Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng

Thứ Hai, 22/04/2024, 07:26

Cồng chiêng là loại hình văn hóa mang tính đặc trưng vùng miền của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở miền núi Quảng Trị. Từ xa xưa, cồng chiêng vừa là loại nhạc cụ không thể thiếu trong hầu hết các nghi lễ đối với các vị thần và thờ cúng ông bà tổ tiên trong mỗi gia đình, dòng họ và các dịp lễ hội của cộng đồng, vừa được xem là của cải có giá trị trong đời sống của bà con...

Ngày nay, đồng bào Pa Cô, Vân Kiều giao lưu và hội nhập với xã hội hiện đại, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú. Tuy vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa cồng chiêng nơi đây vẫn được nhiều cá nhân, gia đình và cộng đồng quan tâm một cách đặc biệt.

Nghệ nhân dân gian Côn Hơm ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) hiện đang sở hữu 1 chiếc cồng cùng 6 chiếc chiêng với kích thước khác nhau. Số cồng chiêng này được ông dày công bảo tồn và gìn giữ cùng thời gian. Đó cũng là niềm mơ ước của nhiều người dân trong vùng.

“Số cồng chiêng này đều được bố tôi chắt chiu từng đồng bạc trắng để mua hoặc hoán đổi những con trâu đực rất lớn”, ông chỉ tay vào những chiếc cồng chiêng được giữ gìn cẩn thận bồi hồi nhớ lại: Ngày xưa với cộng đồng người Pa Cô, Vân Kiều giữa Trường Sơn, việc cưới hỏi, dựng vợ gả chồng nhất thiết phải có cồng chiêng dùng làm lễ vật để trao đổi. Phía nhà gái sẽ tặng cho nhà trai những tấm zèng (thổ cẩm) với các loại hoa văn, họa tiết, màu sắc mang dấu ấn của cô dâu. Về phía nhà trai sẽ trao cho cho phía nhà gái nhiều lễ vật, trong đó nhất định phải có cồng và chiêng. Gia đình nào có nhiều con gái phải chuẩn bị nhiều tấm zèng để sau này vừa làm sính lễ, vừa làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Với những gia đình có nhiều con trai cần phải chuẩn bị nhiều cồng chiêng thì mới được gia đình có con gái đồng ý kết tình thông gia.

Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng -0
Đội cồng chiêng chuẩn bị trình diễn điệu dân vũ mừng lúa mới và đón cô dâu về bản trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở bản Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa.

Vẫn theo lời nghệ nhân Côn Hơm, trong số tài sản lớn mà ba của ông để lại, có 3 chiếc chiêng chỉ dành để đánh mỗi khi có người trong gia đình, dòng họ và bản làng qua đời, 2 chiếc dùng để đánh mỗi khi đón tiếp khách quý đến thăm và 1 chiếc còn lại chỉ để thờ cúng trên bàn thờ.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Pa Cô, Vân Kiều, thường được bà con sử dụng vào những dịp khác nhau, như tại các lễ hội truyền thống, sự kiện quan trọng của quê hương đất nước, cùng những sự kiện khác như mừng làng mới, cưới hỏi, ma chay. Âm thanh cồng chiêng góp phần gắn kết mối quan hệ cộng đồng, được dùng diễn tả niềm vui, nỗi buồn của con người trong cuộc sống.

Cũng ở xã Tà Rụt, già làng Côn Bắt có nhiều chiếc cồng chiêng có âm thanh vang vọng vào mỗi mùa lễ hội, mỗi dịp gặp gỡ bạn bè. Trong số 4 chiếc chiêng và 3 chiếc cồng có cái ngày xưa bố của ông đã mua với giá gần 2 nén bạc trắng. Ông Côn Bắt rất tự hào về số cồng chiêng mà mình đang sở hữu vì chúng không chỉ mang giá trị vật chất, mà âm thanh của chúng còn là tiếng vọng từ quá khứ giữa Trường Sơn, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lại. Cồng chiêng vì thế là nhịp cầu nối nhắc nhở người Pa Cô, Vân Kiều nhớ về tổ tiên nguồn cội, giữ gìn phong tục tập quán từ bao đời.

Già làng Côn Bắt cho hay, cồng chiêng cũng có yếu tố âm dương, cồng tượng trưng cho người phụ nữ, chiêng tượng trưng cho đàn ông. Cồng có thể dùng tay không để đánh, chiêng thường đánh bằng dùi. Chiếc dùi thường được làm từ cây mây, một đầu được bọc vải mềm để tạo âm tiết khác nhau khi đánh.

“Người Pa Cô, Vân Kiều luôn tin vào thế giới thần linh, các vị thần linh ấy đã hiện diện từ rất lâu trong đời sống tâm thức của bà con ở đây. Nhưng con người không thể trực tiếp liên hệ, giao tiếp với các vị thần linh nên cần phải có cồng chiêng nhằm tạo ra âm thanh, nhịp điệu như là một thứ ngôn ngữ để kết nối, để trao đổi với thần linh và tổ tiên cùng những người đã khuất. Đặc biệt, trong đám tang của người Pa Cô, bắt buộc phải có cồng chiêng, nếu không có tiếng cồng tiếng chiêng thì người quá cố sẽ không vui”, già làng Côn Bắt tâm sự thêm.

Ngoài ra, cồng chiêng còn được người Pa Cô, Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn Quảng Trị sử dụng như là một loại phương tiện để giao tiếp giữa người với người, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, và nhất là mối quan hệ thông gia. Ngày xưa, khách nhà trai đến nhà gái nhân dịp lễ, tết, ngày giỗ đều phải có tiếng cồng tiếng chiêng. Bởi, nếu thiếu vắng chúng, nhà trai sẽ không vui và cho rằng lễ đón tiếp chưa đầy đủ và trang trọng.

Anh Hồ Văn Ngô, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt cho biết, hiện nay cồng chiêng trên địa bàn xã có khoảng hơn 200 chiếc. Trong đó, một số gia đình có nhiều cồng chiêng như gia đình nghệ nhân Kray Sức, nghệ nhân Mai Sen, ông Côn Vắt và nghệ nhân Côn Hưm.

Thực hiện theo dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2025 trên địa bàn huyện Đakrông, UBND xã Tà Rụt đã phối hợp Sở VH-TT&DL lịch tỉnh, Phòng VH-TT&DL huyện tổ chức các lớp dân ca, dân vũ và đánh cồng chiêng. Theo đó, mỗi năm có ít nhất 40 học viên tham gia học tập, biểu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn xã và các địa phương lân cận.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị cho biết, trong thực tế trước đây từng có một thời gian khá dài do kinh tế khó khăn, một số gia đình Pa Cô, Vân Kiều ở miền núi Quảng Trị thay vì bảo tồn cồng chiêng, họ đã phải bán đi những tài sản này cho người dân ở những nơi khác đến tìm mua. Ngoài ra, có những bộ cồng chiêng vì bảo quản không đúng cách dẫn đến bị mất âm, sai âm nên không có khả năng sử dụng. Với quá trình thực hiện dự án kể trên, hiện nay 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị đã thành lập được 8 đội cồng chiêng, với mỗi đội có từ 15 đến 25 thành viên. Bên cạnh nhạc cụ này, còn có khèn bè, tù và, trống, chập chọe cũng là những loại nhạc cụ truyền thống của bà con.

Thanh Bình
.
.