Vụ rò rỉ chấn động và "cơn đau đầu' của tình báo Mỹ

Chủ Nhật, 07/05/2023, 11:44

Một trong những vụ lộ lọt tài liệu mật nghiêm trọng nhất của tình báo Mỹ bắt đầu với loạt bài đăng ít được chú ý trên mạng xã hội Discord dành riêng cho giới trẻ mê trò chơi trực tuyến. Nghi phạm duy nhất của vụ việc đã nhanh chóng bị bắt giữ nhưng Washington vẫn cần nhiều thời gian để xử lý hệ lụy.

Hơn 100 tài liệu lộ lọt

Trong khi giới chức Ukraine úp mở về kế hoạch phản công Nga như một thông điệp thách thức đối phương, các tài khoản ủng hộ chiến dịch của Moscow tuần đầu tiên tháng 4/2023 chia sẻ một loạt ảnh tài liệu đóng dấu "mật" hoặc "tuyệt mật" cung cấp chi tiết đánh giá của tình báo Mỹ về sức mạnh quân sự tổng thể, năng lực phòng không đang suy giảm của Ukraine cũng như thời gian viện trợ vũ khí và tiến độ phương Tây đào tạo 12 lữ đoàn binh sĩ mới cho Ukraine với quân số từ 50.000 - 60.000 người.

ro ri tai lieu my-a1.jpg -0
Nghi phạm duy nhất của vụ việc là một binh sĩ 21 tuổi tên Jack Teixeira Ảnh: Independent.

Các tài liệu, vốn bao gồm cả dữ liệu về thiệt hại của hai bên xung đột, đã phơi bày vô số thách thức quân sự mà Kiev đang đối mặt và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, nhưng kéo theo cuộc tranh cãi gay gắt về tính xác thực. Tới khi New York Times ngày 6/4 đưa tin về sự cố và dẫn lời quan chức Mỹ cho hay họ đã mở cuộc điều tra khẩn cấp thì hầu hết công chúng mới lờ mờ hiểu rằng thông tin bị lộ có thể là thật, dù Washington chưa từng phủ định hoặc thừa nhận hoàn toàn những tin tức đó.

Cùng thời điểm, hàng chục trang tài liệu bị rò rỉ khác cũng xuất hiện tràn lan trên mạng. Theo Wall Street Journal, hơn 100 tài liệu đã bị lộ. Trong số chúng có một vài văn bản đóng dấu không công bố cho nước ngoài (NOFORN), số khác thuộc diện có thể chia sẻ với đồng minh của Mỹ, trong đó có liên minh tình báo "Ngũ nhãn" với các thành viên còn lại là Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Ngoài đánh giá về Ukraine, tài liệu rò rỉ gồm một số báo cáo về sự xuất hiện của binh sĩ phương Tây ở Ukraine dù không rõ vai trò. Một trong số các thông tin cho rằng, Ai Cập đã lên kế hoạch cung cấp đạn dược và tên lửa cho Ukraine, nhưng Cairo bác bỏ. Những dữ liệu bị lộ mà giới truyền thông phương Tây tiếp cận cũng có các báo cáo về Trung Quốc, chiến lược quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tình hình Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố. Một số thông tin được đánh giá là khá nhạy cảm gồm dữ liệu về điệp viên của Mỹ có thể đã lọt sâu trong chính quyền Nga, cách thức các tin tặc thu thập thông tin về các trao đổi nội bộ của quân đội Nga hay kế hoạch mà Moscow đang thực hiện nhằm đối phó phương Tây ở châu Phi.

Bên cạnh đó, loạt tài liệu khiến giới chức Mỹ "ái ngại" nhất là báo cáo tổng hợp dữ liệu hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Báo cáo này liệt kê những cuộc liên lạc bị Mỹ chặn thu từ chính phủ các nước đồng minh, trong đó có cơ quan tình báo Mossad của Israel và Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc hay các cuộc thảo luận nội bộ ở Anh, Nhật Bản và Liên hợp quốc. Các tài liệu còn tiết lộ một hệ thống giám sát vệ tinh chưa từng biết đến của Mỹ có tên LAPIS.

Thách thức mới của tình báo Mỹ

Một số quan chức Mỹ đã nói đến động cơ chính trị và nghi ngờ các quốc gia đối đầu đứng sau vụ rò rỉ. Nhưng sau vài ngày truy vết, các đặc vụ FBI đã bắt giữ nghi phạm duy nhất người Mỹ, một binh nhất mới 21 tuổi, tên Jack Teixeira. Anh này là chuyên gia công nghệ thông tin thuộc Bộ phận Tình báo số 102, Căn cứ không quân Otis thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia đóng tại Cape Cod, bang Massachusetts. Teixeira cấp bậc thấp, nhưng chịu trách nhiệm về các mạng liên lạc quân sự, gồm trung tâm tiếp nhận thông tin nước ngoài nên được quyền truy cập thông tin tình báo tuyệt mật thông qua mạng máy tính của Bộ Quốc phòng mang tên Hệ thống Liên lạc Tình báo chung toàn cầu (JWICS).

Theo truyền thông Mỹ, Teixeira đã chụp và gửi các bức ảnh tài liệu mật lên nhóm chat khoảng 20 thành viên trên mạng xã hội Discord dành riêng cho giới trẻ mê game từ tháng 1/2023. Những người tham gia nhóm chat hứa không chia sẻ tài liệu ra ngoài, nhưng một thành viên không giữ lời, khiến thông tin lan rộng.

