100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang
Ngày 27-1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “100 năm nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang”. Đây là hoạt động do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc tổ chức nhằm tri ân những đóng góp to lớn của ông đối với nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật kịch hát dân tộc nói riêng.
- “Lão tướng không quân” của nghệ thuật kịch hát dân tộc
- Hội thảo và mừng thọ nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang 95 tuổi
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc khẳng định: Trong đại gia đình sân khấu và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời và hôm nay, ở tuổi 100, ông đang hiện diện như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc. Chỉ tính hơn 30 năm gần đây, ông đã liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình: Đặc trưng nghệ thuật tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống, Khơi nguồn mỹ học dân tộc, kịch bản các vở “Thanh gươm hát bội”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Bà mẹ làng Sen”, “Tên sát nhân và nhà tu hành”…
Nhà nghiên cứu, soạn giả trăm tuổi Mịch Quang |
Có thể nói, trong đội ngũ nghiên cứu và sáng tác tuồng, ông là một trong những người có nhiều đóng góp to lớn nhất nên được suy tôn là bậc thầy. Giáo sư, NSND Trần Bảng gọi Mịch Quang là “lão tướng Tuồng” không chỉ bởi tài đức mà còn vì ông luôn là người xông pha đi đầu, tích cực và triệt để nhất trong trận chiến không khoan nhượng bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống dân tộc, bắt đầu từ nghệ thuật Tuồng.
Trong giới nghiên cứu sân khấu và nghệ thuật dân tộc ở nước ta, soạn giả Mịch Quang có nhiều phát hiện được đánh giá cao. Ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu về danh nhân Đào Tấn. Từ cuối năm 1960, trong lúc giới nghiên cứu tuồng chưa tìm ra nhiều định nghĩa về nghệt thuật biểu diễn tuồng thì Mịch Quang nên ra lý thuyết “tự sự kịch tính trữ tình” và “hiện thực tả ý”.
Hội thảo "100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang" |
Cuối những năm 1980, ông tiếp tục nêu lý thuyết “Cấu trúc động mở trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”, được các giáo sư âm nhạc tại Mỹ như GS Miller, Nguyễn Thuyết Phong đưa thành một mục quan trọng trong bộ môn dân tộc học để giảng dạy tại trường đại học Kent, bang Ohio và nhiều trường đại học khác trên nước Mỹ. Lý thuyết này cũng từng được Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê rất tâm đắc, giới thiệu tại nhiều diễn đàn dân tộc nhạc học thế giới như một chìa khóa để tìm hiểu âm nhạc truyền thống Việt Nam và phương Đông…
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cũng chính là người khơi nguồn mĩ học dân tộc. Riêng tại Việt Nam, các vấn đề đặt ra từ sự nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu về mỹ học dân tộc của soạn giả Mịch Quang đã khai phóng nhiều vấn đề mới cho các nhà nghiên cứu. Không một công trình nghiên cứu nào của ông lại không bắt đầu từ nỗi lo mất mát hoặc phai màu dân tộc trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam… Những luận điểm về mỹ học dân tộc của ông có giá trị khơi nguồn, đã tự nhiên khơi nguồn, mở rộng cửa cho người làm nghiên cứu…
Soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán. Ông sinh năm 1917 tại Bình Định – cái nôi của nghệ thuật Tuồng. Sớm tiếp thu tinh hoa văn hóa truyền thống quê và lao động sáng tạo không ngừng, ông có nhiều đóng góp có giá trị trên 2 lĩnh vực: nghiên cứu và soạn giả sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật kịch hát dân tộc, trong đó có nghệ thuật tuồng. Tài năng và sự cống hiến của ông đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng, trong đó có Huân chương lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016.