Đẩy mạnh khai thác thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và các địa phương trên cả nước

Thứ Tư, 11/12/2024, 11:57

Văn hoá, đất nước, con người Việt Nam là thế giới đầy tiềm năng cho điện ảnh. Tuy nhiên, chúng ta cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để khai thác tiềm năng này. Trong đó, việc triển khai Bộ chỉ số PAI – Công cụ đánh giá toàn diện giúp địa phương thu hút sản xuất phim một cách hiệu quả đã và sẽ thúc đẩy khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và của các địa phương trên cả nước.

Đây là nhận định của nhiều nhà quản lý, người làm điện ảnh ở trong và ngoài nước tại diễn đàn “Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam”. Diễn đàn do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức vào ngày 11/12 tại Ninh Bình.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA cho biết, chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với các đoàn làm phim. Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước.

PAI không chỉ là một chỉ số, đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.

Đẩy mạnh khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và của các địa phương trên cả nước -0
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11/2023, PAI đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tỉnh thành trên cả nước. Qua một năm triển khai, đến nay đã có 37 địa phương tham gia áp dụng chỉ số này.

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đánh giá cao Bộ chỉ số PAI và cho biết, Ninh Bình có nhiều di sản thiên nhiên rất đặc biệt, trong đó nổi bật có rừng quốc gia Cúc Phương, Tràng An... Ninh Bình có di sản văn hóa cũng độc đáo, gắn liền với các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, việc quảng bá di sản và văn hóa của Ninh Bình tới các nhà làm phim vẫn chưa được chú trọng. Chính quyền và lãnh đạo địa phương quyết tâm cao trong việc kết nối hướng tới xây dựng hệ sinh thái điện ảnh với các chỉ tiêu cụ thể dựa trên tiềm năng của Ninh Bình. Ý tưởng "phim trường hóa" di sản, giữ lại bối cảnh sau khi quay để khai thác du lịch và xây dựng phim trường quy mô lớn nhằm hình thành đô thị điện ảnh, là những bước đi chiến lược... 

Đẩy mạnh khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và của các địa phương trên cả nước -0
Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, người làm điện ảnh trong và ngoài nước.

"Xác định việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh sẽ mang lại nhiều lợi ích, với sự sẵn sàng đồng hành của doanh nghiệp, Ninh Bình cam kết mời gọi các nhà làm phim, nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi sản sinh ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao", Bí thư tỉnh Ninh Bình khẳng định.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, 2 phiên thảo luận chuyên đề đã thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia điện ảnh trong nước và quốc tế, cùng đại diện các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển.

Phiên 1 với chủ đề “PAI và Môi trường làm phim Việt Nam: Hội thoại để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp”. Dưới sự dẫn dắt của bà Phan Cẩm Tú, các diễn giả như ông Trịnh Hoan, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và ông Jared Dougherty (Sony Pictures) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách minh bạch và hỗ trợ thực tiễn, giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng bối cảnh quay phim.

Đẩy mạnh khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và của các địa phương trên cả nước -0
Các diễn giả trong phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn.

Phiên thứ hai với chủ đề “Ưu đãi làm phim và những lợi ích cho hoạt động sản xuất phim”. Ông Franck Priot và bà Ngô Thị Bích Hạnh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, khẳng định vai trò của sự hợp tác công - tư trong xây dựng môi trường làm phim chuyên nghiệp.

Tại Diễn đàn, VFDA đã công bố bảng xếp hạng PAI năm 2024, tôn vinh top 10 địa phương có chỉ số PAI cao nhất. Trong đó, Phú Yên là địa phương dẫn đầu triển khai PAI. Chín địa phương khác vào top 10 gồm: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Tuyên Quang và Ninh Bình.

Đẩy mạnh khai phá thế mạnh của điện ảnh Việt Nam và của các địa phương trên cả nước -0
Ban tổ chức trao chứng nhận Top 10 địa phương xếp hạng chỉ số PAI cao nhất năm 2024.

Dịp này, Ban Tổ chức ra mắt Vietnamfilmproduction.vn – nền tảng trực tuyến do VFDA phối hợp với công ty Baker & Mckenzi Việt Nam xây dựng. Nền tảng này được phát triển như một công cụ hỗ trợ toàn diện cho các đoàn làm phim, cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh quay phim, chính sách hỗ trợ và các quy trình pháp lý tại các địa phương.

N.Hoa
.
.