Đây không phải lần đầu tiên nhân viên làm trong lĩnh vực công nghệ làm rò rỉ thông tin mật nhưng được đánh giá là một trong những vụ việc đặc biệt nhất. Năm 2010, Chelsea Manning, chuyên gia phân tích dữ liệu của quân đội Mỹ, đã chia sẻ hàng ngàn tài liệu mật với Wikileaks. Số tài liệu do Manning cung cấp có chi tiết về cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, cũng như nhiều điện tín ngoại giao bí mật. 3 năm sau, "người thổi còi" Edward Snowden, chuyên gia công nghệ từng làm việc ở CIA, đã công bố một loạt tài liệu bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), hé lộ cách thức Mỹ thu thập dữ liệu tình báo của lãnh đạo các nước đồng minh, gây ra sóng gió với ngoại giao Mỹ.

Khác động cơ của Snowden và Manning, Teixeira không cố ý gây "phiền hà" cho chính quyền Mỹ. Tuy vậy, sự cố đã bộc lộ một "cơn đau đầu" mới mà ngành tình báo Mỹ phải đối phó. Washington Post nhận định Teixeira là ví dụ về "mối đe dọa nội bộ trong thời kỳ kỹ thuật số". Sự xuất hiện của hiện tượng này gần như không thể tránh khỏi, khi những người tiết lộ bí mật không nhằm mục đích chính trị, mà muốn sống trong "cuộc sống trực tuyến" một cách minh bạch nhất có thể.

Alexis Wichowski, chuyên gia từ Đại học Columbia, cho biết, nhóm người này tuân theo triết lý rằng "bí mật chỉ dành cho những kẻ thất bại". "Đây không phải là kiểu rò rỉ truyền thống hay cố tình làm lộ bí mật", bà Wichowski nói. "Đây là kiểu chia sẻ thông tin bí mật với một nhóm nhỏ... Bí mật này chỉ thuộc về vòng tròn quan hệ nhỏ đó của anh ta, giúp họ có vị thế trước công chúng".

Các chuyên gia lo ngại rủi ro tiếp theo với an ninh quốc gia Mỹ có thể đến từ những người như Teixeira, khi chính phủ Mỹ cần thuê và tin tưởng các chuyên gia công nghệ lớn lên trong nền văn hóa số và có cùng suy nghĩ "bí mật chỉ dành cho những kẻ thất bại". Những vụ rò rỉ kiểu này được cho là sẽ khó phát hiện và ngăn chặn hơn, do việc rò rỉ mang tính tình cờ. Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, hơn một triệu người Mỹ có quyền truy cập vào các tài liệu mật với mức độ phân cấp khác nhau, một bộ phận không nhỏ trong đó là chuyên gia trẻ.

b2.jpeg -0
Các thông tin mật bị rò rỉ đã cung cấp những đánh giá nội bộ của Mỹ về tình hình xung đột ở Ukraine.

Đồng minh hợp tác nhưng cảnh giác?

Năm 2013, khi thế giới biết về kho dữ liệu gián điệp nhắm vào đồng minh của Mỹ, chính phủ một số quốc gia đã phản ứng rất gay gắt. Tại Berlin, hàng nghìn người xuống đường biểu tình. Quan chức phụ trách CIA tại Đức bị trục xuất, còn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel không ngần ngại phàn nàn "việc giám sát bạn bè là điều không thể chấp nhận được". Ở Paris, đại sứ Mỹ bị triệu tập, còn Tổng thống Brazil quyết định hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Washington. Lần này, vụ tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên mạng cũng cho thấy phạm vi tiếp cận rộng lớn của tình báo Mỹ, nhưng chưa kéo theo cuộc khủng hoảng ngoại giao nào.

Theo Wall Street Journal, các phản ứng gay gắt nhất nhằm vào Mỹ đến từ các nước cạnh tranh. Vài tháng trước, Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng khinh khí cầu thu thập thông tin trên nhiều lục địa. Hôm 12/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lật ngược tình thế, nhấn mạnh Mỹ nợ cộng đồng quốc tế một lời giải thích vì "lợi dụng ưu thế công nghệ" để "giám sát và nghe lén các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả đồng minh". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov gọi những thông tin được tiết lộ về hoạt động gián điệp của Mỹ đối với Nga là điều không có gì đáng ngạc nhiên. "Vụ rò rỉ đó khá thú vị. Tất cả tài liệu đang được nghiên cứu, phân tích và thảo luận", ông nói.

Ở phía đồng minh, trong các tuyên bố công khai, Anh, Hàn Quốc, Israel và Ukraine đều bác bỏ tính xác thực của những thông tin bị lộ lọt. Tuy vậy, khi trả lời ẩn danh tờ Washington Post, quan chức châu Âu lo ngại vụ rò rỉ "gây ra một số thiệt hại vì nó làm dấy lên nghi ngờ về cách thức bảo vệ và xử lý thông tin tình báo". Một số quan chức phương Tây khác thể hiện sự ngạc nhiên việc quân đội Mỹ cho phép quân nhân cấp thấp, thiếu kinh nghiệm tiếp cận lượng lớn thông tin tình báo cấp cao.

Washington Post cho hay, một số quốc gia đã có thể thiết lập được mạng lưới tình báo, nhưng quy mô hoạt động nhỏ ở khu vực và không thể sánh với quy mô ngành tình báo rộng lớn trên toàn cầu tiêu tốn nhiều tỷ USD mỗi năm của Mỹ. Chưa có quốc gia nào đến nay thể hiện họ sẵn sàng giảm mức độ hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực nhạy cảm này, nhưng sự cố rõ ràng khiến đồng minh lâm vào cảnh khó xử khi họ lo ngại việc chia sẻ dữ liệu nhạy cảm trong tương lai có thể phản tác dụng.

"Thật khó để bạn bè tin tưởng chia sẻ những bí mật với chúng ta nếu chúng ta không thể bảo vệ chúng", ông Bill Lynn, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Obama nêu quan điểm.

Thái Hà
.
.