Danh họa Bùi Xuân Phái và người mẫu đặc biệt - “kỳ nhân tiền cổ”

Thứ Tư, 28/08/2019, 14:37

Đúng kỷ niệm 99 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái (1-9-1920 – 1- 9- 2019), một triển lãm đặc biệt, công bố phần lớn bộ ký họa “Ông Phái vẽ ông Đạm” sẽ được tổ chức tại Nhà đấu giá Chọn, Hà Nội. Cùng với triển lãm, tình bạn đặc biệt giữa danh họa và "người mẫu" lâu năm nhất của ông cũng được tiết lộ rộng rãi đến công chúng.



 Họa sĩ Bùi Xuân Phái thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, là một trong những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. 

Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Nhưng ông Nguyễn Bá Đạm, người mẫu trong hàng trăm bức vẽ của danh họa là ai, vì sao lại được họa sĩ Bùi Xuân Phái chọn làm nhân vật chính cho nhiều tác phẩm của mình đến thế thì không hẳn nhiều người biết rõ.

Ông Nguyễn Bá Đạm và danh họa Bùi Xuân Phái lúc sinh thời

Ông Nguyễn Bá Đạm là người nổi danh với tên gọi “kỳ nhân tiền cổ Hà thành” bởi đam mê sưu tập tiền cổ. Nhưng, với giới nghiên cứu và đam mê hội họa, ông còn được nhắc nhớ bởi vị trị khá đặc biệt: bạn tri kỷ, bạn tâm giao bộ tứ danh họa Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm), Liên (Dương Bích Liên), Sáng (Nguyễn Sáng), Phái (Bùi Xuân Phái). 

Theo các công bố chính thức, lúc sinh thời, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ 242 bức chân dung, ký họa ông Đạm. Năm 2018, ông Đạm là người duy nhất nhận Giải thưởng Lớn – Giải thưởng Bùi Xuân Phái, Vì tình yêu Hà Nội.

Ông Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy Sử nhưng là người đam mê sưu tầm kỷ vật về các văn nghệ sĩ, sưu tầm cổ vật, tiền cổ, thân thiết với rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái. 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái đặc biệt thích vẽ ký họa và chân dung ông Đạm nên ông  thường nhận được yêu cầu làm “người mẫu” cho ông Phái. Nhiều bức vẽ, ông Đạm đã tặng cho bạn bè, người quen biết mà ông yêu quý. Một số khác, ông dùng đổi đồ cổ, tiền cổ, bổ sung cho các bộ sưu tập của mình.

Nhà sưu tập Tira và ông Đạm bên bức chân dung của ông do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ

Về mối quan hệ nói trên, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho rằng: Người đương thời của danh họa Bùi Xuân Phái là ông Nguyễn Bá Đạm.  Ông Đạm không nằm trong bộ tứ thân thiết của Bùi Xuân Phái, gồm họa sỹ, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà thơ Vũ Đình Liên và ông Lê Chính. Nhưng ông Đạm là một trí thức, nhà giáo xưa, được Phái quý trọng, người có khuôn mặt cá tính, như một khắc họa sân khấu và có lẽ rất hợp với sự tìm tòi nội tâm nào đó về một con người Hà Nội, mà Phái đi tìm.

 Không chỉ thân thiết với Bùi Xuân Phái, ông Đạm còn quen biết nhiều họa sỹ và được họ vẽ chân dung, như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Mỗi người nhìn ông Đạm theo cách của mình, xây dựng nhân vật này vượt ra khỏi người mẫu, trở thành nhân vật xã hội trong hội họa. Đó là người đàn ông nghiêm trang, mà hơi hài ước, mũi gồ khoằm, mặt vuông vức, thẳng thắn, đôi khi khắc nghiệt, nhưng cẩn trọng với bè bạn. 

Cuộc đời dài đi cùng các danh họa, khiến ông trở thành nhà sưu tập tương đối phong phú về các họa sỹ, ông cũng là người chơi tiền cổ, được mệnh danh là Hà Nội kỳ nhân cổ tiền.

Rất nhiều bức vẽ ông Nguyễn Bá Đạm do danh họa Bùi Xuân Phái thực hiện, hiện nay đã thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập Thái Lan, ông Tira Vanictheeranont. Đây cũng là một phần trong “kho” sưu tập tác phẩm hội họa Việt  Nam, đã được ông Tira công bố vài năm trở lại đây.


N.Hoa
.
.