tác phẩm văn học trong giai đoạn này.

Khẳng định tính chất tiên phong của văn học -0
Đoàn Chủ tịch Hội thảo gồm các nhà văn: Phùng Văn Khai, Phạm Duy Nghĩa, Hoàng Đăng Khoa.

Có 50 tham luận đóng góp cho hội thảo, với nội dung tập trung vào 3 cụm chủ đề là: Khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ ngay trong lòng cuộc chiến. Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến; Ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới; Đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975.

Khẳng định tính chất tiên phong của văn học -3
Đông đảo nhà văn, giới học thuật, các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tá, TS. Phạm Duy Nghĩa - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định: “Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng. Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lí tưởng cách mạng, với “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Hòn Đất” của Anh Đức, “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Bài ca chim chơ-rao” của Thu Bồn, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, “Vầng trăng quầng lửa” của Phạm Tiến Duật...

Thành tựu của văn học chống Mỹ là ghi lại được lịch sử dân tộc Việt ở một giai đoạn đặc biệt, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lí và chính nghĩa. Tuy nhiên, ra đời trong hoàn cảnh đạn bom, lấy tuyên truyền, cổ vũ làm mục đích chính nên không tránh khỏi tính sơ lược, công thức, minh họa, một chiều. Khoảng trống ấy dần được lấp đầy, hạn chế ấy dần được khắc phục ở những tác phẩm ra đời sau năm 1975…”.

Khẳng định tính chất tiên phong của văn học -1
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại hội thảo.

Đưa ra một số nhận định rất sống động, gần gũi về bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam về đề tài kháng chiến chống Mỹ sau 50 năm thống nhất đất nước, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà thế giới đánh giá rất cao và người ta biết về cuộc chiến tranh của chúng ta là nhờ có tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Bảo Ninh đã nhìn ở một góc nhìn khác trong “Nỗi buồn chiến tranh”, đó là góc nhìn nhân đạo. Bảo Ninh dường như được sinh ra chỉ để viết về chiến tranh, cứ chạm đến chiến tranh là anh ấy viết rất xuất thần.

Sau “Nỗi buồn chiến tranh” chúng ta có “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân, “Mưa đỏ” của Chu Lai hay gần đây có cuốn truyện ký “Chạm vào ký ức” của chị Vũ Thị Hồng viết về chiến trường rất thú vị, “Suối Cọp” của Hữu Ước, “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn, “Thượng Đức” của Nguyễn Bảo… Đấy chính là những tác phẩm văn học chiến tranh rất đắc địa của chúng ta…”.

Trong tham luận có tiêu đề “Giai đoạn thứ hai của văn học Việt Nam viết về chiến tranh”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định rằng, từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ hai với sự lộ diện dần những đặc điểm mới, trong sự tìm kiếm vất vả và quyết liệt của tư duy sáng tạo.

Bên cạnh những thành công của các tác giả, ông cũng đề cập đến hiện tượng: “Một số cây bút khác, do chịu tác động hết sức phức tạp của điều kiện chính trị, tư tưởng, xã hội của giai đoạn lịch sử đầy biến động vừa qua và hiện nay, do chưa có được sự từng trải và bản lĩnh sáng tạo đã cho ra đời một số tác phẩm về chiến tranh theo khuynh hướng nhìn méo hiện thực, chỉ tập trung đi tìm những cái mất mát, đau thương, đen tối, bi thảm, éo le, độc ác, lố bịch xảy ra trong chiến tranh, để từ đó, coi đây là toàn bộ hiện thực cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc…”.

Hội thảo văn học viết về cuộc kháng chiến 50 năm sau ngày thống nhất đất nước -0
GS.TS Đinh Xuân Dũng đề cập đến “Giai đoạn thứ hai của văn học Việt Nam viết về chiến tranh”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất của người Việt và văn học đã tham gia tích cực, ở nhiều giai đoạn là vũ khí vô cùng quan trọng. Trong đời sống hòa bình, văn học tiếp tục khắc họa vẻ đẹp của đời sống, tâm hồn con người Việt; "khâu vá", xoa dịu phần nào vết thương chiến tranh; đồng thời góp phần giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ tương lai.

Vì thế, hội thảo cũng đã đưa ra những đề xuất quan trọng về việc phát triển văn học trong bối cảnh hiện nay, đồng thời khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của văn học chiến tranh trong việc giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nguyệt Hà
.
.